Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
Nhiều nhà giáo dục đề xuất nếu có ưu đãi nên dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội.
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Với đề xuất này, căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hằng năm là hơn 9.200 tỉ đồng.
Còn nhiều đối tượng khó khăn hơn
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đánh giá dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí cho con em nhà giáo từ bậc mầm non đến đại học là một đề xuất nhân văn và thể hiện sự quan tâm của xã hội đến nhà giáo. Tuy nhiên, dù là người trong cuộc, cá nhân ông không mong quy định này được áp dụng trong thực tế.
Ông cho rằng nghề giáo không nên có quyền lợi dị biệt mà hãy bình đẳng như các nghề khác. Nếu có thể, hãy quy định miễn học phí cho con nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. "Theo tôi, trước mắt ngân sách nhà nước nên dành để miễn giảm học phí cho con em các dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em mồ côi, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật... Khi có điều kiện thì có thể mở rộng dần đối tượng miễn giảm học phí. Nếu toàn dân được đi học mà không phải đóng học phí hoặc được giảm học phí thì tôi rất mừng" - vị hiệu trưởng này đề xuất.
Với tư cách người trong cuộc, chị Nguyễn Hoàng Lam, giáo viên một trường THPT ở TP HCM, cho biết thu nhập của chị cũng không cao nhưng chị không đồng tình với đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Nhiều ngành nghề khác, số đông vẫn có thu nhập không ổn định. Phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều người khó khăn, lương công nhân chỉ 6-8 triệu đồng/tháng, chi phí thuê nhà, sinh hoạt, tiền học cho con là hết. So với họ, đời sống giáo viên có thể không giàu nhưng ổn định hơn rất nhiều. Đề xuất ưu tiên không chỉ gây áp lực cho nhà giáo mà còn có thể tạo nên sự thiếu bình đẳng, phân biệt giữa các nghề nghiệp. "Tôi tin nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có chung suy nghĩ này, không cần đến ưu tiên miễn học phí. Trước mắt, nếu ngân sách có tích lũy, hãy dành để tăng thêm phụ cấp giáo viên ở miền núi, hải đảo hay miễn giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn" - giáo viên này gợi ý.
Tương tự, thầy Phạm Kim Dũng, giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B (TP Hà Nội), cho rằng đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo là rất tốt. Tuy nhiên, trước mắt nên dành ưu tiên cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... cần thiết hơn.
Nên miễn học phí ở các bậc học
Không ít chuyên gia giáo dục cho rằng cần tính toán kỹ trước đề xuất của Ban Soạn thảo Luật Nhà giáo. Một ý kiến cho rằng nhà giáo đã được nhận đủ lương như những cán bộ, công nhân viên thuộc các ngành nghề khác. Thậm chí lương của nhà giáo hiện nay cũng không thấp, việc miễn học phí như vậy là tạo ra sự không công bằng giữa các ngành nghề.
Luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (TP Hà Nội), cho rằng nghề giáo là một nghề cao quý nhưng sao chỉ con của nhà giáo mới được hưởng chính sách này? Những ngành nghề khác, ví dụ như đội ngũ y - bác sĩ, họ cũng cống hiến cho xã hội rất nhiều, tại sao lại không được hưởng. "Tôi tin sẽ có nhiều ý kiến cho rằng tại sao con nhà giáo và con của những người làm ngành nghề khác có sự khác biệt? Tại sao con nhà giáo được miễn học phí còn những ngành khác thì không? Đó là câu hỏi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải trả lời vì nếu không sẽ sinh ra đặc quyền, đặc lợi trong ngành giáo dục" - luật sư Trịnh Đức Tiến nói.
Ông cũng cho rằng để bảo đảm công bằng, Bộ GD-ĐT nên tính đến phương án nếu ngân sách cho giáo dục tăng lên thì miễn giảm học phí cho học sinh THCS, THPT trên cả nước. Hiện nhà giáo đã được tăng lương, nếu tiếp tục miễn học phí cho con nhà giáo nữa thì lại thiệt thòi cho các học sinh khác.
Cũng chung quan điểm này, một giảng viên của ĐHQG Hà Nội đề xuất nên miễn học phí cho con những người nghèo chứ không chỉ miễn cho con nhà giáo. "Quan điểm cá nhân tôi là nên tiến dần tới miễn học phí cho các bậc học từ thấp đến cao. Tôi không nghĩ con mình cần miễn học phí, chính sách này nên dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội. Khi kinh tế phát triển, đất nước đủ điều kiện thì tiến tới miễn học phí cho học sinh toàn quốc" - giảng viên này bày tỏ ý kiến.
-
Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi về chất lượng bữa ăn bán trú
-
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
-
Sắp diễn ra kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025
-
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trường quốc tế Mỹ Việt Nam
-
Học sinh lớp 8 bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng dã man
-
Phát hoảng với học sinh… ôn thi học kỳ