Parkson “ngã ngựa” và sự trỗi dậy của các đối thủ
Việc Parkson thất thủ trên thị trường bán lẻ Việt Nam đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, trước tác động từ hành vi của chính người tiêu dùng.
“Hoàng hôn” Parkson
Ông Savich Aniyah, một tiểu thương người Malaysia 51 tuổi đến Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã được 15 năm. Cuộc sống xa quê của ông tại Hà Nội được an ủi phần nào khi có các doanh nhân đồng hương đầu tư các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đình đám ở Việt Nam như Tập đoàn Berjaya của tỷ phú Vincent Tan, hay các trung tâm thương mại lớn với thương hiệu Parkson. “Mỗi lần nhìn thấy ở đâu có tấm biển gắn chữ Parkson là tôi tự hào lắm. Gia đình tôi thường xuyên vào đó mua sắm đồ khi có nhu cầu”, Aniyah cho biết.
Giờ đây, mỗi lần ngang qua phố Thái Hà (Hà Nội), hay gặp gỡ đối tác ở gần toà nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, Hà Nội), Aniyah không khỏi nuối tiếc, vì logo Parkson đã không còn hiện diện.
“Parkson từng là tay “chơi ngông” nhất thị trường và là mối đe dọa với các đối thủ tại nước ngoài. Nhưng biết sao được. Thời thế thay đổi. Họ phải thích ứng hoặc nhường chỗ cho đối thủ”, Aniyah nói.
Tiểu thương người Malaysia này càng thất vọng hơn, khi đầu năm 2018, Parkson lại tiếp tục đóng cửa thêm trung tâm thương mại Parkson Flemington, nằm tại khu vực sầm uất của TP.HCM. Đây là trung tâm thứ tư trong hệ thống Parkson tại Việt Nam bị đóng cửa, sau Parkson Paragon tại TP.HCM, Parkson Keangnam và Parkson Viet Tower tại Hà Nội.
Giống như ông Aniyah, ấn tượng về Parkson đối với Lê Cảnh Bích Hạnh, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thời trang nữ Vascara thật khó phai mờ. Parkson từng là lựa chọn hàng đầu của Vascara mỗi khi mở thêm cửa hàng mới. 4 - 5 năm trước, Vascara có mặt ở hầu hết các trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam, nhưng giờ đây gần như đã rút hết.
Vì sao những khu thương mại hoành tráng như Parkson lại trở thành “trung tâm trống không” vì vắng bóng khách hàng?
Hàng loạt điểm yếu của Parkson lần lượt được chỉ ra. Đầu tiên, việc trung thành với mô hình hoạt động department store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến chuỗi này lép vế hơn rất nhiều so với mô hình shopping mall hay shopping center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm, đáp ứng đầy đủ nhu cầu, tiện ích cho khách hàng, từ mua sắm với siêu thị tổng hợp, đến ăn uống, vui chơi, xem phim...
Kế tiếp, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson. Song, thách thức lớn nhất nằm ở chỗ, chi phí ngày càng lớn, trong khi miếng bánh thị trường buộc phải chia cho nhiều đối thủ mới hơn và đáng gờm hơn, khiến nhà bán lẻ này đuối sức trong nửa thập niên qua.
2017 là một năm không mấy thuận lợi với Parkson Retail Asia, công ty mẹ của hệ thống Parkson tại Việt Nam. Theo báo cáo tài chính năm 2017, Parkson Retail Asia có doanh thu 745 triệu USD, trong đó phần đến từ mảng kinh doanh chính là 312 triệu USD, nhưng lỗ ròng 46 triệu USD. Trong ba năm gần đây, thì có 2 năm Parkson Retail Asia ghi nhận lỗ: năm 2015, doanh nghiệp này lỗ 40 triệu USD; sau năm 2016 khởi sắc hơn với lợi nhuận ròng 21,6 triệu USD, Parkson Retail Asia lại quay đầu báo lỗ vào năm 2017. Liên tiếp thua lỗ khiến Parkson phải đóng cửa một loạt trung tâm thương mại, trong đó có các trung tâm tại Việt Nam.
Mặc dù đại diện Công ty TNHH MTV Thương mại và Bất động sản Thùy Dương, chủ đầu tư Parkson Flemington cho biết, việc tạm dừng hoạt động trung tâm thương mại Parkson Flemington không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam, nhưng điều này cho thấy, áp lực thật sự đã và đang đè nặng lên nhà quản lý trung tâm thương mại đến từ Malaysia này. Dự đoán, việc đóng cửa thêm một vài trung tâm nữa của Parkson trong thời gian tới chỉ là vấn đề thời gian.
Mô hình nào “ăn tiền”?
Những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các trung tâm mua sắm vẫn đang khiến các nhà bán lẻ rầm rộ triển khai các dự án tiền tỷ, nhằm theo đuổi “văn hóa tiêu dùng cao cấp” đang ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Thậm chí, nhiều trung tâm thương mại “sống sót” nhờ việc bán không gian bán lẻ cho các chuỗi thương hiệu lớn trên thế giới như Gucci, Chanel, Versace, D&G, Burberry, Hermès, Dior, Louis Vuitton. Họ không cần lượng khách tiêu dùng bình dân hay những chủ cửa hàng bình thường đến thuê mặt bằng, bởi vì những thương hiệu lớn có thể bù lại khoản lãi khác.
Mặc dù vậy, cú ngã ngựa của Parkson đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, khi hành vi của chính người tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt. Thậm chí, người dân nghèo đô thị đã hiện diện trong những tính toán của các tập đoàn bán lẻ.
Theo giới quan sát, hành vi, thói quen, năng lực, sở thích tiêu dùng của khách hàng tại các khu vực là khác nhau và điều này ảnh hưởng mạnh đến việc vận hành của department store, vốn tuân thủ những nguyên tắc nhất định, khó thay đổi. Sự giới hạn về diện tích (thường dưới 20.000 m2) cũng là một điểm khó của mô hình này, bởi không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm.
Trong khi đó, với diện tích từ 45.000 đến hơn 60.000 m2, mô hình shopping mall (hay complex center, khu phức hợp với định nghĩa one-stop shopping - trải nghiệm mua sắm cộng thêm khu vực ăn uống, làm đẹp, siêu thị, thậm chí cả trường học, ngân hàng…) trở thành lựa chọn của không chỉ riêng các tín đồ mua sắm, mà còn thỏa mãn nhu cầu giải trí của các gia đình, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Những nguyên nhân trên đã góp phần tạo nên sự dịch chuyển rõ rệt của người tiêu dùng từ department store sang shopping mall. Không chỉ tại Việt Nam, mô hình department store cũng đang trở nên yếu thế tại các thị trường khác ở châu Á và thế giới.
Đó cũng là lý do những trung tâm thương mại mới mở gần đây kết hợp hai mô hình department store và shopping mall có sức sống hơn. Lotte Center, Saigon Centre-Takashimaya Mall, Aeon Mall hay Vincom đều đã được thuê hết ngay trong những tháng đầu tiên mở cửa.
Trong đó, sự xuất hiện và đổi mới của Vincom được cho là nguyên nhân khiến Parkson phải thu mình nhanh nhất. Hiện nay, trên “mặt trận” trung tâm thương mại, Vincom trở thành “ông lớn” mạnh nhất trên thị trường, khi sở hữu diện tích bán lẻ cho thuê lớn nhất Việt Nam, với 46 trung tâm thương mại tại 22 tỉnh, thành phố lớn. Dự kiến, trong năm 2018, “ông lớn” này sẽ mở mới tới hơn 50 trung tâm mua sắm trên toàn quốc để mở rộng độ phủ. Không chỉ là lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu quốc tế lớn khi muốn xuất hiện tại thị trường bán lẻ Việt Nam, Vincom còn là nơi mà các thương hiệu thuần Việt luôn muốn xuất hiện.
Gần đây, Vincom đã cho ra đời hai khu vực department store dành cho thời trang và mỹ phẩm, nằm trong các shopping mall hiện đại, giúp các thương hiệu có thêm lựa chọn khi đưa sản phẩm của mình vào kinh doanh.
Một tên tuổi khác, Aeon Mall, với tiềm lực lớn từ Tập đoàn Aeon tại Nhật Bản và cách làm chỉn chu bài bản, dịch vụ tốt, cũng đã cho ra đời 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam và đang chuẩn bị cho ra đời trung tâm thương mại thứ 6 tại TP. Hải Phòng. Các trung tâm thương mại Aeon Mall là sự kết hợp của shopping mall to lớn, department store đủ rộng và cao cấp, khu vực ẩm thực đa dạng và khu đại siêu thị với nhiều mặt hàng khác nhau.
Bên cạnh đó, Saigon Centre do Keppel Land quản lý, cùng đối tác Takashimaya - thương hiệu bán lẻ nổi tiếng tại châu Á, đã cho ra đời một phức hợp trung tâm mua sắm cao cấp với cả hai hình thức shopping mall và department store. Lotte Shopping Centre cũng đang tham vọng sẽ cho ra đời những trung tâm lớn và hiện đại tại TP. HCM và Hà Nội trong thời gian tới. Như vậy, các thương hiệu và người tiêu dùng sẽ có thêm rất nhiều sự lựa chọn.
Câu chuyện thất bại của Parkson, một trong những thương hiệu bán lẻ đẳng cấp và xa xỉ bậc nhất ở Việt Nam suốt hơn một thập kỷ qua, cho thấy, thị trường này vô cùng hấp dẫn, nhưng quá khốc liệt. Vì vậy, các thương hiệu rất cần sự linh động, chuyển mình đi trước nhu cầu của người tiêu dùng một bước.
Anh Hoa - Bích Ngọc
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường