Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nếu không có hướng dẫn rõ ràng sẽ dễ rơi vào tình trạng "vừa dạy chính khóa, vừa như dạy thêm", gây chồng chéo với quy định cấm dạy thêm thu tiền trong nhà trường.
Thông tin học sinh từ lớp 6 đến 12 sẽ học 2 buổi/ngày đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là cơ hội để học sinh học tập toàn diện hơn, giảm bài vở về nhà. Tuy nhiên, không ít phụ huynh tỏ ra e ngại: liệu có phát sinh thêm các khoản thu? Thời gian học có quá dài? Nội dung buổi chiều sẽ học gì?
Không chỉ là chuyện sắp xếp thời khóa biểu, điều quan trọng là cách triển khai sao cho hợp lý, minh bạch và đặt học sinh làm trung tâm.
Phụ huynh lo nhà trường "lách luật"
Khi Bộ GD&ĐT khuyến khích học sinh THCS và THPT học 2 buổi/ngày, chị Bùi Thị Lợi (52 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) không khỏi băn khoăn.
Hồi tháng 2, Bộ đã cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường. Phụ huynh như chị Lợi thở phào, vì không còn gánh nặng chi phí và con em có cơ hội tự học công bằng tại nhà. Nhưng chưa được bao lâu, trường của con chị lại lấy ý kiến về việc tổ chức học hai buổi, với lý do giảm áp lực buổi sáng và hỗ trợ học sinh học tập, trải nghiệm toàn diện hơn.
Thế nhưng, kèm theo đó là khoản phí 200.000 – 250.000 đồng/tháng – tương đương với chi phí học thêm trước kia.
“Trường thông báo buổi chiều sẽ học 30% kiến thức các môn văn hóa, còn lại là kỹ năng, thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ. Nghe thì có vẻ đổi mới, nhưng cách tổ chức này khiến tôi lo ngại trường đang lách quy định cấm dạy thêm để hợp thức hóa thu tiền", chị Lợi chia sẻ.
Điều khiến chị bức xúc hơn là việc “khảo sát phụ huynh” nhưng thực tế gần như bắt buộc 100% học sinh phải tham gia.
Phụ huynh trăn trở khi học sinh phải học 2 buổi/ngày. Ảnh minh họa
Chị Trịnh Thúy Lệ (45 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 7, cho rằng học sinh THCS không nên học cả ngày ở trường: “Các con cần thời gian tự học, rèn luyện theo định hướng cá nhân, chứ không thể cả ngày chỉ quanh quẩn với sách vở trên lớp”.
Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, con gái chị từng phải học chính khóa, học thêm tại trường, rồi lại tiếp tục tự học buổi tối. Gần như không có thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa. Theo chị, học 2 buổi/ngày chỉ thực sự có ý nghĩa nếu học sinh có thể nắm vững kiến thức, kỹ năng ngay tại trường, không cần học thêm bên ngoài mà vẫn đủ sức thi vượt cấp.
“Nếu học cả ngày mà vẫn phải tìm lớp học thêm mới theo kịp chương trình, thì mục tiêu học hai buổi trở nên vô nghĩa. Vấn đề là nội dung buổi chiều phải được thiết kế hiệu quả, thực chất”, chị Lệ bày tỏ.
Một hiệu trưởng trường THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, hiện nay trường tổ chức học buổi sáng với tối đa 5 tiết. Nếu triển khai học 2 buổi, sẽ chia lại thành 4 tiết sáng và 3 tiết chiều để giảm áp lực cho học sinh.
“Cách này giúp học sinh bớt căng thẳng, giáo viên cũng không phải dạy dồn dập trong một buổi. Tuy nhiên, thực tế lại khiến giáo viên phải làm việc nhiều hơn, gần như ở trường cả ngày trong khi lương không đổi”, vị này chia sẻ.
Không chỉ giáo viên, chi phí vận hành trường lớp cũng đội lên: từ điện, nước, đến cơ sở vật chất. Nhà trường buộc phải tìm đơn vị bên ngoài tổ chức hoạt động kỹ năng, bồi dưỡng... để lấp đầy thời khóa biểu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải thu thêm phí từ phụ huynh, dù không nằm trong khoản học phí chính thức.
Vị hiệu trưởng nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu cơ sở vật chất và thiếu giáo viên: “Nhiều trường nội thành Hà Nội không đủ diện tích, sĩ số lớp quá đông, phải học theo lịch xen kẽ mới đủ chỗ. Nếu học cả ngày, hạ tầng hiện tại chắc chắn không đáp ứng nổi”.
Thêm vào đó, việc thiếu giáo viên khiến một số thầy cô phải kiêm nhiệm nhiều công việc, dẫn tới nguy cơ vượt chuẩn số tiết dạy, không đủ quỹ lương để chi trả và vi phạm quy định về giờ làm việc của giáo viên.
Học 2 buổi/ngày, học sinh không cần mang bài tập về nhà
Ủng hộ chủ trương học 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh: “Nếu được triển khai đúng cách, học sinh sẽ có thêm thời gian tương tác với giáo viên, bạn bè; được học tập, trải nghiệm trong môi trường được kiểm soát, phát triển đồng đều cả kiến thức lẫn kỹ năng sống”.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nhiều lo ngại thực tế: thiếu cơ sở vật chất, giáo viên quá tải, chi phí vận hành tăng cao… Vì vậy, ngành giáo dục cần công khai số liệu về năng lực trường lớp hiện có, từ đó có kế hoạch đầu tư hạ tầng phù hợp và tránh lãng phí, sử dụng sai mục đích.
PGS.TS Nam cho rằng, nếu triển khai hiệu quả, học 2 buổi/ngày sẽ giúp giảm nhu cầu học thêm, từ đó tiết kiệm chi phí cho gia đình, giảm áp lực cho học sinh. Thậm chí, nếu tổ chức tốt, học sinh có thể không cần mang bài tập về nhà, nhờ vậy có thời gian nghỉ ngơi, tương tác với gia đình – điều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tâm lý phát triển của lứa tuổi học trò.
“Việc chuyển đổi cần đi kèm hướng dẫn chi tiết từ Bộ: từ cách tổ chức bán trú, thiết kế thời khóa biểu cân bằng giữa tư duy và vận động, cho tới quy định thời gian nghỉ ngơi phù hợp lứa tuổi”, ông chia sẻ.
Về phía giáo viên, chuyên gia cho rằng khối lượng công việc tăng thì quyền lợi cũng phải tương ứng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần tính đến các giải pháp hỗ trợ thầy cô giảm tải công việc hành chính như ứng dụng AI làm trợ lý giảng dạy, để giáo viên tập trung cho chuyên môn.
“Trong thời đại AI phát triển mạnh, việc mỗi giáo viên có một trợ lý AI là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là ngành giáo dục có quyết tâm và sẵn sàng đầu tư, lắng nghe, điều chỉnh để chủ trương học 2 buổi/ngày thật sự hiệu quả và bền vững”.
Nhiều trường gặp trở ngại lớn về cơ sở vật chất và số lượng giáo viên khi phải dạy 2 buổi/ngày cấp THCS, THPT. Ảnh: Quỳnh Chi
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, để dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, các trường cần đạt đủ ba điều kiện:
- Cơ sở vật chất cần đảm bảo đủ điều kiện để trẻ ở bán trú buổi trưa tại trường. Đồng thời cần đủ sân chơi, bãi tập nhằm tổ chức hoạt động giáo dục thể chất và nâng cao những kỹ năng khác.
- Đảm bảo đủ số lượng giáo viên.
- Có chương trình dạy học, hoạt động giáo dục đảm bảo đủ 2 buổi/ngày, phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh.
Thứ trưởng Thưởng cũng cho hay, nhu cầu của học sinh cấp này đa dạng, phân hóa cao, các nhà trường chưa thể đáp ứng. Nhà nước trước tiên phải bảo đảm học tốt chính khóa, còn buổi học 2 theo nhu cầu và năng lực quản lý.
Hiện mới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với cấp Tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng quy định rõ điều này. Qua thực tiễn cho thấy thuận lợi hơn rất nhiều, vì các cháu nhỏ nên việc tổ chức bán trú rất phù hợp, dù điều kiện chưa được như mong muốn.
Với cấp THCS, THPT, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn dạy hai buổi mỗi ngày từ năm 2010, khuyến khích với các trường đủ điều kiện, trên tinh thần tự nguyên của phụ huynh và học sinh. Đến nay, số trường THCS, THPT tổ chức dạy 2 buổi/ngày tăng lên rất nhiều so với 10 năm trước.
"Qua khảo sát, nơi nào tổ chức tốt việc dạy học hai buổi mỗi ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó cũng khá hơn và tốt hơn nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập", ông Thưởng nói. Do đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại hoạt động dạy này. Sau khi có kết quả đánh giá, Bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để áp dụng cho từng cấp học.
Sau hơn 10 ngày Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành, nhiều phụ huynh vẫn đang loay hoay với việc sắp xếp lịch học tập của con em mình.
Sau quy định của Thông tư 29, buộc các trường thay đổi tình trạng dạy, học thêm, nhiều phụ huynh bày tỏ sự nhẹ nhõm vì không còn lo con mình bị giáo viên “đì” nếu không tham gia.
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, nghiêm cấm giáo viên dạy thêm trong nhà trường, nhiều trường học đã triển khai phương án trông giữ học sinh ngoài giờ nhằm hỗ trợ phụ huynh.
Sòng bạc trong rừng được tổ chức tinh vi, khiến các chiến sĩ công an phải trèo đèo lội suối để đột kích bắt 36 đối tượng, thu giữ khoảng 800 triệu đồng.
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, đề xuất xử lý hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy như quy định trước đây là cần thiết nhằm ngăn chặn vòng xoáy tái nghiện, phạm tội đang bào mòn trật tự xã hội và đe dọa thế hệ trẻ.
Từ hôm nay 15/4 đến 18/4, học sinh lớp 12 trên cả nước bắt đầu thử đăng ký thử trực tuyến thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sau thời gian này, dữ liệu thử sẽ bị xoá.
Chi cục Kiểm lâm khẳng định, để du khách ôm, vuốt ve hổ là hoạt động tự phát của Khu du lịch sinh thái Hòn Nhãn, mà chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Ngay khi xảy ra sự cố rò rỉ khí, phía Công ty TNHH Z.O.C Việt Nam đã xác định được hóa chất NaHS là loại khí nghi rò rỉ, đồng thời khóa tất cả các van vào và ra của bồn chứa hóa chất.