Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bộ Công Thương giao nhiệm vụ phát triển thị trường cho các tỉnh sau sáp nhập

Thứ năm, 10/07/2025 08:00 (GMT+7)

Sau khi địa giới hành chính được điều chỉnh, nhiều địa phương chưa đạt mục tiêu tăng trưởng bán lẻ như kỳ vọng. Bộ Công Thương lập tức ra văn bản yêu cầu các tỉnh, thành ổn định tổ chức và tăng tốc phát triển thị trường trong nước từ nay đến cuối năm.

Sáu tháng đầu năm 2025 đã trôi qua với những con số không mấy lạc quan từ thị trường bán lẻ trong nước. Nhiều địa phương vẫn chưa đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Bộ Công Thương giao, dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Cùng lúc, loạt địa phương vừa trải qua sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính, khiến bộ máy quản lý thương mại địa phương còn nhiều xáo trộn.

Trước thực trạng đó, ngày 8/7, Bộ Công Thương phát đi văn bản số 5061/BCT-TTTN gửi đến các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu khẩn trương ổn định tổ chức sau sáp nhập và dồn lực thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Văn bản này nằm trong chuỗi triển khai Chỉ thị số 08 của Bộ, nhằm thúc đẩy thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng.

Bộ Công thương yêu cầu khẩn trương ổn định tổ chức sau sáp nhập và dồn lực thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Nhiệm vụ đầu tiên được Bộ nhấn mạnh là các địa phương phải nhanh chóng rà soát các yếu tố đang tác động đến sức mua trong nước, đặc biệt tại các ngành hàng có mức tiêu thụ chững lại như: may mặc, đồ gia dụng, xe cộ, ăn uống, giải trí...

Đi cùng đó là yêu cầu triển khai mạnh hơn các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình kích cầu, ưu đãi mùa mua sắm… để nắn lại đà tiêu dùng cuối năm - thời điểm thường tạo ra sức bật lớn cho ngành bán lẻ.

Nội dung thứ hai được đặt ra là hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi sang nền tảng số. Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, bưu chính, viễn thông… để hướng dẫn doanh nghiệp vận hành theo mô hình thương mại hiện đại, từ đăng ký thuế điện tử đến bán hàng đa kênh.

Việc số hóa hệ thống phân phối không chỉ giúp hàng Việt dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn, mà còn giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi siêu thị nước ngoài hay nền tảng xuyên biên giới - nơi vốn tiềm ẩn rủi ro từ gian lận thương mại và hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Trong bối cảnh nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng liên tiếp bị phanh phui trên thị trường thời gian qua, Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông trong việc củng cố lại niềm tin người tiêu dùng.

Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mua hàng rõ nguồn gốc, các địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp uy tín xây dựng thương hiệu, tham gia vào các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết nối tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh xúc tiến thương mại vùng.

Một trong những điểm đáng chú ý trong văn bản chỉ đạo lần này là yêu cầu các tỉnh, thành phố sớm lên kế hoạch bình ổn giá cả và kết nối cung cầu hàng hóa, chuẩn bị cho mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2026.

Kèm theo đó là phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ mùa mưa bão sắp tới, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý tại địa phương.

Nhiệm vụ cuối cùng mang tính “xương sống” được Bộ Công Thương yêu cầu xuyên suốt cả năm là các Sở Công Thương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật tư tiêu dùng...

Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, các địa phương phải nhanh chóng báo cáo về Bộ để có phương án điều tiết phù hợp, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Nửa cuối năm luôn là giai đoạn then chốt với ngành thương mại, khi sức mua thường tăng cao nhờ mùa tựu trường, lễ Tết và nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Bộ Công Thương kỳ vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, chỉ tiêu tăng trưởng thương mại nội địa năm 2025 vẫn sẽ nằm trong tầm với, dù xuất phát điểm có phần chậm chạp.

Các Sở Công Thương được nhắc nhở thực hiện nghiêm túc, đúng hạn và linh hoạt các nhiệm vụ đã giao. Trường hợp có vướng mắc, cần chủ động phối hợp với Bộ để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng “đổ lỗi cho bộ máy mới” làm chậm bước tiến của cả một thị trường.

Bảng chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2025 giao Sở Công Thương 34 tỉnh, thành phố.