hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua một năm 2024 đầy biến động với hàng loạt sự kiện nổi bật.
Có thể nói thị trường bất động sản năm 2024 là bước ngoặt lịch sử khi phải chứng kiến hàng loạt thay đổi về chính sách pháp luật, để lại dấu ấn không thể quên đối với giới địa ốc. Đây cũng là năm chứng kiến một cuộc thanh lọc chưa từng xảy ra đối với các doanh nghiệp yếu kém và chính nhờ những thay đổi kịp thời trong cơ chế này đã phần nào giúp toàn thị trường ấm lên sau đại dịch.
Dưới đây là 6 sự kiện nổi bật của thị trường bất động sản năm 2024:
1. Nhiều chính sách mới được thông qua cùng lúc
Từ
ngày 1/8, đồng loạt cả 3 bộ luật quan trọng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023,
Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đi vào hiệu lực, sớm hơn 5 tháng so với ban đầu.
Các bộ luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một dòng chảy mới cho thị trường địa ốc
từ năm 2024 trở đi khi 70 - 80% các vướng mắc đang tồn tại là do khâu pháp lý.
Các chuyên gia nhận định, hệ thống luật mới sẽ tác động tích cực đến việc kinh doanh bất động sản trong thời gian tới, tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực cho chủ thể trong xã hội, từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng, thậm chí cả nhà đầu tư nước ngoài hay cá nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh - chuyên gia pháp lý bất động sản nhận xét, các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sẽ dẫn tới sự thay đổi trong cơ cấu thị trường và quy mô doanh nghiệp. Các quy định mới cơ bản sẽ tạo ra dòng chảy cho các dự án bất động sản.
Các dự án sẽ có cơ hội để triển khai, đặc biệt là những dự án mới. Dự án đang bị tắc nghẽn có thể được tháo gỡ nhờ các quy định về chuyển tiếp.
Thời kỳ tới, cơ bản các dự án nhà ở sẽ được triển khai theo loại hình nhà nước thu hồi đất rồi đấu giá, đấu thầu. Điều này cũng có nghĩa rằng các dự án quy mô lớn khi đấu giá, đấu thầu sẽ đòi hỏi năng lực nhà đầu tư lớn, bao gồm năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm. Từ đó sẽ tạo ra nhiều lợi ích quốc gia, công cộng, tạo ra tăng trưởng cho địa phương và cả người dân.
Các luật này có hiệu lực cũng sẽ dẫn tới sự thay đổi trong cơ cấu thị trường và quy mô doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ phải có chiến lược như tăng vốn hoặc sáp nhập để hình thành doanh nghiệp mới có đủ năng lực để tiếp cận với việc đấu giá, đấu thầu và triển khai dự án. Nhờ đó, phân khúc sản phẩm sẽ theo hướng chuyên nghiệp hơn. Thị trường bất động sản sẽ phát triển chuyên nghiệp và theo chiều sâu.
Một số dự án cũ, nhà đầu tư đã gom đất có thể sẽ phải chuyển hướng kinh doanh, có thể phải chuyển sang nhà ở xã hội hoặc điều chỉnh để phù hợp với các quy định.
“Khi các luật có hiệu lực, sẽ không còn tình trạng doanh nghiệp "tay không bắt giặc". Việc phát triển các dự án cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người làm thật chơi thật. Việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra khi các quy định pháp luật mới có hiệu lực” - ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định.
2. Thanh khoản phục hồi, giao dịch cải thiện, nhiều dự án được hồi sinh
Nếu như những năm sau đại dịch COVID-19 được coi là giai đoạn “ngủ đông” của ngành bất động sản thì đến năm 2024, thị trường đã được “đánh thức”.
Với động lực từ tăng trưởng kinh tế cùng mặt bằng lãi suất cho vay hấp dẫn và các luật quan trọng được thiết kế đồng bộ, có hiệu lực sớm…, thị trường bất động sản đã chứng kiến dòng tiền đầu tư dần quay trở lại nhằm tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực và có pháp lý rõ ràng. Cùng với nguồn cung được cải thiện cả về lượng và chất, giao dịch cũng ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Lượng giao dịch năm 2024 cao gấp gần 3 lần so với năm 20231.
