Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản mất chức vì phát ngôn 'chưa từng phải mua gạo'
Thứ tư, 21/05/2025 09:24 (GMT+7)
Trong bối cảnh giá gạo tăng vọt và người dân lo lắng, phát ngôn "chưa từng phải mua gạo" của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã gây ra làn sóng phẫn nộ, buộc Thủ tướng phải thay thế vị trí này.
Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng gạo nghiêm trọng, được xem là tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua. Giá lương thực chủ chốt này không ngừng leo thang, gây áp lực nặng nề lên đời sống của người dân. Tuy nhiên, giữa lúc khó khăn đó, một phát ngôn thiếu suy nghĩ từ quan chức cấp cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ của công chúng.
"Tôi chưa từng phải mua gạo" - Lời nói gây bão
Vào ngày 18/5, khi tham dự một sự kiện chính trị tại tỉnh Saga, Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, ông Taku Eto đã gây sốc khi phát biểu: "Tôi chưa từng phải mua gạo". Ông còn giải thích thêm rằng kho nhà ông luôn đầy ắp gạo do những người ủng hộ gửi tặng, thậm chí còn thừa để bán. Lời nói này được thốt ra với vẻ thiếu suy nghĩ và dửng dưng, ngay lập tức bị xem là sự coi thường nỗi khổ của người dân đang phải vật lộn với giá gạo tăng cao.
Ông Taku Eto. Ảnh: Jiji
Phát ngôn của ông Taku Eto nhanh chóng lan truyền và hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ các đảng đối lập, vốn ví ông như "phiên bản của Maria Antoinette" - vị nữ hoàng Pháp được cho là đã nói câu nổi tiếng "Hãy cho họ ăn bánh" khi người dân đói bánh mì. Dù sau đó ông Taku Eto đã tìm cách sửa lời, giải thích rằng vợ ông có mua gạo định kỳ, nhưng việc ông từ chối "rút lại" phát ngôn gốc càng làm tăng thêm sự bất mãn.
Thủ tướng cảnh cáo nghiêm khắc nhưng không đủ
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Thủ tướng Ishiba Shigeru đã triệu kiến ông Taku Eto đến Phủ Thủ tướng vào ngày 19/5. Ông Ishiba đã trực tiếp đưa ra cảnh cáo nghiêm khắc và công khai xin lỗi người dân, thừa nhận rằng phát ngôn của ông Taku Eto là "có vấn đề" và ông cảm thấy lấy làm tiếc với tư cách là người bổ nhiệm. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Thủ tướng vẫn quyết định giữ ông Eto ở lại vị trí Bộ trưởng.
Quyết định của Thủ tướng không đủ để xoa dịu tình hình. Sang ngày hôm sau, năm đảng đối lập lớn, dẫn đầu là Đảng Dân chủ Lập hiến, đã liên minh lại và đưa ra yêu cầu chính thức về việc thay thế Bộ trưởng Nông nghiệp. Họ thậm chí còn đe dọa sẽ đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông Taku Eto tại Quốc hội.
Trong bối cảnh Đảng Dân chủ Tự do hiện chỉ là đảng cầm quyền thiểu số, khả năng kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua là rất cao nếu phe đối lập đoàn kết. Điều này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn. Do đó, Thủ tướng Ishiba đã phải đưa ra một quyết định khó khăn để ngăn chặn tình hình xấu đi. Việc ông Taku Eto lỡ lời lại đụng chạm đến vấn đề kinh tế - xã hội nhạy cảm nhất hiện nay (giá gạo) cũng được các nhà quan sát xem là yếu tố khiến ông Ishiba cần hành động nhanh chóng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.
Theo NHK, sáng 21/5, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto xác nhận ông đã nộp đơn từ chức vì phát ngôn thiếu trách nhiệm của mình. "Tôi đã đưa ra một phát biểu cực kỳ không phù hợp vào thời điểm người dân đang phải chịu cảnh giá gạo tăng cao", ông Eto nói với các phóng viên sau khi nộp đơn từ chức tại văn phòng thủ tướng.
Koizumi Shinjiro: Hy vọng mới cho Bộ Nông nghiệp
Chỉ sau hơn 7 tháng nhậm chức Bộ trưởng Nông nghiệp trong Nội các Ishiba lần thứ hai, ông Taku Eto đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị của mình vì một câu nói. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Ishiba phải thay đổi thành viên nội các kể từ khi nhậm chức.
Ông Koizumi Shinjiro. (Ảnh: Japanforward)
Vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản sẽ được bàn giao cho ông Koizumi Shinjiro, 44 tuổi. Ông là con trai của cựu Thủ tướng nổi tiếng Koizumi Junichiro và được xem là một ngôi sao đang lên của Đảng Dân chủ Tự do. Ông đã kế nhiệm cha mình làm Hạ nghị sĩ từ năm 2009 và tái đắc cử 6 lần. Năm 2019, ông từng trở thành một trong những Bộ trưởng Môi trường trẻ nhất trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến và đã có kinh nghiệm làm việc trong cả Nội các Abe và Suga.
Ông Koizumi Shinjiro cũng đã thể hiện thực lực chính trị đáng nể khi tranh cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do năm ngoái và giành được nhiều phiếu bầu từ các nghị sĩ hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác trong vòng đầu tiên. Với kinh nghiệm từng là Chủ tịch Tiểu ban Nông nghiệp của đảng, ông được cho là am hiểu các vấn đề nông nghiệp và được kỳ vọng sẽ là lựa chọn phù hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng giá gạo hiện tại và cải thiện hình ảnh của chính quyền.
Giữa lúc giá gạo tăng vọt gây áp lực nặng nề lên đời sống người dân, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Eto Taku đã lỡ lời phát biểu "chưa bao giờ phải mua gạo", châm ngòi cho làn sóng phản ứng mạnh mẽ.
Trong bối cảnh giá gạo tại Nhật Bản tăng vọt, du khách Nhật Bản bất chấp thủ tục kiểm dịch phức tạp, mua gạo ở các siêu thị Hàn Quốc với giá rẻ hơn một nửa.
Thị trường gạo Nhật Bản bất ngờ tăng hơn gấp đôi, khiến người tiêu dùng quay lưng, giúp gạo Đài Loan (Trung Quốc) lên ngôi, gạo Hàn Quốc tái xuất sau 25 năm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5 với sắc đỏ trên cả ba chỉ số chính, chấm dứt chuỗi 14 ngày tăng liên tiếp của Dow Jones.
Giữa lúc lo ngại về hiệu quả kinh doanh, CEO Tesla Elon Musk đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư, khẳng định cam kết gắn bó với hãng xe điện và hé lộ kế hoạch thay đổi trong chi tiêu chính trị.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất cho vay cơ bản trong bối cảnh bất ổn kinh tế dai dẳng, nỗ lực tìm cách thúc đẩy nhu cầu và bình ổn thị trường giữa lúc đình chiến thương mại.
Trong bối cảnh kinh tế chịu áp lực từ cạnh tranh thương mại, Trung Quốc đang dồn lực vào việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Lễ hội mua sắm 618 sắp tới được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động và lo ngại về chiến tranh thương mại, giới nhà giàu tại Mỹ đang tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn và bất động sản siêu sang với giá từ 10 triệu USD trở lên đang trở thành lựa chọn hàng đầu.