Quảng Ninh: Phát hiện kho hàng hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu
Thứ tư, 09/07/2025 15:29 (GMT+7)
Một kho hàng nằm ngay tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) vừa bị lực lượng chức năng phát hiện chứa hơn 47.000 sản phẩm nhập lậu, vận hành bằng phần mềm nước ngoài, kết nối hàng trăm tài khoản TikTok và nguồn hàng từ 1688.com. Vụ việc hé lộ một mắt xích buôn lậu xuyên biên giới tinh vi núp bóng thương mại điện tử.
Ngày 9/7,
tin từ Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, vào sáng 8/7/2025, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục
QLTT Quảng Ninh) bất ngờ kiểm tra một kho hàng nằm trong khuôn viên Công ty cổ
phần thương mại Đồng Tâm, phường Móng Cái 3, TP Móng Cái. Dù bề ngoài không có
gì đặc biệt, nhưng bên trong lại là một hệ thống vận hành lặng lẽ với hơn 47.000
sản phẩm vi phạm và một phần mềm điều hành hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, được lập
trình để phục vụ cho các đơn hàng từ TikTok Shop.
Điểm đặc biệt là người đứng tên thuê kho là ông Đỗ Văn Quang (trú tại phường Móng
Cái 2) đã qua đời từ ngày 26/6/2025, tức trước thời điểm kiểm
tra gần hai tuần. Giấy khai tử do UBND xã Vạn Ninh xác nhận, càng khiến vụ việc
thêm phần phức tạp. Theo lời khai của ông Phạm Văn Công (em rể ông Quang), toàn
bộ số hàng trong kho không thuộc sở hữu của ông Quang hay gia đình. Trên thực tế,
kho này được một người nước ngoài tênA PIN thuê lại chỉ vài tuần
trước khi ông Quang mất.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tại hiện trường kiểm tra. Ảnh: Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước
Kết quả kiểm tra ban đầu cho
thấy, kho hàng chứa tổng cộng 47.127 sản phẩm vi phạm, gồm: 16.166 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu,
trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng; 15.511
sản phẩm hàng hóa nhập lậu, trị giá khoảng 80 triệu đồng; 15.450 sản phẩm không rõ nguồn gốc, trị
giá khoảng 65 triệu đồng. Tổng
trị giá lô hàng ước tính lên đến 1,245 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, phần mềm điều hành kho cũng gây bất ngờ cho lực
lượng kiểm tra. Đây là hệ thống quản lý kho tự động, được lập trình hoàn toàn bằng
tiếng Trung Quốc, không tích hợp với hệ thống thương mại điện tử trong nước. Tất
cả giao dịch, vận đơn đều được in sẵn. Nhân viên kho không có quyền truy cập
vào phần mềm mà chỉ thao tác theo hướng dẫn.
Hệ thống này liên kết trực tiếp với nền tảng mua hàng 1688.com (Trung Quốc), từ đó phân phối qua hàng loạt tài khoản TikTok Shop tại Việt Nam.
Dữ liệu giao dịch được ghi nhận từ ngày 15/2/2025,
với tổng doanh thu qua hệ thống khoảng 12 triệu Nhân dân tệ (tương đương hơn 42
tỷ đồng). Tuy nhiên, do tất cả dữ liệu đều được lưu trữ bằng tiếng Trung và
không có mã định danh nội địa, nên đến nay vẫn chưa thể truy xuất chính xác những
ai đứng sau hệ thống này, bao nhiêu hàng đã bán ra, lợi nhuận thu về ra sao.
Theo
Đội QLTT số 1, kho hàng
vừa bị phát hiện chỉ là một mắt xích trong một chuỗi vận hành khép kín, hoạt động
từ xa, có thể kiểm soát mọi khâu từ kho bãi, bán hàng đến giao vận mà không cần
xuất hiện trực tiếp tại Việt Nam. Đáng lo ngại, nhiều sản phẩm trong số đó là mỹ
phẩm bôi trực tiếp lên da, không có bất kỳ chứng nhận kiểm định nào, tiềm ẩn
nguy cơ lớn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Vụ việc tại Quảng Ninh đang làm dấy lên nhiều lo ngại về lỗ
hổng trong giám sát hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng có yếu
tố nước ngoài như TikTok, Shopee, Temu…
Trong khi người tiêu dùng ngày càng chuyển sang mua sắm trực
tuyến thì hàng loạt sản phẩm không rõ nguồn gốc, trốn thuế, không kiểm định
đang luồn lách qua các kênh này. Đáng nói, với các phần mềm điều hành nước
ngoài, việc truy vết gần như bất khả thi nếu không có sự phối hợp xuyên ngành
và liên quốc gia.
Hiện, toàn bộ số hàng trong kho đã bị tạm giữ để phục vụ
công tác điều tra. Đội QLTT số 1 đang phối hợp với Công an, Hải quan, lực lượng
An ninh mạng… mở rộng điều tra danh tính người điều hành thực sự đứng sau hệ thống
này, làm rõ nguồn gốc, hành vi vi phạm và mức độ ảnh hưởng thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng tại Cao Bằng và Quảng Ninh đã đồng loạt ra quân, phát hiện và thu giữ số lượng lớn hàng hóa vi phạm, bao gồm gần 123.000 kg nguyên liệu thuốc lá nhập lậu và hơn 47 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh, các lực lượng chức năng đang bước vào cao điểm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Những hình ảnh dưới đây ghi lại thực tế kiểm tra tại thị trường Hà Tĩnh.
Nhân vật Labubu của Pop Mart đang tạo nên cơn sốt toàn cầu nhưng sự khan hiếm đã kéo theo tình trạng đạo nhái tràn lan với những phiên bản giả cao cấp thậm chí còn có giá bán vượt trội hàng chính hãng.
Sau khi triệt phá đường dây sản xuất hàng giả quy mô lớn, Sở Y tế TP HCM phát văn bản khẩn yêu cầu tất cả bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc rà soát hàng hóa, ngăn chặn sản phẩm làm giả tuồn vào cơ sở y tế.
Không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, hàng giả còn lan rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thông qua nhiều hình thức như thương mại điện tử. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, từ bao bì, nhãn mác cho đến chất lượng; nhiều mặt hàng giả thậm chí mang cả tem chống giả.
TP HCM xử phạt gần 94 triệu đồng Công ty CP Xuất nhập khẩu Dinh dưỡng Dược Loha, đồng thời buộc doanh nghiệp này thu hồi và tiêu hủy nhiều sản phẩm sữa do phát hiện các sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.