Khi trí tuệ nhân tạo vẽ tranh bán đấu giá
Năm 1931, Nguyễn Công Hoan công bố truyện ngắn Người ngựa, ngựa người để biểu trưng cho tình trạng phương tiện hóa con người, nơi mà các giá trị lao động trước đó đang bị đảo lộn triệt để.
Viện Tương lai nhân loại thuộc Đại học Oxford và Đại học Yale tiên liệu rằng tới năm 2049, AI (người máy) đã có thể sáng tác những tiểu thuyết bán chạy, giống như các nhà văn hàng đầu. Vậy là tình trạng “máy người, người máy” sẽ diễn ra trong khoảng 30 năm nữa (hoặc nhanh hơn). Khi ấy, con người thì khá giống máy móc, còn máy móc thì khá giống con người…
Đừng nghĩ AI chỉ biết làm những việc có tính chính xác và máy móc cứng nhắc, vì tháng 10/2018 này, nhà đấu giá danh tiếng Christie's sẽ lần đầu tiên đấu giá một tác phẩm hội họa do AI sáng tác. Tác phẩm có tên Chân dung của Edmond Belamy, một Edmond Belamy của trí tưởng tượng, nghĩa là AI không sao chép lại hiện thực. Khi đã gọi là sáng tác, thì phải bảo đảm sự sống động, phi máy móc và bất toàn, dù tranh do máy móc vẽ ra.
Nghệ sĩ đích thực khác nghệ nhân đích thực ở sự bất toàn này, theo nghĩa họ khó có thể lặp lại sáng tạo của mình hàng chục, hàng trăm lần, mà giống y như cũ. Về nguyên tắc, sáng tạo là sự tổng hòa của kỹ năng đặc biệt, sự độc sáng (originally), tính sống động và tính bất toàn… AI đang dần đáp ứng được điều này. Nghĩa là nó không thể vẽ, đúng hơn, không muốn vẽ lại Chân dung của Edmond Belamy giống y như cũ khi có yêu cầu, nên tác phẩm mà Christie's đưa ra đấu giá cũng bảo đảm được tính độc bản và độc sáng.
Nhìn bức chân dung vị mục sư với nhiều phần còn dang dở, ta cứ ngỡ là tranh đang vẽ của một họa sĩ nào đó. Chính sự “dang dở” này là tính người của AI, chứ nó mà làm hoàn chỉnh và lặp lại trăm lần như một thì đó chỉ là cỗ máy chính xác. Trí tuệ nhân tạo đang cố gắng mô phỏng bộ não, với cảm xúc, cảm hứng và sức khỏe trồi sụt giống như con người.
Nói nôm na, AI cũng sẽ tự biết vui buồn, kiểu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” mà không cần phải dùng một lệnh lập trình để “ép” nó buồn.
Khi Jules Verne (1828-1905) công bố những tiểu thuyết viễn tưởng của mình, thì tại Pháp đã có vô số ý kiến cho rằng đây chỉ là tân thần thoại, tân cổ tích - theo nghĩa không bao giờ thành hiện thực. Bối cảnh thế giới lúc ấy, đa số các nước còn đi kiệu, đi xe ngựa, chưa tiếp xúc với cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Chỉ vài chục năm sau ngày Jules Verne qua đời, tất cả những điều viễn tưởng của ông đã thành hiện thực. Thậm chí những tàu ngầm, tàu không gian, phi thuyền, truyền hình trực tiếp, súng điện… nay đã là vấn đề khá thường thức.
Một chuyện hơi viễn tưởng và điên rồ từng xảy ra tại Mỹ năm 2014, khi Chris Sevier kiện chính quyền bang Utah vì họ từ chối cho anh kết hôn với chiếc máy tính xách tay. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, năm 2017, vương quốc Saudi Arabia đã cấp quyền công dân cho robot sử dụng trí tuệ nhân tạo Sophia. Đây là người máy đầu tiên trên thế giới được công nhận là con người. Mà đã là con người, việc kết hôn với người sẽ sớm là hiện thực. Đây cũng sẽ là bối cảnh sống, là tân văn hóa, tân lịch sử mà loài người đang đối diện…
Vô Ưu
-
Quy định về thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại từ ngày 01/12/2024
-
Thông tư của Bộ Y tế quy định về sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 6 tuổi phải kê khai giá
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh định danh cuộc gọi để ngăn ngừa lừa đảo trên không gian mạng
-
Xử phạt Công ty Cổ phần ShopeePay 25 triệu đồng
-
Vì sao ngành chăm sóc sắc đẹp thu hút học sinh?
-
Giá vàng hôm nay, 12-11: Tiếp tục “bốc hơi” dữ dội