Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cú sốc trượt lớp 10 công lập vì thiếu 0,25 điểm

Thứ hai, 07/07/2025 15:50 (GMT+7)

Chỉ thiếu 0,25 điểm, nhiều học sinh Hà Nội trượt cả ba nguyện vọng vào lớp 10 công lập, kéo theo những giọt nước mắt, khủng hoảng tâm lý và nỗi day dứt của nhiều gia đình.

Trượt lớp 10 vì thiếu 0,25 điểm

“Chỉ thiếu 0,25 điểm, con đã trượt cả ba nguyện vọng. Tôi không biết nên vui hay buồn, vì dù con học tốt, thi thử điểm cao, kết quả thật vẫn là một cú sốc. Mấy hôm nay, con không ngủ được, mà tôi cũng thế”, chị Trần Thu Hà (42 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) thở dài.

Câu chuyện của chị Hà không phải là cá biệt. Mùa công bố điểm thi lớp 10 ở Hà Nội, nơi có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất nước lại một lần nữa trở thành thời điểm đầy áp lực, thậm chí là khủng hoảng tâm lý với không ít gia đình.

Các sĩ tử tham gia kỳ thi lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Trịnh Hải

Một tháng trước kỳ thi, em Nguyễn Nhật Linh (học sinh lớp 9 trường THCS Tô Vĩnh Diện, Hà Nội) bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, ăn không ngon. Bố của Linh kể: “Con hay kêu đau bụng, buồn nôn, đi khám thì bác sĩ bảo trào ngược dạ dày do căng thẳng tâm lý. Gia đình lo lắm, chỉ mong kỳ thi nhanh kết thúc”.

Nhưng điều khiến người bố hối hận nhất là việc sau khi thi môn Toán xong, anh đã cho con xem đáp án trên mạng. “Thấy con làm sai vài câu, mặt con biến sắc. Đêm đó con thức trắng, sang hôm sau thi môn chuyên thì tinh thần rã rời. Giờ nghĩ lại, tôi chỉ ước giá như mình đừng đưa cho con xem đáp án quá sớm”.

Cũng như nhiều phụ huynh khác, không ngờ rằng chỉ một hành động nhỏ lại có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con mình. Rất may, Linh vẫn đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Đống Đa nhưng trải nghiệm suốt mùa thi vẫn là điều gia đình không muốn lặp lại.

Không may mắn như Linh, con trai chị Yến Nhi (45 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) trượt cả ba nguyện vọng. Điểm số của em không thấp nhưng vẫn không đủ để vào trường mong muốn. “Tôi không nghĩ 23,5 điểm vẫn có thể trượt lớp 10”, chị nói.

Gia đình đang cân nhắc giữa việc cho con học nghề hoặc các trường dân lập, nhưng cậu bé chưa sẵn sàng chấp nhận lựa chọn nào. “Giờ chúng tôi phải vừa động viên vừa tìm hướng phù hợp để con không rơi vào trầm cảm”, chị chia sẻ.

Trường hợp như con chị Nhi không hề hiếm. Theo thống kê, khoảng 23.000 học sinh Hà Nội đã không trúng tuyển vào bất kỳ nguyện vọng nào trong kỳ thi lớp 10 công lập. Con số này phản ánh sự khốc liệt của kỳ thi mà nhiều người ví như “cuộc đấu trí khắc nghiệt hơn cả đại học”.

Trượt công lập không có nghĩa là kém cỏi

Giáo viên chủ nhiệm trường THCS Tô Vĩnh Diện chia sẻ: “Dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng khi thấy học sinh trượt nguyện vọng, tôi vẫn buồn. Có em học rất tốt nhưng thi không đúng phong độ, giờ phải học trường xa nhà hoặc chuyển hướng sang học nghề”.

Vị giáo viên cho rằng, mỗi học sinh cần nhìn nhận thất bại đầu đời như một phép thử, không phải để nản lòng mà để trưởng thành. Có những con đường vòng, xa hơn, nhưng miễn là vẫn nỗ lực, đích đến vẫn trọn vẹn.

Với phụ huynh, đây là lúc cần yêu thương hơn trách mắng, bao dung hơn kỳ vọng. “Một ánh mắt lo lắng, một lời than phiền cũng có thể khiến con thêm áp lực. Hãy để con thấy nỗi buồn này nhỏ như hạt cát, và bên con luôn là một gia đình sẵn sàng đồng hành, chở che”, bà nói.

Giáo dục hiện nay đã mở ra nhiều lựa chọn: học trường tư, học nghề, giáo dục thường xuyên... Điều quan trọng là giữ vững tinh thần và tìm được con đường phù hợp, chứ không nhất thiết phải đi theo một lối mòn định trước.

“Tôi tin, nếu các con được yêu thương đủ đầy, thì dù trượt kỳ thi này, các con vẫn sẽ vững vàng bước tiếp và chạm đến ước mơ của mình”, bà nhấn mạnh.

Nhiều phụ huynh đợi chờ hóng kết quả con sau khi thi. Ảnh: Trịnh Hải

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, với học sinh 15 tuổi, việc trượt lớp 10 công lập có thể là một cú sốc lớn. Nhiều em rơi vào trạng thái buồn bã, im lặng, thậm chí tuyệt vọng. Nhưng theo bà, những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường.

“Không phải kết quả làm các em đau, mà chính là kỳ vọng quá lớn vào một lối đi duy nhất khiến cú ngã trở nên nghiêm trọng”, bà nói.

Bà Hương khẳng định, trượt công lập không có nghĩa là kém cỏi. Thành công thật sự không đến từ một kỳ thi, mà đến từ khả năng thích nghi, vượt khó và biết đứng dậy sau thất bại.

Quan trọng nhất lúc này là phản ứng của cha mẹ: "Một câu chì chiết có thể khiến con tổn thương sâu sắc. Điều các em cần nhất là một lời động viên: 'Không sao, bố mẹ vẫn tin con có thể bước tiếp".

Bà Hương nhấn mạnh: “Đồng hành đúng lúc, không làm thay, không bỏ mặc sẽ là chiếc cầu vững chắc giúp con đi qua giai đoạn chuyển gió này”.

Theo TS Hương, thay vì chỉ hỏi “học trường nào”, học sinh nên tự hỏi: “Mình muốn sống thế nào? Mình học để làm gì?” Trường tư, giáo dục thường xuyên, học nghề… đều là những lựa chọn giá trị nếu đi cùng mục tiêu rõ ràng và có người đồng hành.

“Trượt không đáng sợ. Đáng sợ là đánh mất mình sau cú trượt”, bà nhấn mạnh. Một cánh cửa đóng lại có thể mở ra một con đường khác thú vị hơn. Quan trọng là các em đừng định nghĩa bản thân chỉ qua một kỳ thi.

Cuối cùng, bà nhắn gửi: “Sau mỗi thất bại, hãy học cách hiểu mình hơn, mạnh mẽ hơn. Rồi các em sẽ thấy, đôi khi những điều tưởng là "kết thúc" lại chính là khởi đầu của hành trình trưởng thành”.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn