Gian lận thi cử - Nỗi đau hiện tại và di họa dài lâu

Thứ hai, 23/07/2018, 20:31 PM

Scandal gian lận thi cử ở Hà Giang là một vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước ta. Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công An vào cuộc điều tra, thì cơ quan an ninh điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Trọng Lương (40 tuổi, Phó Phòng khảo Khảo thí- Sở GD-ĐT Hà Giang) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Vũ Trọng Lương - đối tượng sửa điểm thi ở Hà Giang đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vũ Trọng Lương - đối tượng sửa điểm thi ở Hà Giang đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Chắc chắn nhiều tình tiết gay cấn khác sẽ hé lộ từ mấu chốt này, nhưng quan trọng hơn là đã đến lúc ngành giáo dục phải nỗ lực chấn chỉnh phương pháp thi cử để lấy lại niềm tin cho sự nghiệp trồng người!

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang, không phải một vài trường hợp nhỏ lẻ, mà có đến 330 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm, cá biệt có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm. Nghĩa là, lẽ ra có những thí sinh phải trượt Tú Tài thì lại có cơ hội vào những đại học uy tín, nếu sự thật ê chề không được phát hiện kịp thời! Qua xác minh ban đầu, người trực tiếp thao túng và chỉnh sửa toàn bộ bài thi ở Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương – Phó Phòng khảo thí của Sở GD-ĐT tỉnh này. Chỉ trừ môn Văn phải viết nghị luận, thì hầu hết các môn thi trắc nghiệm đều bị phù phép trắng trợn. Lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong quy trình giám sát và chấm thi trắc nghiệm, ông Vũ Trọng Lương chỉ mất 6 giây để biến một thí sinh kém thành một… thí sinh giỏi. Kết quả chấm thẩm định đã khẳng định điều đó. Có bài môn Hóa công bố 9,5 điểm mà chấm thẩm định chỉ còn 0,75 điểm. Có bài môn Toán công bố 9,0 điểm mà chấm thẩm định chỉ còn 1,0 điểm. Có bài môn Tiếng Anh công bố 9,0 điểm mà chấm thẩm định chỉ còn 1,2 điểm….

Trong số 114 thí sinh được “gắp điểm bỏ tay người”, có nhiều con em của quan chức và doanh nghiệp tỉnh Hà Giang. Với tư cách Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang, giữa tâm điểm gây bão, ông Trần Đức Quý lý giải: “Con của lãnh đạo đi thi có, trong một kỳ thi có nhiều đối tượng nhưng tôi nghĩ không lãnh đạo nào nói phải đưa con tôi vào một trường đại học cả. Nói bố mẹ chạy, mua điểm cho các con cần thời gian của cơ quan điều tra và nếu có chúng ta sẽ xử lý theo pháp luật”. 

Còn ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh Hà Giang trực tiếp có con gái cũng được nâng 5,4 điểm một cách bất thường, lại có quan niệm khác: “Cháu học như thế nào thì trường biết, lớp biết và mọi người biết cả. Báo chí có thể vào trường chuyên Hà Giang để nắm thông tin. Nếu, cháu nó học kém, hoặc tôi phải chạy vạy vào trường chuyên, tôi chịu trách nhiệm. Con gái tôi nằm trong danh sách “bị” nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao? Cá nhân tôi quyết liệt vấn đề này. Tôi rất quyết tâm và mong báo chí nắm thông tin một cách khách quan để các cháu vào học năm học mới ở giảng đường đại học với một tâm thế tốt nhất. Các cháu không có lỗi gì cả. Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của tôi. Báo chí cần định hướng tốt để dư luận có cái nhìn tốt nhất, con lãnh đạo nói chung chất lượng học có đúng như thế không mới là quan trọng!”.

Không thể nào phủ nhận, mức độ nóng bỏng của vụ gian lận thi cử không chỉ tạo không khí căng thẳng tại tỉnh Hà Giang, mà còn khiến người dân cả nước sửng sốt và đau đớn. Nhiều sự nghi ngờ khác đang được soi rọi vào kết quả chấm thi được công bố tại vài địa phương khác. Đại biểu Quốc hội – Phạm Thị Minh Hiền không giấu được băn khoăn: “Chúng ta đang dạy điều gì cho thế hệ tương lai, cho rường cột nước nhà từ những hành vi gian dối đến ghê sợ của người lớn như vậy? Dù hiện nay, không có quy định bắt buộc các bộ trưởng phải phát ngôn trước công luận về những tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực ngành đang quản lý, nhưng xét cho cùng, với tinh thần trách nhiệm, cách ứng xử văn minh trước những đối tượng bị thiệt thòi, yếu thế do cách quản lý yếu kém của ngành, thì sự lên tiếng thể hiện quan điểm, chia sẻ là việc nên làm đối với một tư lệnh ngành". Cũng day dứt không kém, Đại biểu Quốc hội - Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Vụ việc đã rõ ràng. Cơ quan chức năng phối hợp xác định có sai phạm và người chủ chốt gây ra là ông Vũ Trọng Lương. Bây giờ, theo tôi phải điều tra làm rõ mấy trăm tin nhắn trong điện thoại của ông Vũ Trọng Lương như thế nào. Vấn đề tiêu cực chắc chắn có, không phải chỉ chữa điểm vô tư”

Câu hỏi đặt ra: ông Vũ Trọng Lương đã căn cứ đáp án do Bộ GD-ĐT đưa ra, để chỉnh sửa 330 bài thi của 114 thí sinh, vì động cơ gì? Ông Vũ Trọng Lương có mối quan hệ thân tình với tất cả 114 thí sinh chăng? Không phải thế! Ông Vũ Trọng Lương mong muốn có thành tích tốt hơn cho công tác dạy và học của địa phương chăng? Cũng không phải thể! Và không thể không nghi ngờ, ông Vũ Trọng Lương có thể một mình một ngựa làm hết dây chuyền chỉnh sửa bài thi gồm nhiều công đoạn phức tạp ư? Nếu ông Vũ Trọng Lương chỉ là đầu mối thực hiện một kế hoạch đổi trắng thay đen, thì đây là một sự gian lận tập thể đáng phẫn nộ! Một diễn biến khác, không thể không lưu ý, đó là ông Nguyễn Thanh Hoài- Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang được giao nhiệm vụ Phó Trưởng Ban chấm thi, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng thi lại chính là người làm trái quy chế khi đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương.

Vụ gian lận thi cử tại Hà Giang không phải do ngành giáo dục chủ động phát hiện, mà xuất phát từ nghi vấn của cộng đồng trên mạng xã hội. Điểm phát tín hiệu tố giác đầu tiên là ba thầy giáo đang làm việc tại một trung tâm giáo dục online ở Hà Nội. Vì sao họ không tin sự may rủi “học tài thi phận” tại Hà Giang. Nguyên nhân rất đơn giản, nếu nhìn bằng ánh mắt sư phạm và trái tim người thầy, như họ chia sẻ: “Kỳ thi năm nay đặc biệt khi đề thi rất khó, khó đến mức một số giáo sư, tiến sĩ phải than không thể làm hết nổi. Nhiều học sinh học rất giỏi nói rằng bị sốc, tuyệt vọng vì điểm thi không như ý. Có bạn đóng cửa tự kỷ, khóc suốt 2 ngày liền. Thậm chí có bạn phải uống rượu, thuốc an thần mới ngủ được. Khi nhìn vào những điểm thi bất thường ở Hà Giang, mình thấy phẫn uất, giận run người vì quá bất công, tàn nhẫn. Nếu không có một nhóm nào đó “thổi lửa”, đứng mũi chịu sào để công khai thì sự việc sẽ rơi vào quên lãng hoặc thông tin bị nhiễu loạn. Với tư cách là những người thầy và trách nhiệm công dân, nhóm mình quyết tâm làm!”.

Gian lận trong lĩnh vực nào cũng nguy hại, nhưng gian lận trong thi cử sẽ để lại hậu quả khôn lường. Không chỉ làm hoen ố môi trường giáo dục vốn trong sáng và lành mạnh, những điểm số giả dối nếu không bị phanh phui thì tạo tiền đề cho những con người giả dối và những hành động giả dối khiến thui chột nền tảng đạo đức và cản trở tiến bộ xã hội.

Ngày xưa danh sư Cao Bá Quát cảm thấy tiếc tài năng của một số thí sinh ở trường thi Thừa Thiên năm 1841, đã lấy muội đèn để chỉnh sửa 24 bài thi phạm quy. Dù quý trọng tầm vóc lỗi lạc của Cao Bá Quát, vua Thiệu Trị vẫn xử phạt ông rất nặng. Đành rằng, Cao Bá Quát hồn nhiên và thiện chí đấy, nhưng luật lệ thi cử không chấp nhận bất kỳ khuất tất gì, dẫu có nhân danh điều cao cả và thiêng liêng nhất. Hôm nay, câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang thực sự khiến cộng đồng bàng hoàng và nhức nhối. Phải xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan một cách nghiêm túc, mới mong lấy lại niềm tin cho ngành giáo dục nước ta./.

 TÂM HUYỀN

Theo TTTĐ

largeer