Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

'Xiên bẩn' vỉa hè: Nhộn nhịp mua bán phớt lờ cảnh báo

Thứ tư, 02/04/2025 16:53 (GMT+7)

"Xiên bẩn" - món ăn vặt thu hút đông đảo học sinh, sinh viên được bán tại nhiều cổng trường ở Hà Nội lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tràn lan "xiên bẩn"

Trong một động thái gần nhất, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các món ăn đường phố, thường gọi là "xiên bẩn". Nhiều quán sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thịt ôi thiu và dầu chiên nhiều lần, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Tuy nhiên, tình trạng mua bán loại thực phẩm này vẫn diễn ra nhộn nhịp hàng ngày, đặc biệt là ở các khu vực cổng trường, công viên, lề đường. Những chiếc xe máy gắn giỏ hàng, khay đựng thực phẩm không được che đậy cẩn thận... thu hút một lượng khách không nhỏ.

Ghi nhận của PV tại một số cổng trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) những ngày cuối tháng 3, các món ăn vặt 'xiên bẩn' được chiên ngay tại chỗ, với mức giá dao động từ 2.000 đến 15.000 đồng/xiên. Các viên hình tôm, cá hay phô mai được chiên tại chỗ trong những chảo dầu đã đổi màu trước khi đến tay khách hàng.

Chảo dầu chiên đi chiên lại của một quán hàng rong. 

Quỳnh T., học sinh lớp 7 tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thường xuyên ăn 'xiên bẩn' tại cổng trường mỗi khi tan học. Mỗi lần T. thường tiêu hết 40.000 - 50.000 đồng để ăn vặt. "Tuần nào em cũng phải ăn cùng các bạn từ 2-3 lần. Dù biết là bẩn, có lúc ăn xong bị đau bụng, nhưng ăn nhiều thành quen, em vẫn tiếp tục mua vì ngon và rẻ", Nhi nói.

Tương tự, Tuấn, một sinh viên sống ở quận Hai Bà Trưng, bày tỏ lo ngại khi em gái liên tục đòi ăn "xiên bẩn" sau giờ tan trường. "Em gái em thường xuyên đòi ăn loại thức ăn này và đòi hỏi bằng được. Mặc dù lo mấy món ăn này sẽ gây hại cho sức khỏe nhưng đành phải chiều mỗi ngày cho em ăn 2-3 xiên".

Tại các khu vực trường học tại Hà Nội, như Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) và Núi Trúc (Ba Đình), món ăn chiên rán này cũng được bán phổ biến, thu hút đông đảo học sinh.

Luôn tay đảo các xiên que trong chảo dầu đã chuyển sang màu sẫm, chị Hoa, chủ quán xiên gần trường học trên địa bàn Hai Bà Trưng tiết lộ, sản phẩm của chị được nhập sẵn, ăn đến đâu rán đến đó. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm và thời hạn sử dụng, chị này không có phản hồi rõ ràng.

Anh Minh, người bán xe xiên rong tại cổng trường trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, cao điểm bán được nhiều hàng nhất là vào giờ ra chơi, tan tầm khi học sinh chờ phụ huynh đến đón.

Nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột, ảnh hưởng tính mạng

Trong cảnh báo mới nhất, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, các hàng quán bán xiên nướng "bẩn" (thịt, cá, hải sản, rau củ xiên que) hay đồ ăn vặt ở lề đường bên cạnh tính tiện dụng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguyên nhân gồm: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thịt ôi thiu, hỏng hoặc thực phẩm đông lạnh kém chất lượng; Tẩm ướp phụ gia, phẩm màu, gia vị giá rẻ để che mùi ôi thiu hoặc tăng độ đậm đà nhân tạo; Dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, tạo ra các chất gây hại cho sức khỏe; Chế biến và bày bán ở nơi bụi bẩn, gần mặt đường lại không được che chắn dẫn đến thực phẩm bị nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn từ không khí; Người bán không đảm bảo quy chuẩn vệ sinh cá nhân như không đeo găng tay, khẩu trang khi chế biến.

Mỗi que 'xiên bẩn' có giá từ 2.000-10.000 đồng. Thịt nướng, lạp xưởng có giá từ 13.000-15.000 đồng, tùy loại.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, việc tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh, đặc biệt là "xiên nướng bẩn" có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe, như: Ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường ruột từ các vi khuẩn như E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn…; Tích tụ độc tố lâu dài do dầu chiên đi chiên lại nhiều lần dễ tạo ra các chất gây ung thư; Nhiễm ký sinh trùng nếu thịt không được nướng chín kỹ hoặc nguyên liệu từ động vật nhiễm bệnh.

Theo Đại tá, bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Đinh Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm khoa nội tổng hợp, bệnh viện 354, các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc thậm chí vài ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm không an toàn.

"Người bị ngộ độc thường có biểu hiện đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi. Trường hợp nặng có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, suy kiệt, mắt mờ, yếu cơ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời”, ông Bình cho biết.

Bác sĩ Đinh Thanh Bình chia sẻ, một trong những nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm là nhiễm khuẩn E. Coli và Salmonella. Vi khuẩn E. Coli có thể gây đau quặn bụng, tiêu chảy ra máu, sốt cao, nôn mửa, suy nhược. Trong khi đó, nhiễm khuẩn Salmonella, thường xuất phát từ thực phẩm chưa nấu chín như thịt sống, trứng, sữa chưa tiệt trùng, có thể dẫn đến tiêu chảy kéo dài, đau quặn bụng, ớn lạnh, đau đầu, cơ thể suy nhược. Nếu không được điều trị kịp thời, cả hai loại vi khuẩn này đều có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như suy thận, mất nước nghiêm trọng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 70-80% thức ăn đường phố, bao gồm cả đồ ăn vặt ở cổng trường được xác định bị nhiễm khuẩn Ecoli. Đây là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn tả.

Cũng theo bác sĩ Bình, những thực phẩm không an toàn thường có màu sắc bất thường, mùi lạ, bề mặt nhớt dính hoặc quá rẻ so với giá thị trường. Bên cạnh đó, dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần cũng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

"Khi dầu bị đun nóng lặp đi lặp lại, các gốc tự do có hại sẽ sinh ra, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch, đột quỵ, rối loạn tiêu hóa, thậm chí gây ra các vấn đề về da và lão hóa sớm", bác sĩ Bình nhấn mạnh

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn địa điểm ăn uống. Nên ưu tiên những quán ăn sạch sẽ, có nguồn nguyên liệu rõ ràng, đảm bảo điều kiện bảo quản thực phẩm. Hạn chế ăn thực phẩm đường phố không che chắn, đặc biệt là các món "xiên bẩn" chiên rán có dầu mỡ đen sậm, nhiều cặn.

Mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong kinh doanh ăn uống
Theo luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc Công ty Luật ARC (Hà Nội), Nghị định 115/2018/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP. Theo đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh như bày bán thực phẩm trên dụng cụ bẩn, không có dụng cụ chế biến riêng, để côn trùng xâm nhập có thể bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Nếu vi phạm về lưu mẫu thức ăn, không có nhà vệ sinh hoặc dụng cụ thu gom rác không đậy nắp, mức phạt tăng lên 3 - 5 triệu đồng.
Các cơ sở sử dụng nhân viên không đạt yêu cầu về kiến thức an toàn thực phẩm có thể bị phạt 5 - 7 triệu đồng, trong khi đó, nếu sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh hoặc không đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chủ cơ sở có thể bị phạt từ 7 - 10 triệu đồng. Đặc biệt, nếu nhân viên mắc bệnh truyền nhiễm vẫn được phép làm việc, mức phạt có thể lên đến 10 - 15 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, các vi phạm nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng. Đối với các hàng quán kinh doanh thức ăn đường phố, mức phạt cũng được áp dụng nghiêm ngặt. Nếu thực phẩm không được che đậy, dụng cụ bày bán không đảm bảo vệ sinh, cơ sở có thể bị phạt từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Vi phạm liên quan đến nước bẩn hoặc sử dụng nhân viên mắc bệnh truyền nhiễm có thể bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Đáng chú ý, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi so với cá nhân, theo quy định pháp luật.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn