Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Phụ huynh chi bạc triệu mỗi tháng thuê gia sư dạy lớp tiền tiểu học

Thứ năm, 10/07/2025 15:52 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi cả chục triệu thuê gia sư dạy trước lớp 1, hy vọng con không tụt lại. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo học trước lợi bất cập hại nếu không đúng cách.

Chi tiền triệu mua trước kiến thức

Tháng 9 này, con trai đầu lòng của chị Trần Nhung (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) sẽ chính thức bước vào lớp 1. Thay vì đợi đến năm học mới, ngay từ sau Tết, chị đã dành thời gian tìm giáo viên dạy tiền tiểu học cho con.

“Ngày xưa, tôi đi học lớp 1 chỉ cần biết mặt chữ là đủ. Giờ trẻ con đi học, nhiều bé đã đọc vanh vách, tính toán nhanh như máy. Tôi sợ con bị tụt lại, tự ti với bạn bè nên quyết định đầu tư cho con học trước”, chị Nhung chia sẻ.

Sau khi hỏi thăm bạn bè, chị Nhung tìm được một giáo viên từng dạy trường điểm, có nhiều kinh nghiệm rèn trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Mỗi tuần, con trai chị học 2 buổi, mỗi buổi 90 phút, giá 450.000 đồng/buổi. Tính ra, riêng khoản học trước này, gia đình chị mất gần 4 triệu đồng mỗi tháng.

“Tiền bạc thì vợ chồng tôi có thể gồng gánh thêm, nhưng quan trọng nhất là con không bị chậm hơn bạn bè. Học 1 kèm 1 nên tôi yên tâm. Cháu được luyện từ cách cầm bút, viết chữ, làm quen số, ghép vần... Cứ thế mà tự tin bước vào lớp 1”, chị Nhung nói.

Nhiều phụ huynh lo con bị hụt hơi so với bạn bè khi bước vào lớp 1. Ảnh: Trịnh Hải

Cũng trong tâm lý sợ con “không theo kịp”, chị Phạm Thu Trang (36 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đã cho con gái 6 tuổi học tiền tiểu học từ đầu hè.

“Con bạn tôi năm ngoái không học trước, mới vào lớp 1 mà hai mẹ con tối nào cũng khóc, mẹ thì cáu gắt, con thì sợ học. Tôi không muốn rơi vào cảnh đó”, chị Trang kể.

Mỗi buổi học, chị Trang chi 400.000 đồng thuê cô giáo đến nhà dạy, tuần 3 buổi, tập cho con ngồi học nghiêm túc, làm quen nề nếp trường lớp. “Học chữ, học số chỉ là một phần, tôi muốn con quen kỷ luật học tập, không còn bỡ ngỡ khi vào lớp 1. Mỗi ngày nhìn con tiến bộ là tôi thấy đáng đồng tiền bát gạo”, chị nói.

Vợ chồng chị Mai Anh (40 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cũng vừa quyết định dành gần 10 triệu đồng cho con gái nhỏ học lớp tiền tiểu học suốt ba tháng hè.

“Ban đầu tôi cũng phân vân vì con còn nhỏ, hè thì nên cho đi chơi. Nhưng rồi nghe chị bạn kể cảnh con chị ấy sốc khi vào lớp 1, tối nào cũng vật lộn học bài, tôi sợ con mình cũng thế”, chị Mai Anh chia sẻ.

Theo chị, số tiền bỏ ra không nhỏ nhưng coi như “đầu tư” cho con đỡ bỡ ngỡ, tự tin ngay từ buổi đầu đến trường. “Tôi không đặt nặng chuyện con phải đọc viết thành thạo, quan trọng là cháu quen được giờ giấc, ngồi học nghiêm túc, không sợ trường lớp. Nhìn cháu hào hứng mở sách tập tô chữ, tôi cũng yên tâm hơn”, chị Mai Anh nói.

Không riêng gia đình chị Nhung, chị Trang,.. chuyện phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền triệu thuê gia sư dạy trước lớp 1 đang rất phổ biến ở Hà Nội. Nhiều người chấp nhận chi hàng chục triệu đồng trong 2-3 tháng hè, với hy vọng con không bị “hụt hơi” ngay từ ngày đầu đến trường.

Biến "học chữ" thành "nhồi chữ" dễ phản tác dụng

Theo cô Nguyễn Hương Thảo, giáo viên trường tiểu học Thịnh Hào, Hà Nội, thực tế việc cha mẹ bỏ tiền cho con học trước khi vào lớp 1 không phải điều gì mới lạ, nhất là ở các thành phố lớn. Phụ huynh thường lo con mình “đi chậm” hơn bạn bè nên tìm mọi cách cho con học chữ, làm toán sớm để tự tin hơn.

Tuy nhiên, điều mà nhiều cha mẹ hay quên là giai đoạn tiền tiểu học không chỉ đơn giản là học chữ hay tính toán. Quan trọng hơn cả là chuẩn bị nề nếp học tập: tập cho trẻ biết ngồi học đúng tư thế, nghe cô giáo giảng, hiểu cách giơ tay phát biểu, làm bài theo yêu cầu - những kỹ năng tưởng nhỏ nhưng rất khó hình thành nếu không rèn từ sớm.

Cô Thảo cho rằng, khi trẻ bị ép học chữ, học tính toán quá sớm, não bộ trẻ dễ bị “bội thực” kiến thức không phù hợp độ tuổi. Kết quả là khi vào lớp 1, các em dễ nảy sinh tâm lý chủ quan vì “biết rồi”, từ đó mất hứng thú nghe giảng. Thậm chí, nhiều em sinh ra chán học, không còn thấy trường lớp thú vị nữa.

Hậu quả có thể kéo dài nhiều năm, vì nếu trẻ mất thói quen tập trung ngay từ lớp 1, thầy cô và cha mẹ sau này phải vất vả gấp nhiều lần để chỉnh lại.

Do đó, theo cô Thảo, nếu cha mẹ muốn con không bỡ ngỡ thì thay vì nhồi kiến thức trước, hãy ưu tiên rèn tâm lý sẵn sàng, nề nếp học tập, và duy trì cho con sự háo hức đến trường. Đây mới là nền tảng bền vững cho những năm tiểu học sau này.

Khi trẻ bị ép học chữ, học tính toán quá sớm, não bộ trẻ dễ bị “bội thực” kiến thức. Ảnh: Trịnh Hải

Đồng quan điểm, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc cho trẻ học trước lớp 1 không sai nếu mục tiêu là chuẩn bị tâm lý, nề nếp học tập và kỹ năng tự lập, ví dụ như ngồi học nghiêm túc, biết lắng nghe, tập trung, bớt ham chơi so với giai đoạn mầm non. Đây là “nền móng” quan trọng giúp trẻ không bỡ ngỡ khi chuyển cấp.

Tuy nhiên, nếu phụ huynh quá nôn nóng, biến “học trước” thành “nhồi chữ”, ép trẻ học đọc, viết, tính toán vượt mức phát triển, thì dễ phản tác dụng. Trẻ có thể nhanh chán học, mất hứng thú đến lớp vì bài học không còn mới mẻ. Thậm chí, việc biết chữ trước dễ khiến trẻ chủ quan, lơ đãng nghe giảng, hình thành thói quen mất tập trung.

Hệ quả lâu dài là trẻ không còn háo hức đến trường, nặng hơn có thể sợ học. Trong khi đó, điều quan trọng nhất của tuổi tiểu học là hình thành tinh thần tự giác, yêu thích khám phá. Nếu bố mẹ thay vì tạo động lực mà lại “mua trước kiến thức”, trẻ sẽ mất cơ hội tự học, tự phát triển kỹ năng quan sát, phản xạ và sáng tạo - những yếu tố còn giá trị hơn nhiều so với việc đọc viết sớm vài tháng.

“Trẻ học trước chỉ hơn bạn bè trong vài tuần, sau đó sẽ ngang bằng lại. Phụ huynh nên tập trung rèn kỹ năng và tinh thần cho con. Nhồi nhét quá sớm chỉ khiến con mất thời gian vui chơi, giảm khả năng sáng tạo”, TS Hương nhấn mạnh.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn