Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Từ tháng 7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng những tuyến đường nào?

Chủ nhật, 13/07/2025 10:39 (GMT+7)

Từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ bắt đầu cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực nội đô. Các tuyến đường thuộc vành đai 1 sẽ là phạm vi áp dụng đầu tiên, trước khi mở rộng ra các vành đai lớn hơn trong những năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành chỉ thị yêu cầu triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong đó, Thủ tướng giao Hà Nội thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện giao thông, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Tuyến Vành đai 1 bao gồm chuỗi các tuyến đường: Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Ô Chợ Dừa – Đê La Thành – Hoàng Cầu – Cầu Giấy – đường Bưởi – Lạc Long Quân – Âu Cơ – Nghi Tàm – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư – Nguyễn Khoái.

Quy hoạch các tuyến vành đai của Hà Nội. Ảnh: Bộ Xây dựng

Vành đai 1 đi qua địa bàn sáu quận: Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa (cũ), với tổng chiều dài 7,2 km. Tuy nhiên, hiện nay tuyến vẫn chưa khép kín do đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, dài hơn 2,2 km, vẫn đang trong quá trình thi công. Đoạn này có mặt cắt ngang 50 m, điểm đầu tại nút giao Cát Linh – La Thành – Yên Lãng (Hoàng Cầu, quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao Voi Phục (quận Ba Đình).

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ tháng 7/2026, xe mô tô và xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng) sẽ không được phép lưu thông trong khu vực nội đô, tức là phạm vi các tuyến phố nằm trong Vành đai 1 trở vào.

Tiếp theo, từ ngày 1/1/2028, Hà Nội sẽ không cho phép xe máy và xe gắn máy lưu thông trong phạm vi từ Vành đai 1 đến Vành đai 2; đồng thời hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng, dầu. Đến năm 2030, thành phố sẽ tiếp tục mở rộng lệnh cấm ra phạm vi Vành đai 3.

Hiện Hà Nội quy hoạch tổng cộng 7 tuyến vành đai. Trong đó, Vành đai 3 đã hoàn thiện; Vành đai 4 đang xây dựng và Vành đai 5 chưa hình thành. Các tuyến còn lại (Vành đai 1, 2, 2.5, 3.5) đều đang trong quá trình triển khai.

Đường phố Hà Nội thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: VGP

Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2024, TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp. Trong phạm vi này, chỉ các loại phương tiện không phát sinh khí thải hoặc sử dụng năng lượng sạch như điện, hydro... mới được phép lưu thông.

Đồng thời, Hà Nội sẽ cấm xe tải hạng nặng chạy dầu diesel, xe máy và ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải được lưu thông trong khung giờ hoặc khu vực nhất định. Cụ thể, xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2 và ô tô không đạt mức 4 sẽ bị hạn chế.

Ngoài ra, thành phố dự kiến áp dụng các loại phí và lệ phí đối với phương tiện cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch nếu vẫn tiếp tục hoạt động trong vùng phát thải thấp.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội đến cuối tháng 4/2025, toàn thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó khoảng 6,9 triệu xe máy, và gần 73% trong số này đã sử dụng trên 10 năm – tức khó có khả năng đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải mới.

Hà Nội sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong vùng phát thải thấp chuyển đổi phương tiện từ xăng dầu sang điện hoặc các loại năng lượng xanh. Những chính sách này bao gồm ưu đãi mua phương tiện mới, hỗ trợ tài chính, miễn/giảm phí đăng ký, và tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép hoạt động.

Thái Sơn
Nguồn: sohuutritue.net.vn