Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bị Bách Hóa Xanh vượt mặt, chuỗi siêu thị GO! 'than' thị trường Việt Nam khắc nghiệt

Thứ tư, 09/04/2025 06:35 (GMT+7)

Năm 2024 với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường bán lẻ, chủ chuỗi siêu thị GO! đã đánh mất ngôi vị dẫn đầu doanh thu về tay doanh nghiệp nội địa là Bách Hóa Xanh khi đơn vị này liên tục mở mới nhiều cửa hàng sau giai đoạn tái cấu trúc diện rộng.

Chủ chuỗi siêu thị Go! thu về 1,4 tỷ USD năm 2024

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 của Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị GO! (tên cũ BigC), Điện Máy Nguyễn Kim ghi nhận tổng doanh thu năm vừa qua đạt 268 tỷ baht Thái (khoảng 200.196 tỷ đồng). (Tạm tính tỷ giá 1 baht = 747 VND tại ngày 8/4).

Trong đó thị trường Việt Nam đóng góp hơn 49 tỷ baht (khoảng 36.300 tỷ đồng - khoảng 1,4 tỷ USD), chiếm 18,2% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục là thị trường lớn thứ hai của Central Retail, thua sân nhà Thái Lan với 177,7 tỷ baht và bỏ xa Italy ở vị trí thứ ba với 17,5 tỷ baht.

Tuy nhiên, doanh thu tại Việt Nam năm 2024 giảm so với năm 2023, trong khi con số này tại Thái Lan và Italy đều tăng 7,3% và 4,3%.

Cơ cấu doanh thu của Central Retail tại các thị trường năm 2024. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024).

Về việc suy giảm này, Central Retail cho rằng các nguyên nhân chính gồm cạnh tranh khắc nghiệt ở Việt Nam (nhất là nhóm hàng hardline - là các sản phẩm như nội thất, thiết bị, dụng cụ, điện tử, trang sức và đồ thể thao) và sức mua giảm (nhất là trong Quý IV), tỷ giá thay đổi, và việc nâng cấp đại siêu thị GO! ở Hà Nội (Big C Thăng Long) và Đồng Nai ảnh hưởng tới việc bán hàng.

Tính đến cuối năm 2024, Central Retail có 42 đại siêu thị (mall) GO! tại Việt Nam, bao gồm 3 siêu thị mới ở Bạc Liêu, Hà Nam, và Ninh Thuận. Năm 2025, Central Retail sẽ mở thêm 2 mall mới tại Hưng Yên và Yên Bái, nâng mạng lưới lên 44 mall.

Ảnh minh họa: GO!

Central Retail là công ty con của Central Group do gia đình tỷ phú giàu thứ 4 tại Thái Lan Chirathivat quản lý trực tiếp. Hệ sinh thái của Central Retail gồm có chuỗi bách hóa Central Department Store, Robinson, chuỗi siêu thị GO!, Tops Market, chuỗi điện máy Nguyễn Kim, chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart... Cùng với đó là các trung tâm thương mại CentralWorld và CentralPlaza.

Đầu năm 2023, Central Retail cho biết sẽ rót thêm 50 tỷ baht (khoảng 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam cho giai đoạn 2023-2027 để tăng tốc mở rộng chuỗi bán lẻ của mình. Đây là số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà đại gia bán lẻ Thái Lan công bố vào thị trường Việt Nam.

Bách Hóa Xanh 'thế chân' GO! dẫn đầu doanh thu chuỗi siêu thị bán lẻ

Năm 2023, Central Retail từng dẫn đầu trong nhóm các chuỗi siêu thị tại Việt Nam. Tuy nhiên với kết quả doanh thu năm vừa rồi, vị thế đã thay đổi.

Bách Hóa Xanh – thành viên của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) của nhà sáng lập Nguyễn Đức Tài đã vươn lên vị trí dẫn đầu về 41.108 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024. Theo sau là chuỗi Wincommerce của Tập đoàn Masan với gần 33.000 tỷ đồng. Tiếp đến là Central Retail và cuối cùng là Saigon Co.op.

Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin.

Với Bách Hóa Xanh, thành tích trên có được là nhờ công ty thực hiện tái cấu trúc trong thời gian qua, tập trung cải thiện chất lượng và ổn định hàng hóa cũng như phong phú sản phẩm. Chuỗi bán lẻ này cho biết ngoài hợp tác cùng các đối tác, nhà cung cấp lớn, đặc biệt là hàng tươi sống (CPV Food, Minh Phú...). chuỗi đã xây dựng và bao tiêu các vùng trồng, rà soát, tối ưu chi phi vận hành, kho vận, kiểm soát hao hụt và hủy hàng.

Với việc sở hữu 1.770 điểm bán, tính trung bình cả năm, doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt 2 tỷ đồng mỗi tháng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Dù vậy Bách Hóa Xanh hiện còn khoản lỗ lũy kế hơn 8.651 tỷ đồng (chuỗi đã lỗ liên tiếp kể từ khi thành lập năm 2015 đến nay).

Chia sẻ với nhà đầu tư hồi tháng 11/2024, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG cũng tiết lộ Bách Hóa Xanh có thể cân nhắc mở rộng ra thị trường miền Bắc trong năm 2025. Tuy nhiên, việc mở rộng bước đầu ra miền Bắc sẽ chỉ ở quy mô “thử nghiệm chứ chưa có ý định rầm rộ” do về cơ bản chỉ cần Bách Hóa Xanh mở rộng tại thị trường miền Trung cũng đã tạo ra tăng trưởng. Bên cạnh đó, mục tiêu trước mắt của chuỗi Bách Hóa Xanh là ưu tiên thúc đẩy doanh thu.

Chuỗi Bách Hóa Xanh năm 2024 lần đầu có lãi kể từ khi thành lập. Ảnh: Bách Hóa Xanh

Theo định hướng kinh doanh vừa được công bố, chuỗi Bách Hoá Xanh được Thế Giới Di Động xác định sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm nay với kỳ vọng đóng góp hơn 30% doanh thu và mang lại lợi nhuận đáng kể cho công ty.

Chuỗi Bách Hoá Xanh được đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu tối thiểu 7.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Thế giới Di động cũng cho biết sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu ở các cửa hàng Bách Hoá Xanh cũ bằng các giải pháp chuyên biệt cho từng nhóm cửa hàng đặc thù. Đồng thời, mở mới 200 - 400 cửa hàng ở cả vùng đang kinh doanh và các tỉnh mới.

Nguồn: Công bố thông tin của doanh nghiệp.

Đối với Wincommerce đơn vị sở hữu và vận hành chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+, doanh thu thuần năm vừa rồi đạt 32.961 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế hơn 5,7 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng doanh thu này được thúc đẩy bởi hiệu quả hoạt động của các mô hình cửa hàng mới được ra mắt và nhân rộng, bao gồm mô hình WIN phục vụ khu vực thành thị và WinMart+ Rural hướng đến khu vực nông thôn, cùng với nỗ lực tối ưu hóa vận hành.

Tính đến cuối tháng 12/2024, WinCommerce đang vận hành tổng cộng 3.828 điểm bán trên toàn quốc.

Saigon Co.op hiện đang vận hành các mô hình Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Finelife và Cheers. Năm vừa rồi, doanh nghiệp cho biết đã cán mốc doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, duy trì lãi gộp, tạo thêm nguồn thu cho thuê và kiểm soát chi phí.

Nổi bật trong năm 2024 , doanh số của Saigon Co.op nhận được sự đóng góp hơn 10% từ thương mại điện tử, tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ; hàng nhãn riêng Co.op tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.

Dư địa cho ngành bán lẻ Việt Nam

Theo báo cáo của e-Conomy SEA 2024, sự rời đi của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài trong những năm gần đây như Parkson (Malaysia), Emart (Hàn Quốc), Auchan (Pháp),… cho thấy các “ông lớn” này đã lộ dấu hiệu đuối sức trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ tại Việt Nam.

Với dân số hơn 100 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất Ðông Nam Á và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng cho ngành bán lẻ. Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường có nhiều sự cạnh tranh gay gắt.

Nếu phân tích kỹ từng trường hợp riêng lẻ, có thể thấy điểm chung giữa những nhà bán lẻ thua lỗ và rời thị trường Việt Nam là do các chiến lược kinh doanh của họ chưa phù hợp với tâm lý mua sắm và văn hóa của người bản địa.

Tuy nhiên nhìn chung ngành bán lẻ Việt Nam năm 2025 đứng trước nhiều cơ hội bứt phá, khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi và mở rộng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm trước.

Ảnh minh họa: VNEconomy.

Theo một đánh giá gần đây của Chứng khoán VNDirect, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử,...) hiện tại Việt Nam đang có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh tỷ lệ thâm nhập của kênh bán lẻ hiện đại trong lĩnh vực bán lẻ hàng tạp hoá mới chỉ đạt 12,2% (dữ liệu của McKinsey & Company), vẫn còn khá thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Hiện chi tiêu cho hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép 10,6%/năm, trong khi thu nhập khả dụng bình quân trên mỗi hộ gia đình dự kiến tăng với tốc độ 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2027. Điều này tạo ra dư địa tăng trưởng lớn cho các nhà bán lẻ tạp hóa.

Năm 2025, Bộ Công Thương đưa ra dự báo quy mô thị trường bán lẻ tăng lên 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách.

Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn