Chậm cổ phần hóa DNNN: Xử nghiêm trách nhiệm cá nhân

Thứ sáu, 23/08/2019, 10:02 AM

Các chuyên gia đề nghị thực hiện nghiêm việc xử lý với cả người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hoá và người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tại cuộc tọa đàm "Cổ phần hóa: Đúng pháp luật nhưng phải nhanh" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 22/8, các khách mời cho rằng tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm tiến độ có nguyên nhân từ sự thiếu quyết tâm, tâm lý e ngại của những người đứng đầu.

Chính vì thế, các chuyên gia đề nghị trong thời gian tới, cần thực hiện nghiêm việc xử lý với cả người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hoá và người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh thể chế, chính sách còn nhiều lỗ hổng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là những vướng mắc trong quản lý đất đai.

Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm sáng 22/8.

Các khách mời tham gia cuộc tọa đàm sáng 22/8.

Tuy vậy, theo ông Long đây chưa hẳn là lý do chính. Lấy trường hợp của Tập đoàn Cao su làm ví dụ, tập đoàn này quản lý hàng trăm ngàn ha đất trải khắp từ Bắc đến Nam song vẫn thực hiện cổ phần hoá đúng tiến độ.

"Vì vậy, vai trò và sự quyết liệt của người đứng đầu doanh nghiệp hết sức quan trọng", ông Long nói và nhấn mạnh, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn tâm lý e ngại trong việc thực hiện cổ phần hóa, còn tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá. Đặc biệt, vẫn còn tư tưởng né tránh trách nhiệm, sợ va chạm nên chưa làm quyết liệt, mạnh mẽ do cơ chế, chính sách liên quan còn nhiều lỗ hổng, chưa rõ ràng.

Cùng đưa qua quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc "sợ mất chỗ" sau cổ phần hoá chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ các cán bộ trình độ năng lực còn hạn chế.

Ngay từ giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu xử lý người đứng đầu doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ cổ phần hoá. Sang giai đoạn 2016-2020, chỉ thị 04/2017 và chỉ thị 01/2019 đã xác định rõ trách nhiệm và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiệm hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá.

Song thực tế, việc xử lý người đứng đầu không hoàn thành cổ phần hoá theo tiến độ hầu như chưa có trường hợp nào. Đây là lý do khiến những người đứng đầu không cảm thấy e ngại.

"Tôi cho rằng, cần thực hiện nghiêm việc xử lý đối với người đứng đầu, không chỉ là người đứng đầu doanh nghiệp cổ phần hoá  mà còn cả người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu", ông Trung phân tích.

Ngoài ra, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp cho rằng, cần hoàn thiện quy định pháp luật, các thể chế về việc xử lý các hành vi làm chậm tiến độ cổ phần hoá để làm căn cứ thực hiện.

Hồng Đăng

Theo baodatviet.vn