Rộ nạn lừa tiền qua các ứng dụng cho vay online

Thứ tư, 16/10/2024, 16:05 PM

Bên cạnh chiêu thức lập trang trên Facebook (fanpage) mạo danh ngân hàng, công ty tài chính, gần đây, những kẻ lừa đảo tiếp tục thiết kế ứng dụng (app), lập trang web mạo danh để chiếm đoạt tiền của người vay. Các app, website này có giao diện y hệt của ngân hàng, công ty tài chính.

Vẫn chiêu thông báo lỗi, yêu cầu nộp tiền

Mới đây, do cần tiền gấp, chị T.K.H. (quận 5, TPHCM) lên mạng xã hội Facebook tìm nơi để vay. Chị được một người tự nhận là nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB Bank), giới thiệu khoản vay 50 triệu đồng qua app MB - một ứng dụng mạo danh MB Bank.Sau khi điền đầy đủ thông tin trên ứng dụng này, chị H. nhận thông báo khoản vay đã được giải ngân về ví điện tử. Tuy nhiên, khi chị chuyển tiền về tài khoản ngân hàng thì ứng dụng thông báo đã nhập sai số căn cước công dân (CCCD) dù chị đã kiểm tra kỹ trước đó và chắc chắn đã nhập đúng. Nhân viên mạo danh trên yêu cầu chị nộp 10 triệu đồng lệ phí tạm ứng để chỉnh sửa thông tin, tiền tạm ứng kèm số tiền vay sẽ được cộng vào tài khoản; nếu không nộp thì khoản vay không được giải ngân và chị vẫn phải trả tiền gốc, tiền lãi hằng tháng cho ngân hàng. Sau đó, nhân viên này liên tục gọi điện làm phiền khiến chị rất lo lắng. Gọi điện cho tổng đài MB Bank, chị mới biết đó là ứng dụng lừa đảo.

Rất nhiều ứng dụng mạo danh ngân hàng, công ty tài chính rao cho vay với hạn mức cao, điều kiện vay dễ để “bẫy” người cần vay tiền

Rất nhiều ứng dụng mạo danh ngân hàng, công ty tài chính rao cho vay với hạn mức cao, điều kiện vay dễ để “bẫy” người cần vay tiền

Cũng với kịch bản tương tự, những kẻ lừa đảo đã chiếm đoạt của anh T.M.T. (TP Thủ Đức, TPHCM) 160 triệu đồng. Cụ thể, khi tìm các điểm vay trên Facebook, anh T. được giới thiệu vay 60 triệu đồng qua app cho vay có tên Mcredition, na ná tên của ứng dụng Mcredit của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei. Sau khi khoản vay được phê duyệt, anh T. bấm nút rút tiền tài khoản thì gặp lỗi nhập sai số tài khoản người nhận. Lúc đó, một người tự xưng tên Nam - nhân viên chăm sóc khách hàng của Mcredition - gọi điện thoại, yêu cầu anh T. nộp 20 triệu đồng tạm ứng làm phí ủy quyền để sửa thông tin, tất cả sẽ được giải ngân cùng khoản vay. Nam cũng gửi văn bản có dấu mộc đỏ của công ty (văn bản giả) để anh T. tin tưởng, sau đó tiếp tục gọi điện thông báo rằng anh đã nhập sai cú pháp nội dung chuyển tiền, yêu cầu tiếp tục nộp tạm ứng 40 triệu đồng nữa để sửa thông tin, sồ tiền này sẽ được hoàn đầy đủ khi giải ngân. Nam còn giả bộ đưa điện thoại cho một đối tượng khác để người này mắng té tát nhằm thao túng tâm lý anh T.

  “Khi thấy tài khoản đã cộng đủ 120 triệu đồng (60 triệu đồng tiền vay và 60 triệu đồng tiền tạm ứng), tôi làm thao tác rút tiền thì tiếp tục nhận được thông báo vi phạm hợp đồng vì đã rút tiền tạm ứng trước khi rút tiền vay. Tới đây, tôi tiếp tục bị mắng té tát, yêu cầu phải nộp phí bảo lãnh 50 triệu đồng nữa. Cứ như vậy, tổng số tiền mà tôi phải vay mượn bạn bè để rót vào ứng dụng này là 160 triệu đồng” - anh T. kể.

Công an TP Hà Nội đang điều tra về việc chị N. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) bị lừa chiếm đoạt gần 400 triệu đồng khi đăng ký vay 150 triệu đồng qua một ứng dụng mà chị tải về từ đường liên kết (link) do nhóm lừa đảo gửi. Ứng dụng này cũng thông báo khoản vay đã được giải ngân nhưng sau đó viện lý do chị N. nhập sai thông tin rồi yêu cầu chị chuyển khoản nhiều lần.

Không bấm vào link lạ để tải ứng dụng

Từ phản ánh của một số nạn nhân, chúng tôi vào fanpage “Tư vấn viên MB Bank” (mạo danh MB Bank). Trang này rao cung cấp khoản vay từ 20-500 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp, chỉ cần CCCD và số tài khoản ngân hàng. Nếu vay 20 triệu đồng trong 12 tháng thì tiền trả góp cả gốc và lãi là 1,78 triệu đồng/tháng, nếu vay 500 triệu đồng trong 48 tháng thì tiền trả góp cả gốc và lãi là 10,52 triệu đồng/tháng. Bên dưới nội dung quảng cáo còn thể hiện thông tin “106.205 người đã nhận được khoản vay” để kích thích người vay bấm vào nút đăng ký.

Khi liên hệ với trang này, chúng tôi được yêu cầu tải một ứng dụng theo link do quản trị viên của trang cung cấp, có giao diện giống hệt ứng dụng của MB Bank nhưng link chứa rất nhiều ký tự lạ. Một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng yêu cầu chúng tôi tạo tài khoản đăng nhập, mật khẩu, cung cấp các thông tin CCCD, liên kết ứng dụng với tài khoản ngân hàng mà chúng tôi đang dùng. Thực tế, nếu người dùng nhấp vào đường dẫn này, có thể bị chiếm toàn bộ thông tin cá nhân như tài khoản Facebook, tài khoản ngân hàng, bởi link này chứa mã độc.

Những kẻ lừa đảo còn giả dạng người đi vay tiền có kinh nghiệm chia sẻ lại các app dễ vay, dễ xù nợ trên các diễn đàn vay tiền trực tuyến. Dưới bài viết này, có nhiều bình luận xin link các app này để đăng ký khoản vay, có cả những bình luận khoe vừa đăng ký khoản vay thành công, kèm hình ảnh chụp màn hình về lịch sử các khoản vay qua các app này nhằm dẫn dụ người dùng truy cập vào các link lừa đảo.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam - cho biết, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), việc tạo website hay app mạo danh là rất dễ dàng. Đây là nguyên nhân khiến các app, website giả mạo xuất hiện tràn lan. Trên mạng xã hội Facebook, đang rộ lên các nhóm cho thuê, bán app ảo. Các app này có giao diện giống hệt app chính danh của các ngân hàng, công ty tài chính. Khi người dùng nhập thông tin cá nhân, trên giao diện app cũng hiện ra thông báo biến động số dư giống như app của ngân hàng nhưng đây chỉ là số ảo trên ứng dụng.

Theo ông, các app giả mạo không có sẵn trong kho ứng dụng của điện thoại như Google Play của hệ điều hành Android và App Store của hệ điều hành iOS mà thường nằm ở các đường dẫn do những kẻ lừa đảo gửi. Khi tải lên điện thoại và cấp quyền hoạt động, các ứng dụng giả mạo này sẽ hoạt động ngầm trong điện thoại. Ngay cả khi điện thoại tắt màn hình, kẻ lừa đảo vẫn có thể điều khiển từ xa để thực hiện các giao dịch chuyển tiền, đánh cắp toàn bộ tiền trong tài khoản.

Theo Thanh Hoa (phunuonline)

largeer