Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Hướng nghiệp hời hợt khiến nhiều học sinh thua cuộc từ vạch xuất phát

Thứ ba, 27/05/2025 10:52 (GMT+7)

Nhiều học sinh chọn ngành theo cảm tính do thiếu sự đồng hành từ gia đình, nhà trường trong việc hướng nghiệp và dễ bị tụt lại trong xã hội biến động lớn về việc làm.

Ngồi nhầm lớp, học sai ngành vì không được "vẽ đường"

Minh Huy (24 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) tốt nghiệp bằng giỏi ngành Truyền thông Đa phương tiện tại một trường đại học ở Hà Nội, nhưng sau gần một năm nộp hơn 20 hồ sơ ứng tuyển vào các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia, Huy vẫn liên tục thất bại do thiếu kỹ năng thực tế và kinh nghiệm chuyên môn.

Theo Huy, ban đầu, bộ phận hướng nghiệp của trường đã khẳng định rằng, ngành học của Huy hiện đại, đầy tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm rộng mở nên anh không cần quá lo lắng về vấn đề đầu ra. Thế nhưng, khi bước chân vào giảng đường, Huy nhận ra những kiến thức tại đây thiếu sự gắn kết thực tế, không đủ để tạo cầu nối bền vững giữa sinh viên và doanh nghiệp.

Thêm vào đó, các buổi tư vấn nghề nghiệp của trường phần lớn mang tính chất quảng cáo, khiến cho nhiều sinh viên rơi vào trạng thái “cưỡi ngựa xem hoa”. Những buổi tư vấn này thiếu chiều sâu và hệ thống bài bản thay vì giúp sinh viên có cái nhìn thực tế và toàn diện về nghề nghiệp tương lai.

Dù đã tốt nghiệp được 1 năm nhưng Huy vẫn đang trong quá trình đi tìm việc làm. Ảnh: NVCC

Trường hợp như Huy không hiếm, nó là hệ quả của việc các em không nhận được định hướng nghề nghiệp phù hợp ngay trong giai đoạn còn là học sinh cấp ba.

Trần Nam, học sinh lớp 12 tại Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Trên trường, các buổi chúng em được hướng nghiệp không nhiều, đã thế còn bị giáo viên chiếm dụng làm giờ học các môn khác. Em thấy hướng nghiệp chỉ là phần 'phụ' trong chương trình học, chưa được coi trọng như một bộ phận thiết yếu trong giáo dục phổ thông".

Theo Nam, các buổi tư vấn hướng nghiệp, phần lớn chỉ mang tính hình thức với nội dung sơ sài, mơ hồ, thiếu minh bạch và không rõ định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Do vậy, nhiều học sinh chọn ngành nghề dựa trên cảm tính, theo trào lưu và những lời khuyên không phù hợp, bỏ qua việc tự đánh giá năng lực, sở trường và tính cách của chính mình. Để rồi nhiều bạn trẻ như Nam đã rơi vào cảnh bỡ ngỡ, lạc lối khi bước vào đại học, đến khi ra trường lại rơi vào cảnh "thua cuộc" như Huy, tốt nghiệp bằng giỏi vẫn khó kiếm việc làm.

Dù đã từng tham gia một vài buổi tư vấn hướng nghiệp tại trường, nhưng Nam vẫn phải tự mình mày mò thông tin ngành học và các trường đại học qua mạng. Ảnh: NVCC

Quảng cáo tuyển sinh "đội lốt" hướng nghiệp

Không chỉ đối mặt với sự hướng nghiệp hời hợt trong trường cấp 3, nhiều học sinh còn bị tác động bởi những lời quảng cáo "có cánh" nhằm mục đích tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.

Ghi nhận thực tế về các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THPT, chúng tôi thử liên hệ với Khánh Dương, tư vấn viên tại một trường cao đẳng đào tạo đa ngành. Cô gái này khẳng định trường mình có bộ phận tư vấn nổi tiếng với việc đào tạo “Bám sát thị trường” hay “số 1 Việt Nam” và với tư cách là cựu sinh viên của trường, Dương được cử đi để chia sẻ trải nghiệm học tập và hỗ trợ công tác tuyển sinh.

"Trong quá trình học chương trình, sinh viên chỉ cần đi học đầy đủ, làm đủ bài tập là được ra trường. Nhiều bạn ra trường lương 10–20 triệu, có người mở doanh nghiệp, thu nhập hàng chục, trăm triệu mỗi tháng”, người này nói.

Thêm vào đó, Khánh Dương cũng chia sẻ thêm, chương trình đào tạo của trường có hỗ trợ giới thiệu việc làm phù hợp với năng lực từng sinh viên. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp ở mức 97%, tỷ lệ có việc làm là 95%, dù không có cam kết cụ thể.

Tuy nhiên, khi được hỏi về người chịu trách nhiệm cho những cam kết đầu ra ấy, câu trả lời chỉ dừng lại ở mức “tùy vào năng lực và thái độ học tập của sinh viên”.

Một trường cao đẳng đào tạo về Đa phương tiện đang rầm rộ quảng bá với khẩu hiệu “học nhanh, làm sớm”, cam kết 90% sinh viên có việc làm ngay sau kỳ học đầu tiên với mức lương trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, không có gì chứng minh những lời hứa hẹn hoa mỹ đó sẽ thành sự thật.