Cùng với thanh khoản và giao dịch cải thiện, trong năm 2024, thị trường cũng chứng kiến tin vui khi nhiều địa phương như TP HCM, Bình Định, Bình Dương… có những bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý cho dự án.
Một số dự án được tái khởi động trong thời gian qua có thể kể đến như dự án Astral City (TP Thuận An, Bình Dương), dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội), dự án QMS Top Tower (Tố Hữu, Hà Nội), The Summit Building (Trần Duy Hưng, Hà Nội), Khu đô thị Ecity Tân Đức (Đức Hòa, Long An), Panomax River Villa (quận 7, TP HCM), dự án khu căn hộ DatXanhHomes Riverside (TP Thủ Đức, TP HCM), Metro Star (TP Thủ Đức, TP HCM), Lavida Plus (quận 7, TP HCM), D-Homme (quận 6, TP HCM)…
Theo
quy định của luật mới, nếu các chủ đầu tư để dự án “nằm im” liên tục trong 48
tháng sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng, bị thu hồi đất mà không được bồi hoàn.
Điều này cũng khiến các chủ đầu tư gấp rút hơn trong việc triển khai dự án.
3. Giá nhà ở tăng mạnh
Năm 2024, giá nhà ở tại Việt Nam đã tăng mạnh ở nhiều phân khúc, với nguyên nhân được cho là do thiếu nguồn cung và lệch pha về cung cầu, đặc biệt là thiếu chung cư và các thửa đất nhỏ giá trung bình ở khu vực trung tâm.
Tại khu vực Hà Nội, giá chung cư đã thiết lập một mặt bằng giá mới, mức giá phổ biến 30 – 40 triệu đồng/m2 tại khu vực trung tâm gần như rất hiếm. Các dự án mới mở bán trong năm 2024 đều có giá bán sơ cấp phổ biến ở mức hơn 60 - 70 triệu đồng/m2. Cá biệt một số dự án có giá bán 100 - 130 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhiều căn hộ đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá.
Những con số trên cộng gộp lại đã khiến cho mặt bằng giá chung cư ở Hà Nội lần đầu tiên vượt TP HCM. Nếu trước năm 2024, giá căn hộ chung cư tại TP HCM luôn cao hơn Hà Nội khoảng 20-30% thì tính đến hết tháng 11/2024, giá căn hộ tại Hà Nội bất ngờ tăng mạnh, mặt bằng giá trung bình vượt TP HCM ở mức đáng kể.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá chung cư Hà Nội tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn, chuyên gia của CBRE chi nhánh Hà Nội cho rằng, thói quen tiêu dùng bất động sản của người Hà Nội bắt đầu thay đổi và sản phẩm chung cư đã được ưa chuộng hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều chủ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tham gia thị trường. Sự đa dạng về sản phẩm cùng với thay đổi về thị hiếu người tiêu dùng khiến thị trường trở nên cạnh tranh và phát triển hơn chỉ trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng một số nguyên nhân khác như lợi thế hạ tầng của Hà Nội, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất thấp, sự phát triển và tiềm năng nói chung của thị trường bất động sản Hà Nội... đã khiến giá chung cư thủ đô cao hơn TP HCM.
4. Đất vùng ven Hà Nội tăng chóng mặt
Từ giữa tháng 8/2024, những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức gây xôn xao thị trường bất động sản với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu giá dài và mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Tiếp
đó, hàng loạt phiên đấu giá đất ở Phúc Thọ, Thạch Thất, Sóc Sơn… gây chú ý.
Ngoài việc giá trúng hàng trăm triệu đồng/m2, cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần
giá khởi điểm, các phiên đấu giá đất còn ghi nhận có nhiều “tay to” gom nhiều
lô. Đáng chú ý, nhiều người trúng đấu giá sau đó đã bỏ cọc, để lại nhiều hệ lụy
cho thị trường.
Tại diễn đàn Diễn đàn Bất động sản Việt Nam (VREF 2025) mới đây, ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS nhìn nhận: "2024 là năm chứng kiến sự biến động đột biến của giá bất động bản, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Nhiều phiên đấu giá đất liên tục lập đỉnh về giá trúng, tạo ra những kỷ lục, nhiều vị trí có giá đất được trả lên tới hàng trăm triệu đồng cho một mét vuông".
Vị này cho rằng có 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.
Một là kết quả phục hồi của thị trường chung. Hai là mức giá khởi điểm thấp. Ba là nguồn cung vẫn hạn chế. Bốn là tâm lý đầu cơ. Năm là kỳ vọng giá tiếp tục tăng khi quy hoạch đô thị và hạ tầng được mở rộng. Sáu là quy định xử phạt vi phạm liên quan chưa cụ thể và đủ răn đe.
Theo chuyên gia, hàng loạt hệ lụy có thể xảy ra, bao gồm ảnh hưởng tới sự nghiêm túc của một giải pháp có tính công khai, minh bạch; gây thiệt hại cho công tác tổ chức các phiên đấu giá khi xảy ra tình trạng bỏ cọc, phải dừng phiên đấu giá và tổ chức lại sau đó.
Ngoài ra, thực trạng này còn khiến thị trường xác lập mặt bằng giá cao, gây ảnh hưởng đến cung - cầu trong thời gian tới.
Về lâu dài, sẽ gây tác động xấu tới vấn đề an sinh xã hội, khi giá bán bị đẩy lên cao khiến người dân không còn cơ hội tiếp cận đất đai
Giữa tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chấn chỉnh đấu giá đất, trong đó đánh giá công tác tổ chức tại một số địa phương vẫn còn hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá, hoặc thông đồng, cấu kết thao túng giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.
5. Ngóng chờ bảng giá đất mới
Luật đất đai mới có hiệu lực từ 1/8/2024 khi từ năm 2026, bảng giá đất sẽ được UBND các tỉnh ban hành mỗi năm một lần để sát với thị trường, thay vì 5 năm như quy định cũ.
Trước mắt, Bộ Tài chính cho biết bảng giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành theo Luật Đất đai cũ được sử dụng tới hết năm 2025. Trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 cho phù hợp thực tế với giá đất ở địa phương.
Một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương… đã bắt tay vào xây dựng bảng giá đất mới, kết quả cho thấy giá đất có xu hướng tăng.
Ngày 30/12, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản khẩn kiến nghị thành phố chưa cần thiết ban hành bảng giá đất.
Ông Châu cho biết, giá của "Dự thảo Bảng giá đất" TP HCM phổ biến tăng từ 10 - 20 lần so với Bảng giá đất hiện hành theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn giá thị trường.
HoREA cũng dự báo bảng giá đất sẽ có tác động rất lớn đến rất nhiều cá nhân, hộ gia đình khi đề xuất cấp "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất" do phải nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất cao hơn trước đây.
Theo đại diện HoREA, mức giá của "Dự thảo Bảng giá đất" sẽ có tác động đến chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Trước hết là, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ bị đẩy lên cao hơn, tác động dây chuyền làm tăng giá nhà, giá thuê nhà, tăng chi phí tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp và tại các dự án đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch dẫn đến việc có thể làm tăng giá cả hàng hóa nói chung và cũng tác động bất lợi đến cả các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
6. Nhà ở xã hội trở thành từ khoá phổ biến
“Nhà ở xã hội” là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất của ngành bất động sản trong năm 2024.
Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ nhà ở xã hội. Giai đoạn 2025-2030, hoàn thành thêm khoảng 634.200 căn hộ, nâng tổng số lên hơn 1 triệu căn
Số liệu tổng hợp của các địa phương, giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý III/2024, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 42.414 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 131 dự án với quy mô 111.687 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm 4 ngân hàng là Tiên Phong (TPbank), VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo tổng hợp đến tháng 9/2024, mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử.