Cẩn trọng với bột ngọt chỉ ghi nơi đóng gói, không rõ nơi sản xuất
Thứ bảy, 24/05/2025 07:12 (GMT+7)
Ghi nhãn "đóng gói tại Việt Nam" nhưng không rõ xuất xứ, nhiều sản phẩm bột ngọt không rõ nguồn gốc đang âm thầm len lỏi thị trường, đánh lừa người tiêu dùng.
Theo khảo sát của Báo Công Thương, thị trường hiện
có hơn 30 nhãn hiệu mì chính được tổ chức, cá nhân tự ý phối trộn, san chiết và
đóng gói lại. Những sản phẩm này xuất hiện công khai tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,
Vĩnh Phúc, Gia Lai, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Quảng Trị… với điểm chung
là thiếu thông tin xuất xứ, mập mờ địa chỉ chịu trách nhiệm, không rõ được sản
xuất bởi ai.
Thông tin từ bao bì của hơn 30 sản phẩm này cho thấy,
những nhãn hiệu mì chính không rõ nguồn gốc xuất xứ được đóng gói tại 9 địa
phương. Cụ thể, tại Hà Nội và TP HCM, mỗi nơi ghi nhận có 8 cơ sở sang chiết với
tổng cộng gần 20 nhãn hiệu bày bán trên thị trường.
Mới đây, ngày 20/5, Công an tỉnh Lai Châu cho biết Phòng Cảnh
sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp cùng Đội quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản
lý thị trường Lai Châu) vừa kiểm tra, xử phạt một hộ kinh doanh vi phạm nhãn
mác bột ngọt.
Cụ thể, lực lượng chức năng kiểm tra hộ
kinh doanh Đỗ Thị Thủy (phường Quyết Thắng, TP Lai Châu) do ông Đào Văn Dũng
(37 tuổi) đại diện, phát hiện đang bày bán 47 thùng bột ngọt hiệu Fuji-Moto với
tổng trọng lượng 720kg. Qua kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa này không ghi xuất xứ
- vi phạm nghiêm trọng quy định ghi nhãn hàng hóa.
Đáng chú ý, ngày 26/4 vừa qua, Công ty TNHH Famimoto
Việt Nam bị Công an Phú Thọ phát hiện có tới 1.260 tấn bột ngọt vi phạm, trong
đó có 40 tấn bột ngọt giả. Hành vi này không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức
khỏe người tiêu dùng, mà còn là sự thách thức đối với pháp luật hiện hành về
nhãn mác và chất lượng hàng hóa.
Công an tỉnh Phú Thọ thu giữ mì chính giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam ngày 24/4. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Trong một vụ việc khác, đầu tháng 4, Cục An toàn thực
phẩm (Bộ Y tế) buộc Công ty Liên Sen (TP HCM) tạm dừng lưu thông 4 lô bột ngọt
đóng gói tại Việt Nam nhưng sử dụng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc mà không ghi
rõ xuất xứ trên bao bì. Đây là hành vi đánh tráo nhận thức người tiêu dùng, tạo
ra ấn tượng sai lệch về nguồn gốc sản phẩm.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định
111/2021/NĐ-CP, nhãn hàng hóa bắt buộc phải ghi rõ tên hàng hóa, đơn vị chịu
trách nhiệm và xuất xứ sản phẩm. Trường hợp không xác định được nơi sản xuất, bắt
buộc phải thể hiện công đoạn cuối cùng như "đóng gói tại", kèm theo
tên quốc gia cụ thể.
Người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm không rõ xuất
xứ sẽ không thể đánh giá quy trình sản xuất, mức độ an toàn hay tiêu chuẩn chất
lượng. Trong khi đó, theo cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm, những sản phẩm
không kiểm soát được nguồn gốc có thể chứa tạp chất, không đảm bảo độ tinh khiết
và gây ra các phản ứng ngộ độc cấp tính như đau đầu, chóng mặt, thậm chí dẫn đến
ngộ độc mãn tính nếu sử dụng lâu dài.
Tình trạng mì chính sang chiết, đóng gói lại bán tràn lan. Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư mạnh để
xây dựng chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng. Điển
hình như Công ty Ajinomoto Việt Nam sử dụng nguyên liệu trong nước như khoai
mì, mía đường và công nghệ lên men hiện đại tại nhà máy Đồng Nai. Hay Công ty
Vedan Việt Nam vận hành hơn 3.500 nhân sự cho quy trình sản xuất khép kín từ
lên men đến đóng gói nội địa.
Trong khi đó, các đơn vị chỉ nhập nguyên liệu rồi
đóng gói lại có thể đưa hàng ra thị trường với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hưởng lợi
từ sự thiếu cảnh giác của người tiêu dùng. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ
niềm tin thị trường bị bào mòn, mà động lực đầu tư, việc làm và nguồn thu ngân
sách cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu
mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên toàn quốc.
Chiến dịch kéo dài từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, tập trung vào các nhóm mặt hàng
thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Mặt sau bao bì mì chính san chia, đóng lại (trái) và mì chính sản xuất trực tiếp tại Việt Nam (phải). Ảnh: Trung tâm chống hàng giả
Luật Cạnh tranh 2018 (Điều 45) đã quy định rõ, cung
cấp thông tin gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm là hành vi cạnh tranh không
lành mạnh. Đồng thời, Điều 117 cũng yêu cầu xử phạt nghiêm các hành vi gian dối
trong quảng cáo và ghi nhãn hàng hóa nhằm bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh
và quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả, cần có sự phối hợp
đồng bộ giữa ba phía: cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cơ quan
chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt với các sản phẩm thiết yếu
như gia vị, bột ngọt, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc minh
bạch thông tin trên nhãn hàng.
Về phía người tiêu dùng cần chủ động kiểm tra nhãn mác, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng từ các thương hiệu uy tín trong nước. Bên cạnh đó, vai trò giám sát của người tiêu dùng cũng rất quan trọng trong việc cảnh báo, phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm minh bạch và an toàn.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, kéo theo cơn sốt tiêu dùng thực phẩm chức năng (TPCN), đặc biệt là hàng “xách tay”. Thế nhưng phía sau vẻ ngoài hấp dẫn và lời quảng cáo hoa mỹ là một thị trường đầy rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hàng cận date giá rẻ đang được nhiều người tiêu dùng săn đón trong bối cảnh bão giá. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người mua có thể rước họa vào thân vì rủi ro sức khỏe tiềm ẩn từ sản phẩm sắp hết hạn.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm tại Công ty EBC sản xuất mỹ phẩm được Đoàn Di Băng quảng cáo là lỗi có tính hệ thống hay cá biệt.
Liên quan vụ quảng bá kẹo rau củ Kera – sản phẩm đã bị khởi tố vì “sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “lừa dối khách hàng” – TikToker Nguyễn An, chủ kênh “Chú Cá Review Không Booking”, đã làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và cung cấp số liệu doanh thu từ hoạt động tiếp thị.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, các bộ ngành và địa phương, phát động tháng cao điểm kiểm tra toàn diện, không có vùng cấm.
Ngày 23/5, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT Kiên Giang) cho biết, vừa kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, phát hiện và tạm giữ 1.020 kg bao tử lợn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Thuốc giả, sữa nhái, thực phẩm chức năng “thổi phồng” công dụng đang len lỏi vào đơn thuốc, nhà thuốc và cả mạng xã hội. Ai chịu trách nhiệm? Pháp luật xử lý thế nào? Dưới đây là phân tích của chuyên gia pháp lý.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản hoả tốc yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ các sai phạm liên quan đến Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai - nơi sản xuất 2 lô mỹ phẩm Hanayuki bị phát hiện không đạt chất lượng.