Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

'Lách luật' dạy thêm sau Thông tư 29: Không kiểm soát, hệ luỵ sẽ khó lường

Thứ hai, 05/05/2025 06:45 (GMT+7)

Chỉ sau một thời gian ngắn thông tư 29 có hiệu lực, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đã phản ánh về việc giáo viên tìm cách "lách luật" để tổ chức dạy thêm, khiến phụ huynh bức xúc.

Thông tư 29 chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, với kỳ vọng siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan, giảm áp lực cho học sinh và đảm bảo công bằng trong giáo dục. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều phụ huynh tại Hà Nội đã phản ánh về việc giáo viên tìm cách "lách luật" để tiếp tục tổ chức dạy thêm.

Qua ghi nhận, các hình thức "lách luật" hiện nay đa dạng như: tổ chức các lớp "bồi dưỡng kiến thức", "câu lạc bộ học tập", hoặc giới thiệu trung tâm học thêm với cam kết nội dung liên quan trực tiếp đến bài giảng chính khóa. Một số giáo viên còn chủ động hẹn phụ huynh riêng để vận động, "gợi ý mềm" việc học thêm.

Các chuyên gia giáo dục cảnh báo, nếu không kịp thời xử lý, tình trạng này sẽ làm suy giảm niềm tin xã hội vào hệ thống giáo dục, đồng thời tạo ra sự bất công giữa các học sinh.

Đổi giáo viên, liên kết trung tâm để dạy thêm

Chị Phương Thảo (43 tuổi, trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội) có con học tại một trường tiểu học cho biết, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, việc dạy thêm trong trường tạm lắng, nhưng không lâu sau, các giáo viên đã thay đổi cách tổ chức nhằm "né" quy định.

"Điển hình có hôm ca sáng, gia đình tôi có việc nên cho cháu nghỉ học thêm. Tuy nhiên, chiều đi học chính khóa, con tôi than thở rằng bị bỏ lỡ một bài học. Khi hỏi bạn bè, mới biết bài này đã được dạy vào buổi sáng. Việc nghỉ một buổi học thêm mà mất luôn kiến thức trên lớp khiến tôi rất bức xúc", chị Thảo chia sẻ.

Theo chị, hình thức "đổi giáo viên dạy chéo" này không chỉ đối phó với Thông tư mà còn gây bất công đối với những học sinh không theo học thêm.

Thông báo tuyển sinh của một trung tâm dạy thêm.

Tương tự, chị Minh Tuyết (40 tuổi, quận Đống Đa, TP Hà Nội) có con đang học THCS cho biết: "Ban đầu, tôi rất mừng vì các con không còn học thêm ngay tại trường nữa. Tuy nhiên, gần đây giáo viên chủ nhiệm lại giới thiệu các trung tâm bên ngoài để các con học thêm".

Mặc dù người đứng lớp là giáo viên trung tâm, nhưng người tư vấn, tổ chức và điều phối vẫn là giáo viên trường. "Cả lớp con tôi đều tham gia học thêm. Dù mang tiếng tự nguyện nhưng thực tế, nếu không cho con đi, tôi rất lo con sẽ bị bỏ lại phía sau", chị Tuyết cho biết.

Siết dạy thêm tại trường, "bung" trung tâm khiến học sinh thiệt thòi

Bà Đàm Hoài Dung, nghiên cứu viên Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: giáo viên được phép liên kết với trung tâm, nhưng không được dạy chính học sinh của mình. Mỗi quận tại Hà Nội đang triển khai học thêm theo cách khác nhau, gây bất cập. "Khi cả lớp học thêm nhưng phải thay giáo viên, người mới không nắm được trình độ học sinh, chất lượng học tập sẽ bị ảnh hưởng", bà nói.

Trong thực tế, giáo viên liên kết với trung tâm để "lách luật" là chuyện không hiếm. Thông tư 29 với mục tiêu nhân văn, giảm tải học tập lại đang bộc lộ những tác động trái chiều: phân hóa giàu nghèo trong giáo dục ngày càng rõ nét.

"Tại trường, học phí đồng đều. Ở trung tâm, phụ huynh phải trả thêm phí thuê cơ sở vật chất, nhân sự. Gia đình khá giả có thể cho con học 2–3 môn, còn nhiều gia đình đành cân nhắc vì kinh tế hoặc khó khăn trong việc đưa đón con", bà Dung chia sẻ.

Thông tư 29 với mục tiêu nhân văn, giảm tải học tập lại đang bộc lộ những tác động trái chiều. Ảnh: Trịnh Hải

Học phí tăng cao, trẻ nhỏ chưa có khả năng tự học, việc để con ở nhà với thiết bị điện tử trở thành nỗi lo. Cha mẹ buộc phải cho con đi học thêm, chi phí lại đội lên, kéo giãn khoảng cách xã hội.

"Căn nguyên sâu xa nằm ở áp lực thi cử. Khi nào thi cử còn nặng nề, nhu cầu học thêm vẫn sẽ còn. Cấm đoán chỉ dẫn đến những biến tướng tinh vi, thậm chí gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài", bà Dung nhấn mạnh.

Hiện tượng nở rộ các trung tâm học thêm đang đặt ra nhiều nguy cơ: trung tâm thuê nhà dân làm lớp học, thiếu an toàn cháy nổ, không gian chật hẹp, chất lượng không đảm bảo; trong khi đó, cơ sở vật chất trường học lại bị lãng phí.

Việc siết chặt học thêm trong trường nhưng để trung tâm ngoài trường tự do phát triển đang tạo ra nghịch lý, giáo viên giỏi rời trường công, mở trung tâm riêng để thu nhập tốt hơn. Nếu không sớm áp dụng mức trần học phí theo khu vực, thả nổi học phí sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Theo bà Dung, có thể xem xét một giải pháp: cho phép trường học đăng ký dịch vụ dạy thêm, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có. Giáo viên dạy thêm sẽ trừ một phần thu nhập tại trường – vừa bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, vừa giúp nhà nước kiểm soát chặt hoạt động dạy thêm.

Bởi thực tế, nếu giáo viên nhận 3 triệu đồng/ca tại trung tâm, trung tâm buộc phải tăng học phí để bù đắp chi phí vận hành. Còn trong trường học, phụ huynh được hưởng mức phí hợp lý hơn, học sinh học trong môi trường an toàn và chất lượng được đảm bảo.

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho biết, qua các đợt kiểm tra, nhiều chiêu trò “lách luật” trong dạy thêm đã bị phát hiện.

Một số giáo viên mở lớp tại trung tâm riêng, dạy học sinh chính khóa của mình, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn nếu không rà soát kỹ từng em. Có trường hợp giáo viên tiểu học đăng ký dạy rèn chữ, kỹ năng sống nhưng thực tế lại dạy tiếng Việt.

Theo TS Vũ Thu Hương, đây là những hình thức hợp thức hóa dạy thêm. Nếu không kiểm tra thường xuyên, rất khó phát hiện. Bà nhấn mạnh, bên cạnh việc Bộ GD&ĐT và địa phương tăng cường thanh tra sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, thì sự giám sát từ phụ huynh, người dân và chính quyền địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn