Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bỏ đình chỉ học: Nhân văn nhưng lo 'thiếu thuốc giải' với học sinh cá biệt

Thứ tư, 21/05/2025 10:34 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất bỏ đình chỉ học sinh là nhân văn nhưng vẫn còn thiếu các quy định đủ sức răn đe, nhất là đối với những học sinh cá biệt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây công bố dự thảo thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh, trong đó bỏ hình thức tạm dừng học có thời hạn. Thay vào đó, học sinh tiểu học sẽ chỉ bị nhắc nhở, xin lỗi; học sinh THCS, THPT có thể bị viết bản kiểm điểm. Mục tiêu là giúp học sinh nhận thức, tự điều chỉnh hành vi mà không bị tổn thương về tinh thần hay nhân phẩm.

Tuy nhiên, quy định mới đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh, giáo viên và chuyên gia giáo dục.

Đình chỉ học gây ra nhiều hệ lụy

Chị Nguyễn Thanh Hà (45 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhớ lại: năm lớp 8, con trai chị từng bị đình chỉ học 3 ngày vì đánh nhau với bạn trong giờ ra chơi. “Chỉ là xô xát nhỏ do hiểu lầm, nhưng khi bị đình chỉ, cháu trở nên mặc cảm, thu mình, thậm chí đòi nghỉ học vì sợ bị bạn bè kỳ thị. Rất may gia đình luôn bên cạnh động viên cháu vượt qua giai đoạn đó”, chị Hà kể.

Từ trải nghiệm này, chị cho rằng: “Trẻ đang ở tuổi vị thành niên rất dễ tổn thương. Nếu bị đẩy ra khỏi trường học trong lúc chưa đủ nhận thức đúng – sai, các con có thể đi lệch hướng. Lỗi càng lớn càng cần được giữ lại trường để được giáo dục”.

Nhiều phụ huynh và chuyên gia cho rằng đình chỉ học gây ra nhiều hệ lụy cho học sinh. Ảnh minh họa: VGP

Đồng quan điểm, chị Mai Thanh, phụ huynh học sinh lớp 6 ở quận Đống Đa, Hà Nội, cho rằng giáo dục phải nhân văn. Khi trẻ con gặp vấn đề, người lớn phải tìm ra giải pháp. Việc đình chỉ học trong nhiều trường hợp cho thấy nhà trường, thầy cô đã “bó tay, bỏ cuộc” chứ không phải cách răn đe để học sinh sợ và hối lỗi.

“Kỷ luật phải dựa trên sự bao dung, tích cực. Trẻ dưới 18 tuổi cần sự dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ có sai sót, bồng bột càng cần được chú ý hơn, tạo điều kiện tốt hơn để sửa chữa, thay đổi, tiến bộ thay vì tách chúng ra một khoảng thời gian”, phụ huynh này nói.

Anh Lê Đức Thành (37 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) kể về con trai mình học lớp 7, từng lấy tiền của bạn để mua đồ chơi. “Con lo lắng, xấu hổ, sợ bị đuổi học”, anh nói. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm đã xử lý một cách tinh tế: gọi riêng học sinh trao đổi, yêu cầu viết bản kiểm điểm, rồi gặp phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục.

“Cách làm này khiến con biết lỗi, nhưng không bị tổn thương lòng tự trọng. Từ đó cháu thay đổi hành vi, không tái phạm", anh Thành chia sẻ.

Nhắc nhở chưa đủ sức răn đe

Một giáo viên trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, với học sinh tiểu học – độ tuổi đang hình thành nhân cách, thì việc rèn giũa, uốn nắn là cần thiết, không nên áp dụng các hình thức kỷ luật nặng nề. Ngay cả việc kiểm tra, đánh giá cũng phải giảm áp lực.

Tuy nhiên, giáo viên thừa nhận thực tế có những tình huống đặc biệt, nếu chỉ nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi sẽ không đủ sức răn đe. Với các lỗi tái phạm nhiều lần, giáo viên thường yêu cầu học sinh viết bản tường trình, cam kết không tái phạm để giúp các em ghi nhớ. Trường cũng kết hợp các phong trào như “Nói lời hay, làm việc tốt”, tuyên truyền đạo đức, tình yêu thương… nhưng vẫn có em vi phạm.

Theo giáo viên, giáo dục học sinh không thể chỉ giao cho nhà trường mà cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình. Thực tế, có trường hợp học sinh không làm bài bị giữ lại lớp vài phút đã khiến phụ huynh phản ứng. Học sinh tiểu học cũng có thể phá hoại tài sản, chửi bậy, đánh bạn, trốn học, nhuộm tóc, nói xấu trên mạng, thậm chí lấy cắp tiền. Những hành vi này nếu không có hình thức xử lý đủ mạnh sẽ làm khó cho giáo viên và ảnh hưởng đến nề nếp học đường.

Theo vị này, "kỷ luật không nước mắt" là chủ trương nhân văn, nhưng nếu không điều chỉnh để phù hợp với thực tế thì thầy cô sẽ càng thêm bị động trong việc quản lý lớp học.

Để các em vừa ý thức được sai lầm, vừa không tổn thương tinh thần, lại là bài toán không dễ. Ảnh minh họa: Trịnh Hải

Ủng hộ chủ trương giảm hình thức kỷ luật nặng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, học sinh vi phạm là điều bình thường, điều quan trọng là thầy cô phải kiên trì uốn nắn để các em thay đổi.

“Trước đây, khi nhiều học sinh bị đình chỉ học theo Thông tư 08, tôi rất trăn trở. Việc thành lập Trường Đinh Tiên Hoàng cũng nhằm tiếp nhận học sinh ‘cá biệt’, tìm cách giúp các em sửa sai”, ông nói.

Theo TS Lâm, kỷ luật nên là một biện pháp giáo dục chứ không phải hình phạt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể áp dụng đình chỉ học tối đa 2 ngày, nhưng không phải để học sinh ở nhà hay lang thang mà vẫn phải đến trường thực hiện lao động công ích, suy ngẫm và sửa lỗi.

Bên cạnh kỷ luật, ông nhấn mạnh nhà trường cũng cần quy định rõ các hình thức khen thưởng để học sinh nhận thức được sự công bằng: vi phạm thì bị xử lý, còn nỗ lực thì được ghi nhận.

Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, kỷ luật học sinh cần hướng tới sự nhân văn, mục tiêu là giáo dục và uốn nắn, chứ không phải trừng phạt. Các hình thức như bêu tên trước lớp, trước trường đã không còn phù hợp.

Tuy nhiên, theo bà, nếu chỉ áp dụng những hình thức xử lý nhẹ nhàng như nhắc nhở hay viết bản kiểm điểm thì sẽ khó răn đe, đặc biệt với học sinh thường xuyên vi phạm. "Một lớp có 35-45 học sinh, chỉ cần 1-2 em gây rối mà không có biện pháp đủ mạnh thì sẽ làm cả lớp mất trật tự, ảnh hưởng chất lượng học tập", bà nói.

Vì vậy, TS Hương đề xuất cần có những hình thức kỷ luật nhân văn nhưng mang tính răn đe như: quét dọn lớp học, đọc sách thư viện và viết thu hoạch. Quan trọng hơn, các hình thức này nên được quy định rõ trong thông tư để nhà trường có cơ sở áp dụng đồng bộ, tránh tình trạng “ngại xử lý”.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn