Những “rào cản” làm khó doanh nghiệp kiều bào

Thứ hai, 12/08/2019, 09:41 AM

Theo nguyện vọng của nhiều doanh nhân kiều bào, họ rất muốn đẩy mạnh đầu tư vào nhiều lĩnh vực, góp phần làm tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên hiện nay quá trình này còn gặp phải nhiều vướng mắc.

Quy định của Thông tư 23 về hạn chế nhập khẩu thiết bị, linh kiện đã qua sử dụng với tuổi thọ không quá 5 năm.

Quy định của Thông tư 23 về hạn chế nhập khẩu thiết bị, linh kiện đã qua sử dụng với tuổi thọ không quá 5 năm.

Là một kiều bào Úc và đang muốn đầu tư nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, ông Châu Bá Long, Tổng Giám đốc CTCP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, cho biết ông khá lo lắng về các chính sách thuế đánh vào các mặt hàng, cụ thể là ô tô và mô tô.

“Hiện tại tôi quan tâm nhiều đến chuyện luật thuế mới áp dụng cho nhập khẩu ô tô và mô tô, nhất là những quy định của Thông tư 23 về hạn chế nhập khẩu thiết bị, linh kiện đã qua sử dụng với tuổi thọ không quá 5 năm. Trước đây mặt hàng này được miễn thuế, nay lại áp thuế bằng, thậm chí cao hơn giá mua tại Việt Nam gây khó khăn cho doanh nghiệp muốn đầu tư” - ông Long nói.

Cùng ý kiến, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết, những máy móc chuyển về Việt Nam thường mức giới hạn sử dụng là 20 năm nhưng bên thuế chỉ cho 5 năm thôi - những cái này quá uổng phí.

Bên cạnh đó nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, ngân hàng, công nghệ tin học đang được rất nhiều kiều bào kỳ vọng đầu tư lại bị hạn chế bởi một số chính sách, thủ tục và điều kiện thuận lợi khi kinh doanh.

GS. TS Đặng Lương Mô, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng than thở, ở Việt Nam hiện nay vấn đề đầu tư rất khó, vì nhiều vướng mắc về cơ chế luật pháp, các quy định ngày càng siết chặt khiến các nhà đầu tư dài hạn rất e dè.

Chính sách thuế, hải quan đang dần được tháo gỡ tuy nhiên hệ thống thuế, hải quan nên chia sẻ với bà con kiều bào nhiều hơn vì luật thuế và hải quan liên tục thay đổi, để tiếp cận không phải dễ dàng. Nếu có những buổi mời gặp mặt trao đổi, cung cấp thông tin thì nên mời sớm hơn để bà con kiều bào sắp xếp thời gian về đông đủ, thường chỉ báo trước 1 tuần để chuẩn bị cũng khá khó khăn” - ông Peter Hồng trăn trở.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 1.000 doanh nghiệp có vốn của kiều bào đầu tư tại TP.HCM với tổng vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng (tương đương 1,8 tỷ USD) thuộc nhiều lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, sản xuất, thương mại, xây dựng... và có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn mở rộng lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, còn khá nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư nhưng vẫn khá e ngại bởi những chính sách, nhất là về thuế và hải quan liên tục thay đổi mà chưa có phương pháp thiết thực hỗ trợ cho kiều bào tiếp cận.

Còn theo chia sẻ từ đại diện Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, vướng mắc hàng đầu mà hầu hết các kiều bào gặp phải nếu muốn đầu tư vào Việt Nam, là phải chứng minh và được cấp chứng nhận quốc tịch. Tuy nhiên, quá trình này hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bởi những thay đổi mới về cơ quan cấp chứng nhận và thời gian. Nếu trước đây được giảm số ngày cấp chứng nhận từ 10 ngày xuống 1 ngày nhưng nay đã thay đổi và phải qua nhiều cấp xác nhận và tốn thời gian hơn. Đồng thời một số quyền lợi cũng bị hạn chế do đa quốc tịch.

Nhiều kiều bào cũng phản ánh các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn quá nhiều, chiếm đến 35% lượng hàng hóa hiện nay và còn phải qua nhiều cơ quan kiểm tra gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer