Những vai diễn trùng lắp số phận của nghệ sĩ Hồng Sáp
Hình ảnh mụ phù thuỷ già độc ác trong loạt phim truyện cổ tích Việt Nam, hay người đàn bà nghèo khó say rượu trong “Xóm cào cào” hẳn đã rất quen thuộc với nhiều khán giả màn ảnh nhỏ. Tưởng chừng đó chỉ đơn thuần là số phận của các nhân vật nhưng với nghệ sĩ Hồng Sáp là cả một phần cuộc đời của bà. Cùng lắng nghe người nghệ sĩ già trải lòng về cuộc sống hiện tại ở tuổi 81.
PV: Nghe giọng thì bà có vẻ không phải người gốc Sài Gòn, vậy quê bà ở đâu?
- Nghệ sĩ Hồng Sáp: Tôi sinh ở Hà Nội đến năm 8 tuổi tôi theo cha mẹ vào Nam sống tới tận bây giờ. Đời tôi gặp nhiều bấp bênh, từ nhỏ đã cùng cha mẹ “rày đây mai đó” đi hát khắp nơi. Không bao lâu thì cha mẹ tôi mất, rồi tôi đi lấy chồng sớm. Chồng của tôi là nghệ sĩ đàn, ông mất sớm, để lại cho tôi bảy người con nhưng bốn người đã mất vì bệnh, ba người còn lại cũng khổ như tôi.
PV: Cuộc sống hiện tại của bà thế nào?
- Tôi sống cùng con trai lớn, năm nay 56 tuổi, nó không lấy vợ vì cái nghèo, nó lo cho tôi cho nó còn chưa xong lấy đâu ra mà nuôi vợ con. Tôi còn có đứa cháu nội, năm nay 20 tuổi, ba mẹ nó mất sớm vì nghèo khó nên phải nghỉ học giữa chừng, giờ nó đi nhặt banh cho người ta phụ tôi trang trải kinh tế.
Ngày trước, tôi sống trong đình Nhơn Hoà nhưng từ khi đình trở thành di tích lịch sử, tôi phải thuê nhà trọ ở cầu Kênh Tẻ quận 7. Tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước cứ xoay vòng khiến cuộc sống của tôi khó khăn vô cùng.
PV: Bà đã gắn bó với đình Nhơn Hòa này bao lâu?
- Ngày xưa, tôi theo gánh hát Huỳnh Long – Bạch Mai rồi đi tới đây. Ở đình này từng là sân khấu, sau khi giải phóng thì sân khấu cũng không còn nhưng vào các dịp lễ lớn người ta vẫn có dựng sân khấu lên để hát cúng Tổ. Tuy không còn ở đây nữa nhưng hễ cứ ai mà kiếm tôi là đều đến cái đình Nhơn Hoà này.
Đều đặn mỗi ngày nếu không đi diễn tôi đều tranh thủ đi xe ôm qua đây để lau dọn, thắp nhang cho bàn thờ Tổ, đến Rằm thì tôi cúng trái cây. Nhiều người nói tôi không có tiền thì để dành tiền mà sinh hoạt nhưng tôi nghĩ tôi sống được là nhờ Tổ nên không tính toán chi li những chuyện đó. Tôi tin mình sống bằng cái tâm thì Tổ vẫn sẽ thương mình.
PV: Gần đây bà có tham gia vai diễn nào không?
- Tôi vừa mới đi Châu Đốc tham gia Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhưng tôi chỉ tham gia bên phục trang thôi chứ không đi còn đi diễn như ngày xưa nữa. Bây giờ, khi đạo diễn có những vai bà già thì họ bảo tôi đi quay. Ngoài ra, tôi cũng được mời diễn trong những clip ca nhạc, vai bà già nghèo khó trong những bài hát đồng quê vì họ thấy tôi có mái tóc bạc trắng và khuôn mặt khổ cực. Sắp tới, ngày 15/5 âm lịch, bên Đình Nhơn Hòa có lễ giỗ ông Lãnh Binh Thăng, tôi cũng được mời hát một xuất.
PV: Những vai diễn ngày xưa đã để lại ấn tượng gì trong bà?
- Tôi từng hát trong tuồng cải lương hồ quảng: “Sấm dậy hận lòng thơ”, “Tấm Cám”, “Lá chắn biên thùy”, “Tình sử A Nàng” nhưng đặc biệt là tôi toàn đóng vai ác, vai nghèo khổ, chắc là do mặt tôi hung dữ quá. Tôi còn nhớ người ta cho tôi đóng vai bà Chằn, rồi quỷ ma chuyên ăn thịt người, để vào vai đó người ta hóa trang làm tóc tôi rối bù dựng hết lên để nhìn thật dữ, đến khi về tôi gội mà tôi nhức hết cả đầu, có nhiều kỷ niệm lắm.
Phim cổ tích “Hoàng tử cứu mẹ” tôi đóng vai bào lão móc mắt người ta, phim đó được quay ở Đà Lạt, quay chung với ông Mạc Can. Giờ nghĩ mình cũng đã lớn tuổi, nên để cho thế hệ sau, còn tôi lui về phía sau trợ giúp. Nhiều nghệ sĩ trẻ thấy thương, kính nể nên cho tôi chút tiền uống nước, đi lại cũng phần nào trang trải được cuộc sống của tôi. Có nhiều hôm đi theo đoàn thấy mệt nhưng nghe tụi nhỏ động viên: “Má! Má sông lâu lâu một chút rồi má đi quay tuồng cho tụi con coi nha, sống tới 90 tuổi nha!” nghe mà quên đi mệt mỏi.
PV: Giờ mong muốn lớn nhất của bà là gì?
- Mấy chục năm nay, tôi không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, đến cả sổ hộ khẩu vẫn không có, cũng may có tấm thẻ hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu TP HCM và được mấy anh em nghệ sĩ giúp đỡ nên tôi có giấy tạm trú tạm vắng. Đứa cháu nội thì may mắn có được giấy khai sinh vì có tên trong sổ hộ khẩu bên ngoại.
Còn mỗi đứa con trai hơn 50 tuổi vẫn chưa có căn cước công dân, chỉ có mỗi tờ giấy chứng minh tạm trú do không có hộ khẩu nên việc đi lại rất bất tiện. Giờ chỉ mong con của tôi sớm có được giấy căn cước thì tôi mới yên lòng. Riêng tôi, năm nay 81 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời” nên tôi cũng không mong ước gì cho mình nữa.
PV: Trong đời mình bà có điều gì khiến bà nuối tiếc?
- Khi còn trẻ tôi được rất nhiều người săn đón, có những người rất giàu có. Ngày đó, nếu tôi chọn họ tôi sẽ phải lấy chồng sớm và không được hát nữa và tôi đã chọn hát. Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ có lẽ mình hơi tiếc vì không chọn một cuộc sống tốt hơn nhưng nghĩ lại ca hát đã là cái nghiệp của mình và đã chọn thì phải theo. Giờ tôi già rồi mà vẫn nghèo khổ, không nhà cửa. Cuộc đời của tôi đã khổ mà kéo luôn con cháu cũng khổ theo tôi.
PV: Cảm ơn bà vì câu chuyện đã chia sẻ, chúc bà thật nhiều sức khoẻ để có thể sống vui cùng con cháu!
Bài & ảnh: Trúc Phạm – Thanh Nhung
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch