Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Chia sẻ tri thức trên TikTok: Học hỏi hay chỉ để thể hiện?

Thứ sáu, 04/07/2025 07:25 (GMT+7)

Gen Z không chỉ học trên mạng xã hội mà còn chia sẻ tri thức. Nhưng ranh giới giữa học hỏi chân thành và thể hiện bản thân đôi khi rất mong manh, dễ khiến người trẻ lạc hướng.

Trong thời đại số, việc học không còn bó hẹp trong sách vở hay lớp học. Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là Gen Z (những người có năm sinh trong khoảng từ 1997 đến 2012), đang vừa học vừa chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội, từ TikTok đến Facebook. Nhưng động lực thật sự phía sau là gì: Học hỏi chân thành hay thể hiện bản thân?

Tri thức từ Tiktok: Người học được nghề, người mất tiền

Nguyễn Thùy An (24 tuổi, Đại Mỗ, Hà Nội) đã sử dụng TikTok trong nhiều năm để giải trí và học được nhiều kỹ năng mềm hữu ích cho việc học tập và phát triển bản thân.

"Mình từng xem nhiều video chia sẻ kiến thức tâm lý, giao tiếp, quản lý cảm xúc rất hay. Nhiều bạn trình bày mạch lạc, dẫn chứng rõ ràng, dễ hiểu hơn cả bài giảng trên lớp", An chia sẻ.

An thừa nhận, có hiện tượng thể hiện cá nhân trong các video chia sẻ tri thức. Điều đó không đáng chê trách nếu nội dung được đầu tư nghiêm túc và mang lại giá trị thực.

“Không phải ai làm nội dung cũng 'nổ'. Có rất nhiều bạn thực sự tâm huyết, chia sẻ đúng, dễ hiểu. Nếu mình biết chọn lọc, học hỏi từ những người tích cực như vậy thì mạng xã hội vẫn là nơi học hiệu quả”, An bày tỏ.

An sử dụng tiktok để học thêm kỹ năng giao tiếp. Ảnh: Tường Vi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có trải nghiệm tích cực khi học qua mạng xã hội. Trái ngược với An, Thu Uyên (23 tuổi, phường Khương Đình, Hà Nội) lại trở nên dè dặt và mất niềm tin sau một lần “vỡ mộng” vì tin vào các nội dung chia sẻ thiếu kiểm chứng.

“Ban đầu mình theo dõi vài video dạy tư duy tích cực, quản lý tiền bạc, nghe khá hợp lý và có động lực học tập hơn. Nhưng sau một thời gian, những tài khoản đó bắt đầu chuyển sang hướng ‘dạy làm giàu’, khuyên đầu tư tài chính, góp vốn online. Mình tò mò, làm theo, rồi bị lừa một khoản nhỏ”, Uyên kể lại.

Từ trải nghiệm cá nhân, Uyên cho biết giờ cô rất cẩn trọng với các nội dung chia sẻ trên mạng, đặc biệt là những lời mời gọi đầu tư, "nổ" về làm giàu.

Làm sao để chia sẻ kiến thức trên mạng xã hội có giá trị?

Từ câu chuyện của Thùy An và Thu Uyên, có thể thấy văn hóa chia sẻ tri thức trên mạng xã hội vừa mang đến cơ hội học hỏi, vừa tiềm ẩn không ít rủi ro.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đã trò chuyện với Vân Thư (21 tuổi, Hà Đông, Hà Nội), chủ kênh Tiktok “Mature with Vân Thư”, nơi cô không chỉ truyền động lực học tập và quá trình trưởng thành của chính mình cho các bạn trẻ.

Kênh tiktok của Vân Thư. Ảnh chụp màn hình.

Vân Thư bắt đầu làm TikTok một từ tháng 3/2024. Kênh của Thư tập trung vào các nội dung học tập, đặc biệt là mẹo ôn thi TOEIC, kỹ năng tự học và động lực vượt qua áp lực thi cử.

Theo Thư, việc chia sẻ kiến thức không nên bị hiểu sai là “khoe” hay “thể hiện”, hai nhóm gồm: Một nhóm chia sẻ vì thực sự muốn lan tỏa điều tích cực, nhóm còn lại tìm kiếm sự công nhận. Cả hai đều có thể song hành, miễn là nội dung được làm tử tế, kiểm chứng kỹ càng.

“Người sáng tạo nội dung trên các nền tảng này phải luôn kiểm tra lại thông tin trước khi đăng, vì kiến thức có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác, đặc biệt là các bạn trẻ”, Thư nói.

Với Thư, mạng xã hội là công cụ mạnh để Gen Z học hỏi, kết nối và thể hiện bản thân một cách có trách nhiệm. Nhưng cô cũng thẳng thắn nhìn nhận áp lực “phải thể hiện” khiến nhiều người dễ bị cuốn vào so sánh, tự ti, hoặc chạy theo nội dung giật gân, thiếu chiều sâu.

“Nhiều người chia sẻ video học 7-8 tiếng/ngày, góc học tập lung linh, nhưng thực tế thì lại không học được bao nhiêu. Học để có content thì không sai, nhưng nếu chỉ học vì muốn quay video thì lại lệch hướng mất rồi”.

Theo Thư, đừng sợ chia sẻ những điều chưa hoàn hảo. Hãy chia sẻ vì muốn học tốt hơn, không phải vì muốn được công nhận. Và luôn nhớ kiểm chứng, vì bạn đang truyền thông tin, không chỉ cảm xúc.

Loạt video về mẹo ôn thi TOEIC của Vân Thư. Ảnh chụp màn hình

Từ trải nghiệm của Thùy An và Thu Uyên, cũng như góc nhìn của Vân Thư về việc chia sẻ kiến thức trên TikTok, câu hỏi về ranh giới giữa “học hỏi” và “thể hiện” trên mạng xã hội càng trở nên rõ nét hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Nhân, người dạy kỹ năng sống tại một trung tâm ở Hà Nội, cho biết, ranh giới này rất mong manh và dễ bị lẫn lộn.

Cô Nhân nhận định, nhiều bạn trẻ bắt đầu với mục đích học hỏi, muốn chia sẻ những điều bổ ích. Tuy nhiên, áp lực về lượt xem, lượt thích hay so sánh với người khác có thể khiến họ dần mất đi sự chân thật. Nội dung của những người học thật thường có chiều sâu, sẵn sàng tiếp nhận phản biện và không ngại thừa nhận những điểm còn thiếu sót. Trong khi đó, những người chủ yếu muốn thể hiện thì thường tập trung vào hình thức, dễ gây ấn tượng nhanh nhưng thiếu kiểm chứng kỹ càng, thậm chí coi trọng kiến thức của bản thân hơn giá trị mang lại cho cộng đồng.

Ngoài ra, cô Nhân cũng cảnh báo áp lực duy trì hình ảnh “hoàn hảo” trên mạng xã hội có thể khiến nhiều bạn trẻ stress, sợ thất bại và mất động lực học thật. Vì thế, cô khuyên mỗi người nên tự đặt câu hỏi giúp cân bằng giữa học tập và thể hiện, tránh bị cuốn theo vòng xoáy so sánh, đánh mất mục tiêu thật sự.

Cô cũng nhấn mạnh mạng xã hội nên được xem là “công cụ” hỗ trợ học tập chứ không phải là thước đo giá trị bản thân. Để phát huy hiệu quả, Gen Z cần chọn lọc kỹ nguồn kiến thức, ưu tiên các kênh uy tín có chuyên gia kiểm chứng, và luôn giữ tinh thần “người học suốt đời”, coi mỗi lần chia sẻ là một cơ hội để học hỏi, không phân biệt được khen hay chê.

62% Gen Z chọn học bằng video ngắn
Báo cáo “The Connected Consumer Q2/2024” của Decision Lab cho thấy TikTok đang vươn lên mạnh mẽ trong nhóm Gen Z tại Việt Nam, với 22% thị phần người dùng, vượt YouTube (15%) và chỉ sau Facebook (40%), cho thấy nền tảng này đang dần trở thành “môi trường tự nhiên” của người trẻ, nơi học hỏi, giải trí và tìm kiếm thông tin đan xen nhau.
TikTok không còn là một nền tảng giải trí đơn thuần, mà đã trở thành kênh thông tin hữu hiệu với các nội dung phong phú như hướng dẫn học tập, review sản phẩm, mẹo công nghệ, chia sẻ kỹ năng sống…
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Humanities and Social Sciences Communications cho thấy, thực tế, nhiều bạn trẻ đang tận dụng video ngắn để học hiệu quả hơn: từ luyện tiếng Anh phản xạ trên Reels, học thiết kế, kỹ năng mềm đến cập nhật xu hướng nghề nghiệp mới. Theo báo cáo năm 2023 của Pearson, 62% Gen Z thích hình thức học này vì nội dung trực quan, sinh động và dễ áp dụng.

Phương Hồng
Nguồn: sohuutritue.net.vn