Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Nông sản Việt bứt tốc trên nền tảng thương mại số

Thứ tư, 02/07/2025 15:08 (GMT+7)

Từ vải thiều Bắc Giang đến na Võ Nhai, chè Tân Cương (Thái Nguyên), mận hậu... livestream bán hàng đang trở thành “vũ khí mới” giúp nông sản Việt tăng tốc trên thị trường số, giữ giá tốt, giảm phụ thuộc thương lái.

Không giới hạn thời gian chốt đơn, tiếp cận tệp khách hàng đa vùng miền, tiết kiệm chi phí trung gian… là những lợi thế khiến livestream bán hàng ngày càng được nhiều địa phương lựa chọn trong xúc tiến thương mại, đặc biệt với các mặt hàng cần tiêu thụ nhanh, số lượng lớn.

Với các hệ thống phân phối mạnh về logistics và chuỗi cung ứng, hình thức này còn được triển khai song song với các điểm chuyển hàng lưu động, giới thiệu sản vật địa phương, giúp người dân ngồi một chỗ cũng có thể thưởng thức bữa cơm đủ hương vị vùng miền.

Bán hàng theo combo qua livestream cũng đang là xu hướng được nhiều nhà vườn áp dụng. Hình thức này giúp giữ được giá cao, tránh bị thương lái ép giá nhờ rút ngắn chuỗi trung gian. Tuy nhiên, đi kèm đó là chi phí nhân công, đóng gói và rủi ro bị "bom hàng" - tức khách đặt nhưng không nhận, khiến người bán có thể gánh thiệt hại về chi phí vận chuyển và nguyên liệu.

Dù vậy, nhiều hợp tác xã và hộ nông dân vẫn đánh giá livestream bán hàng theo combo là giải pháp khả thi, vừa quảng bá sản phẩm, vừa chủ động được giá đầu ra, nâng cao nhận diện thương hiệu nông sản địa phương.

Tiêu biểu, trong chuỗi hoạt động của “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Tự hào nông sản Việt”, ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (Bắc Giang cũ) đã trực tiếp tham gia livestream bán vải thiều vào sáng 29/6. Xuất hiện trước ống kính, ông Thịnh giới thiệu sản phẩm, trả lời câu hỏi của khách hàng và "chốt đơn" liên tục. Sự xuất hiện của ông Thịnh đã giúp tiêu thụ hàng chục tấn vải thiều tới các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...

Đồng chí Phạm Văn Thịnh (áo trắng) cùng các nhà sáng tạo nội dung livestream bán vải thiều tại vườn ở xã Phì Điền (Lục Ngạn). Ảnh: Báo điện tử tỉnh Bắc Giang

Theo chính quyền tỉnh, hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là dấu ấn đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp trong thời đại số. “Mỗi lượt xem, mỗi chia sẻ, mỗi đơn hàng được chốt chính là sự cổ vũ lớn lao đối với người nông dân, là động lực để tỉnh tiếp tục phát triển nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững”, ông Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Tại Thái Nguyên, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, Sở Công Thương địa phương đang triển khai hàng loạt giải pháp bài bản, đẩy mạnh kết nối thương mại, phát triển thương hiệu nông sản và xúc tiến tiêu thụ qua nền tảng số.

Theo Sở Công Thương Thái Nguyên, tỉnh đã tập trung nâng cấp hạ tầng thương mại tại khu vực vùng cao với việc xây mới 2 chợ, cải tạo 8 chợ nông thôn, tổng vốn đầu tư trên 8,6 tỷ đồng. Song song đó là 8 hội chợ triển lãm lớn, 3 phiên chợ vùng cao, 4 chương trình kích cầu nội địa và hơn 80 sự kiện thương mại toàn quốc có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp địa phương.

Trong giai đoạn 2021 - 2024, hàng loạt mô hình nổi bật đã được triển khai như: Kết nối tiêu thụ na Võ Nhai, gà đồi Phú Bình, chè VietGAP kết hợp du lịch sinh thái, gian hàng tỉnh Thái Nguyên trên Shopee… Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng TikTok, Shopee tổ chức nhiều chương trình đào tạo livestream bán hàng, giúp người dân và hợp tác xã mở gian hàng, chủ động tiếp cận người tiêu dùng qua sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Không dừng lại ở xúc tiến bán hàng, Thái Nguyên còn đẩy mạnh liên kết sản xuất - phân phối thông qua hợp tác với các hệ thống siêu thị lớn như BigC, WinMart, Co.opmart… giúp nhiều đặc sản như chè, miến, nấm, tinh bột nghệ có mặt trên kệ hàng cả nước.

Tỉnh cũng hỗ trợ trên 150 cơ sở công nghiệp nông thôn với các đề án khuyến công, cung cấp máy móc, cải tiến kỹ thuật, phát triển nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc. Hơn 1,7 triệu tem truy xuất, 3,8 triệu tem nhận diện sản phẩm an toàn và 1.500 huy hiệu OCOP đã được cấp trong giai đoạn 2021 - 2024.

Chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh với việc thiết lập các gian hàng số trên Postmart, Voso, Shopee. Mô hình tuyến phố thương mại điện tử tại TP Thái Nguyên đang được thí điểm như một “không gian TMĐT” kết hợp giữa kinh doanh trực tiếp và trực tuyến, giúp rút ngắn khoảng cách từ vùng sản xuất đến thị trường tiêu dùng.

Với cách tiếp cận đồng bộ, chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ số, các địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên đang từng bước đưa nông sản đặc sản vươn xa, giữ được giá trị và thị trường ổn định. Những mô hình livestream - TMĐT không chỉ tăng doanh số, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng để chinh phục thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn