Biến đổi khí hậu đã gây thảm họa sốt xuất huyết tại châu Á
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, nhiều quốc gia có địa hình cao tỷ lệ nghịch với chất lượng sống đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu, mà khu vực Nam Á và Đông Nam Á là ví dụ.
Quận Dolpa nằm ở cao nguyên hẻo lánh, từ độ cao 1.500 - 7.500 mét so với mực nước biển. Những địa danh trên đỉnh núi Himalaya như hồ Phoksundo màu ngọc lam và những con đường mòn leo núi cheo leo đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng biến đổi khí hậu đã mang đến cho những vị khách thứ không mong muốn - muỗi. Cùng với chúng là một loại bệnh nhiễm vi rút mà trước đây khu vực này chưa từng biết đến.
Akhada Upadhaya, một nhân viên y tế tại Bệnh viện quận Dolpa, nhớ lại vào tháng 9.2022, người dân địa phương bắt đầu đến Dunai - nơi có bệnh viện công duy nhất ở quận, với triệu chứng sốt và đau nhức cơ thể. Có hàng nghìn người bị biểu hiện tương tự người ở vùng đồng bằng thấp, nóng hơn của tỉnh Karnali và những nơi khác trong nước. Họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh sốt xuất huyết ở mức đáng báo động.
Upadhaya, người lớn lên ở Dolpa, nói: “Thật đáng báo động. Trước đây, chỗ này không có muỗi. Nhưng sự thay đổi về thời tiết và sự gia tăng đi lại của con người đang làm tăng nguy cơ nhiễm trùng như sốt xuất huyết - điều không phổ biến ở khu vực này trước đây”.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, nhiều quốc gia có địa hình cao tỷ lệ nghịch với chất lượng sống đang phải ở tuyến đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu. Kể từ khi Nepal phát hiện trường hợp sốt xuất huyết đầu tiên ở một du khách nội địa vào năm 2004, chỉ có vài trăm ca lây truyền trong nước được phát hiện cho đến năm 2015. Sau đó, số ca nhiễm bệnh này đột ngột tăng theo cấp số nhân vào năm 2019 và đạt kỷ lục gần 55.000 ca vào năm 2022, gây ra ít nhất 88 ca tử vong. Các ca bệnh cũng được phát hiện vào năm ngoái tại những nơi có độ cao trung bình hơn 3.000 mét. Nhưng các bác sĩ cho biết số ca bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc không đến bệnh viện bởi triệu chứng nhẹ.
Sốt xuất huyết lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái Aedes aegypti bị nhiễm vi rút, và trước đây chủ yếu được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhưng giờ thì sốt xuất huyết bắt đầu di cư lên các vùng cao do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Vào tháng 6 vừa rồi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết vì số ca bệnh đã tăng gấp 8 lần từ năm 2000 đến năm 2022. Sự gia tăng này do biến đổi khí hậu, sự di chuyển của người dân, đô thị hóa và các vấn đề vệ sinh. Theo WHO, khoảng 70% số ca nhiễm ở châu Á.
Ở các nước Đông Nam Á ấm áp, số ca nhiễm bệnh đang gia tăng đều đặn: Số ca sốt xuất huyết ở Việt Nam năm ngoái đã tăng gấp khoảng 5 lần so với năm 2021. Tại Singapore, các quan chức cho biết căn bệnh này là vấn đề “khẩn cấp”. Tại Thái Lan, Bộ Y tế cảnh báo số ca nhiễm bệnh có thể đạt mức cao nhất trong 3 năm vào năm 2023.
Tại khu vực Nam Á, Bangladesh đang phải chiến đấu với đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất từ trước đến nay - quốc gia này đã ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc và gần 1.000 ca tử vong trong năm nay. WHO cho biết đợt bùng phát sốt xuất huyết hiện nay là “bất thường xét về tính thời vụ” và tỷ lệ tử vong “tương đối cao” so với những năm trước. Theo các quan chức Bangladesh, số ca tử vong do sốt xuất huyết năm nay cao hơn tổng số ca trong 22 năm qua. Tính đến Chủ nhật tuần trước, số ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết ở Bangladesh đã vượt quá 1.000.
Nhưng căn bệnh này cũng đang tấn công các quốc gia mà trước đây nó chưa được biết đến và các bác sĩ cũng như bệnh nhân có thể chưa đối mặt với nó bao giờ. Một nghiên cứu năm 2020 cho biết các bệnh lây truyền qua trung gian như sốt xuất huyết đã gia tăng mạnh ở vùng Hindu Kush Himalaya, đặc biệt là ở các nước Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Pakistan. Các ca lây nhiễm chủ yếu diễn ra khi bắt đầu mùa gió mùa vào khoảng tháng 6 và đạt đỉnh điểm vào thời gian sau mùa gió mùa từ tháng 9 đến tháng 11.
Meghnath Dhimal, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Hội đồng Nghiên cứu sức khỏe Nepal, và là đồng tác giả của nghiên cứu năm 2020, cho rằng muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết sinh sản trong các hồ nước tù đọng ở nhiệt độ từ 12 độ đến 24 - 25 độ C. Ông cho biết sự thay đổi trong tính chất gió mùa và nhiệt độ tăng cao ở các vùng đồi núi của Nepal đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của bệnh sốt xuất huyết.
Deepshikha Sharma, chuyên gia về khí hậu và môi trường từ Trung tâm Phát triển cao nguyên quốc tế (ICIMOD), một tổ chức môi trường liên chính phủ, cho biết tốc độ ấm lên ở khu vực Hindu Kush Himalayan được khuếch đại theo độ cao. Đề cập đến một báo cáo của ICIMOD, bà Shamar lưu ý rằng nhiệt độ trung bình đã tăng đáng kể ở tất cả các khu vực thuộc vùng Hindu Kush Himalaya, với tốc độ trung bình 0,28 độ C mỗi thập niên từ năm 1951 đến năm 2020.
Theo một nghiên cứu của Cục Thủy văn và khí tượng Nepal, nhiệt độ trung bình của Nepal mỗi năm đã tăng 0,056 độ C từ năm 1971 đến năm 2014, với sự gia tăng đáng kể ở các vùng cao trên dãy Himalaya. Riêng thủ đô Kathmandu đã nóng hơn 1,6 độ C trong hai thập niên qua.
Bà Sharma cho biết: “Sự phân bố của vec tơ truyền bệnh và sự lây truyền bệnh tật được dự đoán sẽ chuyển sang những vùng cao hơn. Các cộng đồng vốn chịu thiệt thòi ở vùng núi càng bị hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực y tế và có thể phải gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu”.