Dùng xăng E5 không phải để cứu nhà máy ethanol thua lỗ

Thứ hai, 15/01/2018, 10:51 AM

Theo chuyên gia, các nhà máy ethanol thua lỗ, không hiệu quả thì phải xóa sổ, không thể bảo hộ bằng cách ép người tiêu dùng dùng xăng E5.

Bàn tiếp về câu chuyện bán đại trà xăng E5 trên toàn quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết ông đã quan sát thị trường trong những ngày qua và có đi khảo sát tại một cây xăng ở TP.HCM, đồng thời chạy thử xăng E5.

Theo đó, ông nhận thấy nhiều người tiêu dùng vẫn chưa có thái độ tích cực đối với xăng E5.  

"Khi tôi tới khu vực đổ xăng E5 thì thấy vắng tanh, hỏi người bán xăng thì người này cho biết người tiêu dùng không mặn mà với xăng E5 vì sau một thời gian sử dụng thì thấy khi tăng tốc, xe không được bốc như khi chạy xăng A92.

Tôi nói người bán hàng cho dùng thử xăng E5 thì anh ta nói nếu dùng thử thì coi chừng ân hận và không bao giờ sử dụng lần 2", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi kể. 

Vị chuyên gia quan sát thấy người dân chưa sẵn lòng chấp nhận xăng E5.

"Rõ ràng cách xóa xăng A92 ngay lập tức là không nên. Xăng A92 không có tội, muốn đưa một sản phẩm mới thì phải có cách tiếp cận để người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm mới đó, đặc biệt đây là sản phẩm mang tính công nghệ cao, sự thẩm định về công nghệ cao này chưa được rõ ràng nên người tiêu dùng vẫn lưỡng lự.

Do đó, tốt nhất hãy cứ để xăng A92 và E5 lưu hành song song nhưng để khuyến khích và tập cho người tiêu dùng làm quen với xăng E5 thì phải có cách. Ví dụ, giá rất thấp và chấp nhận bù lỗ giai đoạn đầu.

Còn như bây giờ, người tiêu dùng không còn cách nào khác, bị buộc phải lựa chọn và họ chạy qua xăng A95. Nhưng xăng A95 lại bị thả nổi và giá của nó lập tức tăng mạnh. Đó là một cái sai và không thể chấp nhận một thị trường không lành mạnh giữa các sản phẩm với nhau như thế", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi chỉ rõ.

Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng xăng E5

Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng xăng E5

Ông cũng thẳng thắn cho rằng, việc tăng giá xăng A95 không phải là đánh vào túi tiền người giàu, những người sở hữu xe sang và chưa tin tưởng vào chất lượng xăng E5, mà đó là một cách trục lợi.

"Khi xăng A92 bị khai tử, xăng E5 lại chưa tạo được sự tin tưởng về chất lượng khiến người tiêu dùng lưỡng lự và chạy sang xăng A95, doanh nghiệp lợi dụng cơ hội đó để đội giá lên, kiếm lợi nhuận kếch xù. Chính vì thế, tôi ngờ rằng đằng sau việc tăng giá này có lợi ích rất lớn.

Cách quản lý như vậy là không ổn, phải có hướng đi, cách giải quyết cho đúng, làm sao người tiêu dùng nhận sản phẩm mới thân thiện với môi trường và họ hài lòng.

Cũng phải nói rằng, ai cũng biết khi dùng xăng A95 thì giảm ô nhiễm môi trường nhưng người tiêu dùng chỉ quan tâm phần nào mà thôi, vấn đề chính là giá bao nhiêu, chất lượng đảm bảo không, các thông số kỹ thuật như vậy khi chạy xe có an toàn không...", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Về ý kiến cho rằng các nhà máy ethanol Việt Nam không đủ đáp ứng và cuối cùng làm lợi cho nước ngoài khi phải nhập khẩu ethanol, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng đó là một bài toán khác.

Chưa vội bàn đến chuyện ethanol nguồn gốc từ đâu, nhập khẩu hay sản xuất trong nước, phải xác định rành mạch rằng việc chuyển sang dùng xăng E5 đại trà không phải là giải pháp để cứu các nhà máy ethanol hoạt động không hiệu quả.

"Không thể chấp nhận quan điểm, dù là giả sử, cho rằng, Việt Nam phát triển xăng E5 là nhằm cứu các nhà máy ethanol thua lỗ. Tại sao Việt Nam đưa xăng E5 vào sử dụng? Đó là vấn đề môi trường.

Còn các nhà máy ethanol không hiệu quả, không cạnh tranh được với quốc tế thì phải xóa sổ, chứ không phải bảo hộ bằng cách ép người tiêu dùng phải dùng xăng E5", vị Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM khẳng định.

Ông nhấn mạnh, không quan trọng chuyện Việt Nam tự sản xuất hay phải nhập khẩu ethanol. Nếu trong nước sản xuất không đủ thì Việt Nam vẫn tiếp tục nhập, nếu nhập khẩu mà giá thấp, hiệu quả thì sẵn sàng.

"Đừng vì lý do này nọ mà chặn nhập khẩu, cứu nhà máy ethanol trong nước. Tại sao các nhà máy ethanol trong nước không hiệu quả, phải đắp chiếu mà Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu, nghĩa là nhà máy trong nước quá kém", vị chuyên gia nói.

Thành Luân

Theo Đất Việt

largeer