ADB duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025

Thứ tư, 25/12/2024, 14:13 PM

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% dự báo vào tháng 9 vừa qua.

ADB duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025- Ảnh 1.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Văn Cường

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đưa ra nhận định trên về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 trong cuộc phỏng vấn gần đây với Báo Điện tử Chính phủ.

Giám đốc ADB cho rằng, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm là 7%.

Để bù đắp cho mức tăng trưởng thấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là hoàn toàn hợp lý và sẽ đóng góp vào mục tiêu của Việt Nam vào năm 2030.

"Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam cần ưu tiên không chỉ khía cạnh tốc độ của tăng trưởng kinh tế mà còn cả chất lượng của tăng trưởng, vì nền tảng tăng trưởng của Việt Nam cần được củng cố thêm. Do đó, mục tiêu tăng trưởng này nên được coi là định hướng cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2025", ông Shantanu chia sẻ.

Bên cạnh đó, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% dự báo vào tháng 9/2024, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư trong năm 2024.

Sự điều chỉnh này dựa trên hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam, bao gồm cả ngành sản xuất, hiệu suất đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc, được hỗ trợ bởi xu hướng điều chỉnh tiền tệ toàn cầu và giá hàng hóa toàn cầu ở mức vừa phải (bao gồm giá dầu thô).

Thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025

Đề cập tới thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm tới, Giám đốc ADB cho rằng, các cuộc xung đột tiếp diễn ở Trung Đông và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nền kinh tế toàn cầu và khu vực có nhiều bất ổn trong năm 2025, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù đánh giá gần đây của ADB về các kịch bản rủi ro cho thấy những bất ổn này chỉ có tác động khiêm tốn tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, tuy vậy, sự bất ổn này vẫn có thể ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu từ nửa sau của năm 2025, gây ra sự tăng trưởng thấp hơn trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn là một thách thức đối với Việt Nam, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn cần nỗ lực để cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng.

Việt Nam cũng cần phát triển sâu rộng hơn thị trường tài chính, để có thể thu hút các khoản đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng.

"Một vấn đề nữa cần đề cập là những tổn thương do biến đổi khí hậu. Như chúng ta đã thấy vào năm 2024, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho Việt Nam. Chúng ta phải tăng cường đầu tư công và các loại đầu tư khác vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, có thể chịu đựng được xu hướng gia tăng các thách thức về khí hậu", Giám đốc ADB chia sẻ.

Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư công và các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ là cần thiết để tiếp tục kích thích nhu cầu trong nước, trở thành các động lực tăng trưởng bổ sung.

Ngoài ra, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), FinTech và kinh tế số.

Ông Shantanu khuyến nghị, Việt Nam cần phải tập trung vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang gia tăng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn vầu còn nhiều bất ổn và rủi ro, Việt Nam cần đa dạng hóa các động lực tăng trưởng trong năm 2025 và nỗ lực mạnh mẽ hơn để thực hiện hiệu quả các biện pháp kích thích tài khóa, đặc biệt là đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, đồng thời duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.

"Nhìn chung, ADB vẫn rất lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Nếu các cải cách chính sách đang được triển khai hiện nay được thực hiện đúng cách và nhanh chóng. Chúng tôi dự báo một tương lai rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025, đặc biệt là so với các quốc gia láng giềng", ông Shantanu nhấn mạnh.

Việt Nam duy trì vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2024

Đánh giá về kinh tế Việt Nam trong năm 2024, Giám đốc ADB cho rằng, Việt Nam đã đạt được thành công kinh tế đáng kể trong năm 2024.

Nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng ấn tượng đạt 6,8% trong ba quý đầu năm 2024, nhờ vào tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, FDI đạt kỷ lục và các biện pháp chính sách hiệu quả.

Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể lên tới 24,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện cán cân thanh toán. Trong khi đó, giải ngân FDI đạt mức kỷ lục 22 tỷ USD trong cùng kỳ, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển.

"Điều ấn tượng đối với tôi trong những tháng vừa qua là phản ứng kịp thời của Chính phủ đối với những tác động nghiêm trọng của cơn bão số 3 (Yagi)-thông qua các nỗ lực tái thiết nhanh chóng và viện trợ tài chính cho các khu vực bị ảnh hưởng, đã giúp phục hồi nhanh chóng động lực kinh tế", ông Shantanu nhận định.

Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ của Việt Nam, bao gồm việc hỗ trợ tài chính mở rộng và chính sách tiền tệ linh hoạt, đã giúp duy trì sự cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định.

"Tất cả những yếu tố này đã cho thấy khả năng phục hồi và thích ứng của Việt Nam, giúp Việt Nam duy trì vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2024", Giám đốc ADB nhấn mạnh thêm.

Dấu hiệu tích cực từ các cải cách thể chế toàn diện

Ông Shantanu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế, với những dấu hiệu tích cực từ các cải cách thể chế toàn diện gần đây, với những sửa đổi trong các Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng như đầu tư công, đấu thầu, điện lực và quan hệ đối tác công-tư.

"Khi được triển khai, những cải cách này có thể nâng cao hiệu quả bằng cách giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện dịch vụ công và cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thêm các động lực tăng trưởng", Giám đốc ADB bày tỏ.

Việc thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) là một bước đi đúng hướng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng cường khả năng phục hồi tổng thể của nền kinh tế. Ông Shantanu đánh giá cao Chính phủ đã thực hiện những bước đi táo bạo trong việc cải cách Luật này. Đầu tư công là một động lực chính và là một động cơ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng tăng cường phân quyền quyết định xuống các cấp thấp hơn và đơn giản hóa các bước xử lý nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Ngoài ra, các sửa đổi trong Luật Đấu thầu cũng nhằm mục đích hài hòa các chính sách đấu thầu của Chính phủ với các chính sách của các nhà tài trợ ODA. Tất cả những động thái này đều đi đúng hướng và chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý dự án, thúc đẩy dòng vốn thực tế qua cơ chế ODA và từ đó tăng cường đầu tư công, Giám đốc ADB chia sẻ.

Theo Thuỳ Dung (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/adb-duy-tri-quan-diem-tich-cuc-ve-tang-truong-kinh-te-viet-nam-trong-nam-2025-102241225102636434.htm
Từ khóa: