Hai công ty thâu tóm Cát Bà Amatina liên quan gì MIK Group?
Chủ nhật, 13/07/2025 07:10 (GMT+7)
Hai công ty liên quan MIK Group vừa trở thành cổ đông lớn của Vinaconex ITC - chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina.
Lộ diện nhà đầu tư mới của dự án Cát Bà Amatina
Theo đó, Công
ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha và Công ty Imperia An Phú vừa trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ
phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã chứng khoán
VCR), chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina.
Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Hà Nội Anpha đã mua
vào hơn 48,4 triệu cổ phiếu VCR, tương đương 23,06% vốn điều lệ của Vinaconex
ITC, qua đó chính thức gia nhập danh sách cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Trước giao dịch này, Hà Nội Anpha không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại VCR.
Dự án khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà. Ảnh: Vinaconex
Thương vụ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận vào ngày 3/7, với toàn
bộ 48,4 triệu cổ phiếu VCR được chuyển nhượng, đúng bằng khối lượng mà Hà Nội
Anpha đã mua. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 2.402 tỷ đồng, tương đương mức giá
trung bình khoảng 49.600 đồng/cổ phiếu – cao hơn khoảng 10% so với giá giao
dịch trong phiên sáng ngày 8/7 (45.000 đồng/cổ phiếu).
Hà Nội Anpha là doanh nghiệp do ông Vũ Đình Chiến nắm giữ 90% vốn. Ông Chiến
là một trong hai nhà sáng lập MIK Group và hiện đảm nhiệm các vị trí chủ chốt
tại một số công ty có liên quan đến MIK Group như Delta Hà Nội (tiền thân là
MIK Hà Nội) và SV Holdings.
Hà Nội Anpha thành lập tháng 11/2014. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong
lĩnh vực môi giới và sàn giao dịch bất động sản, khá kín tiếng trên thị trường.
Thời điểm tháng 1/2021 doanh nghiệp thực hiện tăng vốn điều
lệ từ 370,9 tỷ đồng lên 956,9 tỷ đồng. Tới tháng 12/2024, Hà Nội Anpha tiếp tục
tăng vốn lên 1.056,9 tỷ đồng. Tại thời điểm tháng 6/2025, vốn điều lệ của doanh
nghiệp ở mức 1.056,9 tỷ đồng, cổ đông góp gồm: ông V.Đ.C góp 956,17 tỷ đồng (90,468%), Bùi Bích Hạnh gốp
50,37 tỷ đồng (4,766%) và Nguyễn Thị Hoa góp 50,37 tỷ đồng (4,766%).
Trong khi đó, Công ty Imperia An Phú cũng vừa trở thành cổ đông lớn của
Vinaconex ITC sau khi mua vào hơn 50,23 triệu cổ phiếu. Doanh nghiệp này do ông
Vũ Kim Toán làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Toán hiện
giữ vai trò điều hành tại một loạt công ty liên kết với MIK Group như Bình Minh
Land, Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu Đông, HBI…
Được thành lập từ năm 2014, MIK Group hiện là
chủ đầu tư nhiều dự án chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng tại Hà Nội, TP HCM và Phú Quốc (nay thuộc tỉnh An Giang
sau sáp nhập địa giới hành chính).
Việc xuất hiện các cổ đông mới tại Vinaconex ITC diễn ra ngay sau khi công
ty mẹ – Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) – thông
qua kế hoạch thoái toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR, tương đương 51% vốn. Mức
giá chào bán tối thiểu được công bố là 48.000 đồng/cổ phiếu. Nếu giao dịch
thành công toàn bộ, Vinaconex có thể thu về hơn 5.140 tỷ đồng.
Dự án 15 năm trầy trật
Vinaconex ITC là chủ đầu tư dự án khu đô
thị Cát Bà Amatina tại đảo Cát Bà (Hải Phòng), còn gọi là Khu đô thị Cái
Giá – Cát Bà, với tổng quy mô 172,37 ha và tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.941
tỷ đồng.
Khởi động đầy tham vọng từ giai đoạn 2009–2010, dự án Cát Bà Amatina từng được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại đảo Cát Bà (Hải Phòng). Khi đó, chủ đầu tư – Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) cho biết, đã bán thành công khoảng 95% số lượng biệt thự tại hai phân khu trọng điểm là Tùng Thu và Bazzar Avenue.
Tuy nhiên, việc triển khai dàn trải cùng chiến lược sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong bối cảnh thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã khiến dự án nhanh chóng rơi vào trạng thái đình trệ. Kể từ năm 2012, Vinaconex ITC liên tục báo lỗ hoặc chỉ ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn, chủ yếu do áp lực lãi vay và nghĩa vụ bảo lãnh đầu tư liên quan đến dự án này.
Trước những khó khăn tài chính kéo dài, Vinaconex ITC từng nhiều lần kiến nghị UBND TP Hải Phòng cho phép gia hạn nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, đồng thời đề xuất được triển khai kinh doanh đất nền tại các khu vực đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, các giải pháp này không đem lại kết quả đáng kể, và dự án tiếp tục rơi vào trạng thái “đóng băng”.
Ngày 2/3/2017, khi UBND huyện Cát Hải ban hành Thông báo số 54/TB-UBND, yêu cầu Vinaconex ITC tạm dừng triển khai dự án Cát Bà Amatina. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh có một nhà đầu tư khác đề xuất nghiên cứu và lập quy hoạch tổng thể cho toàn bộ quần đảo Cát Bà, theo định hướng phát triển bền vững.
Không chấp nhận bị loại khỏi cuộc chơi, Vinaconex ITC liên tục gửi văn bản tới lãnh đạo thành phố Hải Phòng, cam kết khắc phục những tồn tại và nỗ lực giành lại quyền tiếp tục triển khai dự án. Đến cuối năm 2020, sau nhiều năm “án binh bất động”, dự án Cát Bà Amatina chính thức được tái khởi động, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 10.941 tỷ đồng, dự kiến nâng lên tới 1 tỷ USD.
Theo quy hoạch, Cát Bà Amatina sẽ được phát triển thành khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa quy mô lớn, tận dụng vị trí chiến lược độc đáo của đảo Cát Bà – nơi giao thoa giữa Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Cát Bà.
Chưa đầy ba năm sau ngày tái khởi động, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) đã quyết định rút lui khỏi dự án Cát Bà Amatina.
Tháng 10/2023, Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) thông qua nghị quyết thanh lý trước hạn hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty mẹ Vinaconex, được ký kết từ tháng 6/2021 liên quan đến phân khu CT02 và các hạng mục hạ tầng kết nối. Theo thỏa thuận, Vinaconex ITC sẽ tiếp nhận lại các tài sản đã thế chấp, đồng thời có trách nhiệm hoàn trả cho Vinaconex khoản tiền 2.200 tỷ đồng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 30/9/2023. Vinaconex cũng cam kết phối hợp với các tổ chức tín dụng để thực hiện giải chấp phần tài sản thuộc quyền sở hữu của Vinaconex ITC.
Thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi dự án đã được Vinaconex đề cập từ Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2023. Tại thời điểm đó, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex kiêm Chủ tịch Vinaconex ITC không còn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng lợi nhuận “nghìn tỷ mỗi năm” như từng tuyên bố vào năm 2019. Thay vào đó, ông thẳng thắn thừa nhận thị trường đang bước vào giai đoạn đặc biệt khó khăn.
Ngày 23/1/2024, ông Đào Ngọc Thanh chính thức gửi đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex ITC với lý do cá nhân, đánh dấu thêm một bước ngoặt lớn trong hành trình vốn đã nhiều biến động của dự án Cát Bà Amatina.
Mới đây nhất, vào ngày 30/6, Vinaconex đã ra nghị quyết chính thức phê duyệt chủ trương thoái toàn bộ phần vốn góp tại Vinaconex ITC.
Kết quả, sau
15 năm, tiến độ dự án vẫn chậm chạp. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025
diễn ra hồi tháng 3, ban lãnh đạo Vinaconex ITC cho biết đã cơ bản hoàn thành các
hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đồng thời triển khai xây dựng một số công trình thấp
tầng trong khuôn khổ dự án.
Dự án Imperia Grand Plaza Đức Hòa được giới thiệu do Tập đoàn MIK Group làm chủ đầu tư, hiện nay mới trong giai đoạn chuẩn bị thi công ép cọc nhưng các đơn vị phân phối đã tiến hành rao bán và nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Bên cạnh đó, DN đứng sau dự án này không phải chỉ có MIK Group.
Được triển khai ngay trong trung tâm của khu Compound cao cấp hiện hữu Villa Park, Villa Park Passion với lợi thế thừa hưởng nhiều ưu điểm vượt trội là lựa chọn tuyệt vời cho các gia đình tìm kiếm môi trường sống cao cấp, thanh bình và thượng lưu.
Việc sở hữu biệt thự cao cấp, tọa lạc trong các khu compound với tiện ích tối tân, an ninh vượt trội luôn là đặc quyền của giới thượng lưu. Không chỉ bởi yếu tố tài chính, dòng sản phẩm này còn hội tủ các ưu điểm được xem là biểu tưởng tôn vinh đẳng cấp của người sở hữu.
Dự án VietinBank Tower hơn 10.000 tỷ đồng tại Ciputra Hà Nội tiếp tục được rao bán sau nhiều năm đình trệ. Ngân hàng mời nhà đầu tư tiềm năng làm việc trước hạn chót 25/7.
Ông Hồ Thìn, đại diện phần vốn của ông Đinh Trường Chinh - người bị vướng vào vòng lao lý từ 2023, vừa được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC).
Mặc dù có sự hậu thuẫn của 3 ông bầu nổi tiếng trong làng bóng đá, đặc biệt là bầu Hải của Công ty Nutifood nhưng thương hiệu Cà phê Ông Bầu đang đối mặt nhiều vấn đề khi bà Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Chi nhánh Cà phê Ông Bầu bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về đấu thầu ở Đà Nẵng, Dacinco ghi nhận tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ngày càng tăng và đứng vào “top đầu nợ nần” ngành xây dựng.
Dành dụm nhiều năm, gom góp được 3 tỷ đồng, chị Ngọc Anh (35 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân) tưởng như đã đủ khả năng mua một căn hộ tầm trung ở Hà Nội. Nhưng suốt 6 tháng ròng rã đi xem nhà, chị phải thốt lên: “Chung cư mới toàn 70 - 80 triệu một mét vuông, 3 tỷ bây giờ có mua được căn nào ra hồn đâu”.