Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Lợi nhuận lao dốc, nhiều công ty chứng khoán 'quay đầu' thua lỗ trong nửa đầu 2025

Thứ ba, 22/07/2025 17:02 (GMT+7)

Nửa đầu năm 2025, nhiều công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sụt giảm đáng kể, thậm chí có đơn vị chuyển từ lãi sang lỗ, trong đó phải kể đến chứng khoán APG, ORS, APS, EVS...

Một số công ty chứng khoán lớn như FPTS và HSC tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh do chi phí hoạt động và lỗ tự doanh.

Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (ORS) với khoản lỗ trước thuế 102 tỷ đồng trong quý II/2025.
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (ORS) với khoản lỗ trước thuế 102 tỷ đồng trong quý II/2025. Ảnh: Internet

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) báo cáo doanh thu hoạt động quý II/2025 đạt 239 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh “hụt hơi”

Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt xấp xỉ 61 tỷ đồng, giảm tới 62%, chủ yếu do hoạt động tự doanh ghi nhận lỗ 9,3 tỷ đồng, trái ngược với mức lãi hơn 60 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lý do chính đến từ khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính ghi nhận âm hơn 35 tỷ đồng, chủ yếu do cổ phiếu MSH. Ngoài ra, doanh thu môi giới giảm gần 37%, chỉ còn 49 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ cho vay và phải thu tăng gần 20%, đạt 173 tỷ đồng – điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo.

Chi phí hoạt động trong quý tăng gần 40% lên 137 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp nghiêm trọng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của FPTS đạt 551 tỷ đồng (giảm gần 9%) và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 214 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của FPTS tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng, đạt 7.043 tỷ đồng, phần lớn là vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng chịu chung “số phận”. Trong quý II, doanh thu gần như “đi ngang” ở mức 1.073 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ còn 192 tỷ đồng, giảm 39%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế giảm 29% xuống 419 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, HSC ghi nhận 2.073 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Mảng cho vay ký quỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với doanh thu 1.022 tỷ đồng, tăng 41% và đóng góp gần 60% tổng doanh thu.

Trái lại, doanh thu môi giới giảm 15%, còn 397 tỷ đồng. Còn mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 15%, đạt 60 tỷ đồng.

Ở mảng tự doanh, HSC ghi nhận doanh thu 218 tỷ đồng, giảm mạnh 35% so với cùng kỳ. Phần lớn danh mục HSC tập trung vào tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao.

Tổng chi phí hoạt động 6 tháng đạt 1.329 tỷ đồng, tăng 33%, kéo lợi nhuận sau thuế về giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo lỗ "đậm"

Một trong những trường hợp đáng chú ý là Công ty Chứng khoán APG. Quý II/2025, doanh thu hoạt động đạt 161,3 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ ròng 6,8 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng lãi.

Dù mảng tự doanh ghi nhận doanh thu 123,9 tỷ đồng, song công ty cũng phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 123,26 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận gần như bằng 0.

Trong khi đó, mảng môi giới gần như “biến mất” với doanh thu chỉ 1,1 tỷ đồng (giảm gần 90%), lại phát sinh chi phí tới 5 tỷ đồng, dẫn đến lỗ gộp gần 4 tỷ.

Chi phí hoạt động tăng đột biến lên 129 tỷ đồng, gấp hơn 85 lần cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, chi phí lãi vay lên tới 24,6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 9,5 tỷ đồng cũng góp phần “bào mòn” lợi nhuận.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, APG ghi nhận lợi nhuân trước thuế 8,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2 tỷ đồng, giảm tới 96% so với nửa đầu năm 2024. Trong khi mục tiêu năm 2025 của công ty là đạt lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, thì sau nửa năm, APG mới hoàn thành chưa đầy 10%.

Về cơ cấu nguồn vốn, APG đã tăng vay nợ trong nửa đầu năm. Nợ phải trả của APG đã tăng từ 269,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.870 tỷ đồng cuối tháng 6/2025, tương ứng gấp gần 7 lần cùng kỳ. Trong đó, có đến 1.836 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn.

Nhưng mức thua lỗ đậm trong ngành ghi nhận tại Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (ORS) với khoản lỗ trước thuế 102 tỷ đồng trong quý II/2025.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, ORS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 291 tỷ đồng, giảm tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm mạnh ở mảng tự doanh, nguồn thu vốn từng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của công ty.

Trong đó, lãi từ tài sản FVTPL (khoản lợi nhuận thu được từ việc đánh giá lại hoặc bán các tài sản tài chính) giảm 75% còn 76 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí hoạt động vẫn duy trì ở mức rất cao, gần 241 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, ORS cũng ghi nhận lỗ trước thuế khoảng 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lãi tới 219 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, ORS báo lỗ nặng như vậy trong một kỳ nửa năm.

Tình hình của ORS không chỉ dừng lại ở con số thua lỗ. Từ tháng 4/2025, cổ phiếu ORS đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo, do báo cáo kiểm toán năm 2024 có ý kiến ngoại trừ từ công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam.

Lý do đến từ việc không thể xác minh khả năng thu hồi khoản phí tư vấn trái phiếu gần 28 tỷ đồng từ các doanh nghiệp có liên quan đến nhóm Bamboo Capital, với tổng giá trị trái phiếu gần 9.000 tỷ đồng mà ORS từng phân phối. Đây là rủi ro pháp lý và tài chính lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và bảng cân đối kế toán của công ty.

Tương tự, Chứng khoán APEC (APS) từ lãi chuyển sang lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý II, còn Everest (EVS) lỗ 8 tỷ đồng, Chứng khoán VTG (VTSS) lỗ hơn 10 tỷ, đảo chiều mạnh mẽ so với cùng kỳ 2024.

Theo Hà Lê (Nhịp sống Doanh nghiệp)
Nguồn: nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn