Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Gen Z: Thế hệ học quá nhiều, nhưng 'sống' quá ít

Thứ tư, 16/07/2025 06:45 (GMT+7)

Từ học sinh đến sinh viên, nhiều bạn trẻ đang biến tuổi trẻ thành lịch trình kín mít với học thêm, làm thêm, trau dồi kỹ năng, trong khi bên trong là những áp lực và mệt mỏi âm thầm đè nặng.

Đa nhiệm nhưng chẳng giỏi thứ gì?

"Không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi", đó là cảm giác chung của nhiều người trẻ hiện nay khi chạy theo lịch trình học, làm, trau dồi kỹ năng gần như không ngừng nghỉ. Thu Trang (sinh viên năm 4, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày của cô kéo dài 18- 20 tiếng, bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 1 – 2h. Sáng học chính khóa, trưa tranh thủ học tiếng Anh, chiều thực tập tại Cầu Giấy, tối học thêm các khóa AI, sau đó lại ôn bài, học từ mới.

Trang từng rất hào hứng khi được học hỏi và trau dồi thêm kỹ năng vì xung quanh ai cũng đang “đa nhiệm”, "CV đẹp". Nhưng dần dần, cảm giác mệt mỏi do làm việc quá sức thời gian dài đã lấn át hết niềm vui.

Giờ đây, Trang gần như không có thời gian thật sự nghỉ ngơi, đi chơi hay dành cho bản thân. Bạn bè rủ cà phê, xem phim, Trang đều phải từ chối vì “còn deadline”. Những chuyến đi xa, những ngày cuối tuần thư giãn trở thành điều xa xỉ.

“Cái mệt không chỉ ở cơ thể mà còn ở tâm trí. Mình giống như một cái máy, sáng chạy deadline này, tối chạy deadline khác. Không có phút dừng để thở, để cảm nhận chính mình”, Trang nói.

Thu Trang tranh thủ học AI vào buổi tối. Ảnh: Tường Vi

Câu chuyện của Trang không phải là cá biệt, Quang Huy (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại phường Láng Hạ, Hà Nội), cũng từng có thời đại học “chạy đua” với chính mình. “Hồi đó mình đăng ký ba khóa online cùng lúc, đi thực tập full-time, tối làm freelance, cuối tuần tham gia workshop. Nhưng hệ quả đến nhanh hơn mình tưởng. Cho đến một ngày, anh ngất xỉu tại bến xe vì kiệt sức và tinh thần của anh cũng trở nên bất ổn.

“Mình học quá nhiều nhưng chẳng giỏi thật sự thứ gì. Đáng buồn nhất là mất hết thời gian tụ tập bạn bè, đi chơi, du lịch. Đánh đổi quá lớn”, Huy nói.

Sau biến cố đó, Huy quyết định dừng lại. Anh tập trung vào một mảng chính và định hướng của bản thân, dành thời gian đọc sách, tập thể dục,đi du lịch, gặp người thân. “Giờ mình đi chậm nhưng vững vàng hơn, không còn cảm giác áp lực khi thức dậy. Mình không còn sống chỉ để làm đẹp hồ sơ, mà để thật sự tận hưởng cuộc sống", anh chia sẻ.

Thay vì sống để làm đẹp hồ sơ thì Huy quyết định tận hưởng cuộc sống. Ảnh: NVCC

Không thể phủ nhận rằng việc chủ động học và rèn luyện kỹ năng từ sớm cũng mang lại lợi thế. Minh Anh (sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, việc học đa nhiệm không chỉ mang lại áp lực mà cũng có những lợi ích rõ ràng.

“Học nhiều, làm nhiều giúp mình tiến bộ nhanh và mở rộng rất nhiều kỹ năng. Khi lịch trình dày đặc, mình học được cách quản lý thời gian, tự giác và linh hoạt hơn rất nhiều. Trong môi trường cạnh tranh như bây giờ, việc chủ động học thêm các kỹ năng mới giúp mình tự tin hơn khi bước ra thị trường lao động. Tuy nhiên, mình cũng cố gắng cân bằng, không để lịch học làm mất đi sức khỏe và thời gian riêng tư, vì nếu không biết điều tiết, áp lực sẽ rất lớn và dễ dẫn đến mệt mỏi, mất phương hướng”, Minh Anh chia sẻ.

Theo nghiên cứu của Đại học Stanford (2018), những người trẻ liên tục “đa nhiệm” tức vừa học, vừa làm, vừa trau dồi kỹ năng cùng lúc, có khả năng tập trung và ghi nhớ giảm mạnh, đồng thời mức độ stress và lo âu cũng cao hơn gấp nhiều lần so với nhóm tập trung vào một việc. Khi mọi thứ trở thành một “lịch trình chật chội”, người trẻ dễ rơi vào vòng xoáy không lối thoát: lúc nào cũng sợ bị tụt lại, sợ kém hơn bạn bè.

Gen Z thoát khỏi burnout bằng cách nào?

Xu hướng “đa nhiệm” không chỉ dừng ở sinh viên hay người đi làm, mà đã lan xuống tận cấp tiểu học. Cô Nguyễn Lan (34 tuổi, giáo viên tiểu học tại Hà Nội) chia sẻ: “Có em mới lớp 3 mà lịch kín từ sáng đến tối: Sáng học chính, chiều tiếng Anh, tối học đàn, cuối tuần học kỹ năng mềm. Có bé than với tôi: ‘Cô ơi, con mệt lắm’”, cô Lan kể.

Theo cô Lan, trẻ em cần được chơi, được khám phá và phát triển tự nhiên. Đừng biến con thành siêu nhân nhỏ tuổi chỉ vì sợ con thua bạn bè. Những buổi chiều đá bóng, nhảy dây, chơi đồ hàng quan trọng không kém điểm số. Khi trẻ vui vẻ, tự tin, con sẽ tự học và phát triển tốt hơn rất nhiều.

"Giỏi nhiều thứ, nắm bắt xu hướng, chuẩn bị cho tương lai, đó đều là những mục tiêu đáng quý. Nhưng khi mọi thứ trở thành một cuộc đua không hồi kết, khi mỗi buổi tối chỉ còn deadline và lo âu, thì tuổi trẻ ấy dần biến mất", cô Lan nói.

Trong xã hội hiện đại với tốc độ sống gấp gáp và công nghệ phát triển vượt bậc, nhiều người trẻ, đặc biệt là Gen Z – đang đối mặt với một “kẻ thù vô hình”: Burnout (hội chứng kiệt sức). Ảnh: Tường Vi

Thêm vào đó, không ít bạn trẻ nghĩ rằng càng nhiều kỹ năng, càng nhiều chứng chỉ sẽ càng dễ được các nhà tuyển dụng chọn. Nhưng theo chị Phương Thảo (nhân sự tuyển dụng tại một công ty xuất nhập khẩu ở Cầu Giấy) cho rẳng, điều trên chưa hẳn đã chính xác. Chị Thảo đánh giá cao tinh thần cầu tiến, nhưng quan trọng hơn là độ sâu và khả năng ứng dụng. Nhiều bạn ghi hàng loạt khóa học, nhưng khi hỏi sâu thì chỉ biết qua loa. Quan trọng nhất vẫn là bạn có thể làm được gì.

Ngoài chuyên môn, nhà tuyển dụng còn quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Nếu lịch quá kín, các bạn dễ kiệt sức, dễ bỏ cuộc, khó gắn bó lâu dài. "Việc học nhiều không xấu, nhưng cần đi kèm thực hành, trải nghiệm và biết giữ cân bằng”, chị Thảo nhấn mạnh.

Theo chị Thảo, có những lúc, trưởng thành không phải là chạy nhanh hơn, gánh nặng hơn, mà là biết buông bỏ đúng lúc, chọn đi chậm để thấy rõ giá trị của từng khoảnh khắc. Thanh xuân không chỉ là chuỗi ngày làm việc không ngừng, mà còn là hành trình sống trọn vẹn, nơi mỗi hơi thở, mỗi giây phút đều đáng quý và đầy ý nghĩa.

Đồng quan điểm, TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý và giáo dục với hơn 30 năm kinh nghiệm tại Việt Nam và Hoa Kỳ nhận định, burnout (hội chứng kiệt sức) đang gia tăng đáng lo ngại ở giới trẻ.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người trẻ từ 18–25 tuổi có dấu hiệu kiệt sức đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, phần lớn do áp lực học tập, công việc và mạng xã hội.

Theo vị Tiến sĩ, gen Z lớn lên trong môi trường đề cao thành tích và “CV đẹp”, nhiều bạn trẻ tự tạo áp lực phải thành công sớm, dù phần lớn kỳ vọng ấy đến từ chính bản thân họ. Thành công là một quá trình, không phải cuộc đua tốc độ. Việc hiểu và chấp nhận giới hạn của bản thân sẽ giúp giảm bớt áp lực vô hình, vốn là yếu tố âm thầm bào mòn sức khỏe tinh thần.

Theo TS Lê Nguyên Phương, để thoát khỏi vòng xoáy áp lực, Gen Z cần học cách cân bằng cuộc sống, điều chỉnh kỳ vọng và lắng nghe sức khỏe tâm trí của chính mình. Ảnh minh họa.

Để thoát khỏi vòng xoáy áp lực, Gen Z cần học cách cân bằng cuộc sống, điều chỉnh kỳ vọng và lắng nghe sức khỏe tâm trí của chính mình. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và kết nối với bản thân qua những hoạt động nhỏ như đi bộ, tắm nước ấm, tập yoga, trò chuyện với người thân. Nghiên cứu từ Đại học Stanford từng chỉ ra rằng chỉ cần 10 phút đi bộ ngoài trời mỗi ngày cũng đủ giúp cải thiện tâm trạng và giảm đáng kể mức độ căng thẳng.

Ngoài ra, việc duy trì giao tiếp tích cực, trò chuyện với người đồng cảm hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý khi cần, cũng giúp người trẻ thoát khỏi cảm giác cô lập, áp lực kéo dài. Khi học được cách lắng nghe và đối thoại với chính mình, mỗi người sẽ dễ dàng hơn trong việc vượt qua khủng hoảng tâm lý.

“Con người không phải là carbon, không phải cứ chịu nhiều áp lực sẽ thành kim cương. Nhiều bạn bị vỡ vụn vì cố gắng vượt quá sức”, Tiến sĩ Phương chia sẻ.

Phương Hồng
Nguồn: sohuutritue.net.vn