Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Những bức tranh “châu về hợp phố”

Thứ tư, 13/07/2016 09:06 (GMT+7)

17 bức tranh của những họa sĩ Việt Nam xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từ ngày 10 - 21/ 7/2016, là một sự kiện “châu về hợp phố”, hết sức thú vị...

Múa rồng (họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm).

Hai cô gái (họa sĩ Nguyễn Sáng)

Ông Vũ Xuân Chung (sinh năm 1957, ngụ tại Q.4, TP.HCM), chủ nhân của bộ sưu tập tại Triển lãm những bức tranh từ châu Âu về, kể: Ông vốn là một nhà sưu tầm cổ vật, trước đây hoàn toàn xa lạ với mỹ thuật, vì lĩnh vực này “khó nắm bắt”. Năm 1993, ông được gặp cụ Hà Thúc Cần, vốn là một người yêu mến và chuyên sưu tập tranh của các họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (sáng tác từ cuối 1930 đến cuối 1990) và là người có những đóng góp trong việc quảng bá mỹ thuật Việt Nam ra thế giới.

Qua nhiều lần đàm đạo với ông Cần, ông càng thấy ngưỡng mộ và yêu quý các họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (gọi tắt là Mỹ thuật Đông Dương) và bắt đầu tìm kiếm, sưu tập tranh của họ (cũng như của các họa sĩ Việt Nam). Trong số những người “mê ” dòng tranh Mỹ thuật Đông Dương có một người rất đặc biệt, đó là ông Jean Francoi Hubert (người Pháp).

Ông Hubert là một chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam và làm việc theo 4 hướng: Viết về mỹ thuật Việt Nam, phụ trách triển lãm mỹ thuật Việt Nam, dạy về mỹ thuật Việt Nam và giám định tính thật giả của tác phẩm nghệ thuật (ở hướng này, ông làm việc cho hãng đấu giá tranh hàng đầu thế giới Christtie’s, Hongkong). Không chỉ am hiểu về mỹ thuật Việt Nam, ông Hubert còn sưu tầm tranh của các họa sĩ Việt Nam. Trong một chuyến sang Việt Nam vào năm 2012, tình cờ ông gặp ông Vũ Xuân Chung và cùng tâm đắc về các tác phẩm của các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương... Chính từ chuyến gặp gỡ này, ông Vũ Xuân Chung mới chuyển sang sưu tầm tranh Việt Nam đang “lưu lạc” ở nước ngoài, mà gần nhất là tranh Mỹ thuật Đông Dương trong bộ sưu tập của ông Hubert.

Năm 2013 ông mua được bức Vườn chuối (sơn mài, sáng tác 1978, khổ 90x120 cm) của cố họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988), để rồi 3 năm tiếp theo, ông mua tiếp 17 tác phẩm khác thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương (mỗi tác phẩm đều có giấy chứng nhận bản gốc của nhà sưu tầm Hubert).

Múa vòng (họa sĩ Nguyễn Sáng).

Gà trống (họa sĩ Nguyễn Sáng).

17 bức tranh, qua một hành trình dài vạn dặm, sẽ được ông Vũ Xuân Chung triển lãm tại Bảo tàng TP.HCM. Cũng trong triển lãm này, còn có tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (mới mất cách đây nửa tháng), gồm: Múa rồng (sơn mài, 1974, 80x120 cm), Thánh Gióng (sơn mài, 1980, tròn 30 cm), Thúy Kiều - Kim Trọng (sơn mài, 1987, 70x50 cm), Vẽ ngựa (sơn mài, 1991, 80x80 cm), Vẽ chó (sơn mài, 1994, tròn 43 cm) và Nhảy múa (tranh giấy, 2005, 60x98 cm). Tranh của cố họa sĩ Nguyễn Sáng, ngoài bức Vườn chuối kể trên, còn có: Hai con gà trống (sơn mài, 1976, 45x60 cm), Chân dung thiếu nữ (sơn mài, 1980, 50x70 cm), Múa vòng (sơn mài, 1980, 50x58 cm) và Hai cô gái (sơn mài, 1984, 59x39 cm). Tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988), gồm Nghệ sĩ chèo (sơn dầu, 1969, 38x49 cm) và Đường phố Hà Nội (sơn dầu, 1974, 18x24 cm). Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các họa sĩ khác, mỗi người một tác phẩm, gồm Nguyễn Du câu cá (sơn mài, 1974, 80x120 cm) của Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), Nét duyên dáng (sơn mài, 90x120 cm) của Dương Bích Liên (1924-1988), Trận đánh (sơn mài, 40x60 cm) của Nguyễn Sỹ Ngọc (1919-1990) và tác phẩm Trừu tượng (sơn dầu, 1952, 47x56 cm) của Tạ Tỵ (1922-2004).

Hai nhà sưu tập Vũ Xuân Chung và Hubert.

“Đây không chỉ là những tác phẩm đẹp và quý mà còn vì một cuộc hành trình dài vạn dặm cả thời gian lẫn không gian. Những tác phẩm này đã từ châu Á đến châu Âu và nay trở về Việt Nam. Điều này khiến tôi xúc động và có chút tự hào. Tôi mong rằng ngày càng có nhiều nhà sưu tập cùng với tôi làm công việc này, để công chúng trong nước không phải ra tận hải ngoại mới thưởng ngoạn được những kiệt tác của nền mỹ thuật Việt Nam...” - nhà sưu tập Vũ Xuân Chung nói.

Theo Hà Đình Nguyên (NTD)

NTD So 58 (242)_Page_28

Nguyễn Như
Nguồn: