Hẩm hiu các dự án của "ông lớn" bất động sản 584
2 dự án bị ngân hàng phát mãi tài sản, lỗ lũy kế hơn 1.400 tỷ đồng, tình hình tài chính gặp khó khăn lớn. Thế nhưng, công ty 584 vẫn tiếp tục được nhận thầu dự án 290 tỷ đồng tại Vĩnh Long.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh sở Giao dịch 2 lại tiếp tục có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản nợ của khách hàng là công ty Cổ phần Phú Mỹ Trung Việt (trước đó có tên là công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilama – SHB) vay tại BIDV sở Giao dịch 2.
Tài sản đảm bảo là 7 quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án Khu dân cư căn hộ cao tầng 584 Lilama - SHB Plaza tại đường Nguyễn Oanh (phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) thuộc sở hữu của công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584.
Theo BIDV sở Giao dịch 2, tính đến thời điểm 31/5/2018, khoản nợ tạm tính, bao gồm toàn bộ gốc lãi và phí của đơn vị này đã lên đến gần 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án liên danh giữa 584 với Lilama – SHB, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, dự kiến sẽ có 1.218 căn hộ (diện tích từ 82 - 118m²).
Theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ vào cuối năm 2012 cho khách hàng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, dự án chính thức ngừng thi công sau nhiều lần chậm tiến độ.
Trước đó, BIDV sở Giao dịch 2 cũng đã chính thức phát mãi tài sản Khu căn hộ cao tầng 584 - Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) của công ty 584. Như vậy, hai dự án "khủng” của 584 đã chính thức bị phát mãi. Vậy hiện nay, “sức khỏe” doanh nghiệp này đang như thế nào?.
Theo biên bản Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2017, 584 đưa ra 3 phương án: Hoặc thông qua tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng để phát triển các tài sản của công ty, hoặc thông qua việc ủy quyền cho HĐQT đàm phán với các ngân hàng tại tòa án về việc giao tài sản dự án Trịnh Đình Trọng (quận Tân Phú) cho ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng như dự án Nguyễn Oanh (phường 6, quận Gò Vấp) và dự án Tân Kiên - Bình Chánh cho ngân hàng BIDV sở Giao dịch 2 để các tổ chức tín dụng này phát mãi tài sản trả nợ vay cho ngân hàng.
Ngoài 2 nội dung trên còn một nội dung rất quan trọng là thông qua việc giao HĐQT lựa chọn phương án tái cấu trúc công ty theo hướng sáp nhập hoặc bán cho một đối tác khác hoặc phá sản.
Thực tế các nội dung trên đều không thể thông qua tại Đại hội đồng cổ đông, thế nên 584 vẫn tiếp tục “vùng vẫy” trong nợ nần.
Đầu năm 2018, đơn vị này đã có HĐQT mới. Theo đó, ông Trần Nam Kha giữ chức Chủ tịch HĐQT và kiêm luôn Tổng Giám đốc thay cho ông Đỗ Biên Thùy.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2018, 584 đang có khoản nợ phải nợ phải trả lên đến trên 4.000 tỷ đồng và chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang âm trên 1.000 tỷ đồng do lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ, gây ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh như vậy, nhưng trong thông báo ngày 16/8 mới đây, 584 đã bất ngờ “trúng” dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu hành chính tỉnh Vĩnh Long và Khu dân cư phường 9, TP. Vĩnh Long.
Theo đó, 584 liên doanh với công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang, công ty CP Xây dựng và Kinh doanh BĐS Vĩnh Bình và công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Ngọc Phú Tiên thi công theo hình thức xây dựng, chuyển giao.
Theo thông tin mà PV có được, tổng mức đầu tư cho các dự án trên lên tới gần 290 tỷ đồng, trong đó, gói thầu xây lắp và thiết bị trị giá gần 190 tỷ đồng. Đây là dự án do ban Quản lý điều hành dự án xây dựng khu hành chính tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư.
Ở chiều ngược lại, hiện tại, hàng loạt dự án như Khu căn hộ cao tầng Trịnh Đình Trọng - 584 Lilama SHB (quận Tân Phú), Cao ốc thương mại và văn phòng Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)... vẫn chưa rõ số phận, đi đâu về đâu... khi tình hình kinh doanh của công ty gần như... bất động.
Bởi, các dự án này đang trong tình cảnh "đắp chiếu" do vướng khởi kiện, cơ quan chức năng tuýt còi... Ví như dự án ở Trịnh Đình Trọng khởi công từ năm 2009, dự kiến bàn giao nhà vào năm 2011, thế nhưng mới xây dựng được phân nửa thì "đứng yên" cho đến nay, do đói vốn. Khách hàng đã mua căn hộ tại dự án này "điêu đứng", khiếu kiện khắp nơi.
“Công ty vẫn còn một số BĐS có giá trị tương đối lớn và đều có thể phát sinh lợi nhuận. Tuy nhiên, nguồn tài chính của công ty đã cạn kiệt do đó khả năng hoàn thành dự án để kinh doanh thu hồi và trả nợ ngân hàng gần như không thể. Hiện nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hoàn toàn đình trệ, chủ yếu tập trung khắc phục sai phạm hành chính tại các dự án theo chỉ đạo của UBND TP.HCM”, báo cáo cuối năm 2017 của HĐQT nêu.
Vì thế, doanh nghiệp này trúng gói thầu nêu trên tại Vĩnh Long là điều hết sức bất ngờ.
Dương Thanh Tùng
-
Thị trường đất nền sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại
-
Giải bài toán mất cân đối cung – cầu để kéo giảm giá nhà
-
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
“Siết” phân lô, bán nền, giá đất nền vùng ven rục rịch tăng
-
Bước sang 2025, chung cư không còn là ‘ngôi sao’ của thị trường BĐS
-
Condotel thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư Hà Nội