Ngọc Chi (tư vấn viên) cho biết, trường chỉ dạy môn chuyên ngành, học xong là có việc, thực hành chiếm 80% thời lượng đào tạo và trường đã đào tạo 1/3 số designer (người làm nghề thiết kế) nhưng con số này chỉ dựa trên thống kê nội bộ. Trò chuyện với một số sinh viên đã ra trường, nhiều người cho biết họ và phần lớn bạn bè cùng trường lớp đều phải tự tìm việc làm chứ không được nhà trường hỗ trợ.

Hiểu mình trước, hiểu nghề sau

Cô Nguyễn Vân, một giáo viên cấp ba tại Hà Nội, cho biết, dù hiện nay thông tin về các trường đại học và ngành học rất nhiều và dễ dàng tìm kiếm nhưng việc thiếu đi sự đồng hành bài bản từ nhà trường, gia đình cùng các chuyên gia hướng nghiệp khiến học sinh rất dễ lạc lối trong biển thông tin và lựa chọn một cách cảm tính. “Dù ai cũng nói nên 'học ngành mình thích', nhưng trên thực tế, không nhiều học sinh thực sự hiểu rõ đam mê của mình ở tuổi 17-18”, cô chia sẻ thêm.

Thêm vào đó, một số sai lầm của cha mẹ thường gặp phải khi định hướng nghề nghiệp cho con, đó là, áp đặt mong muốn của mình, coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề, dùng tiền để “mua” cho con một công việc….

Theo cô Vân, điều quan trọng nhất giúp các em học sinh xác định được hướng đi phù hợp cho bản thân chính là khả năng hiểu rõ chính mình, bao gồm việc nhận diện được năng lực, sở trường, tính cách cũng như những ước mơ, kỳ vọng cho tương lai. Khi thực sự thấu hiểu bản thân, các em sẽ dễ dàng đưa ra lựa chọn đúng đắn và xây dựng lộ trình phát triển phù hợp.

Theo cô Vân, học sinh phải thấu hiểu bản thân trước khi chọn ngành học. Ảnh minh họa

Tương tự, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, ngoài hiểu về năng lực bản thân, học sinh ngày nay cần phải linh hoạt trước những biến động, thay đổi của thế giới để có sự lựa chọn hợp lý. Ông Nam ví dụ một số công việc truyền thống đang có nguy cơ biến mất như: Nhân viên lễ tân, tư vấn tài chính cá nhân, nhân viên tín dụng, bảo vệ, nấu đồ ăn nhanh, lập trình máy tính, thậm chí là nhạc sĩ, ca sĩ, luật sư tư vấn…

Nguyên do là trong bối cảnh khoa học công nghệ bùng nổ, nhiều phẩm chất và khả năng của con người mà trí tuệ nhân tạo không thể cạnh tranh được nhưng nó cũng khiến nhiều ngành nghề biến mất, nhiều người sẽ bị thay thế, thất nghiệp trong tương lai. Thế giới công việc sẽ tồn tại những nghịch lý như đòi hỏi gia tăng hiệu suất nhưng cắt giảm chi phí, tận dụng công nghệ để có những quyết định nhân sự.

Các kỹ năng cần có để học sinh không bị bỏ lại trong thế giới không ngừng biến đổi đó là: Kỹ thuật số, tư duy, kỹ năng giao tiếp, tự lãnh đạo bản thân. Người học biết cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng năng suất, phân tích dữ liệu, báo cáo điện tử cũng như hiểu về bảo mật thông tin và đạo đức kỹ thuật số.

Theo ông Nam, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, nhiều ngành nghề có nguy cơ biến mất, khiến không ít người bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Thị trường lao động sẽ tồn tại nghịch lý: Vừa cần hiệu suất cao, vừa tối ưu chi phí nhờ công nghệ. Ảnh minh họa.

Theo đó, ông Nam cho biết, học sinh không nên chọn nghề mà bản thân cảm thấy không đủ điều kiện đáp ứng; Chỉ chọn khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề, trong đó gồm các yếu tố như môi trường làm việc, tính chất, khó khăn, thách thức; không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu.

Nếu không tìm hiểu, khi đã vào trường học, thậm chí ra đi làm vẫn không thể hình dung hết được khó khăn, thách thức của nghề và nản chí.

65,4% sinh viên năm nhất chưa hiểu hết mục đích ngành học
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính) về tình hình lao động, việc làm quý I/2025, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm nhẹ còn 7,93%, nhưng ở thành thị tăng lên 11,06, trong khi nông thôn giảm còn 7,40%. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn trong cơ hội việc làm giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, khảo sát Bộ GD&ĐT cho biết, 65,4% sinh viên năm nhất chưa hiểu rõ mục đích ngành học; 50,8% không biết tương lai nghề nghiệp; 75,6% không hài lòng với ngành đã chọn; 32,4% muốn thi lại năm sau.
Còn Thống kê Bộ GD&ĐT về sinh viên tốt nghiệp 2020 cho thấy 9 ngành có tỷ lệ việc làm trên 75%, như Dịch vụ vận tải (89,2%), Nghệ thuật (85,4%), Thú y (85,2%), Kiến trúc (79,6%), Sản xuất (79,5%), Toán (77,7%), Sức khỏe (76,7%), Nông lâm thủy sản (75,8%) và Khoa học sự sống (75,6%).

Phương Hồng
Nguồn: sohuutritue.net.vn