Chế tài xử phạt còn quá nhẹ trước nạn mua bán thông tin cá nhân
Thứ sáu, 14/02/2025 07:27 (GMT+7)
Hàng loạt nạn nhân bị quấy rối, thậm chí vướng vào các vụ lừa đảo do thông tin cá nhân bị rao bán trên chợ đen. Các chuyên gia cảnh báo lỗ hổng bảo mật và mức xử phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe.
Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân
trên internet đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống
người dân. Mới đây nhất, Công an TP Huế vừa triệt phá một đường dây mua bán trái phép thông tin cá nhân quy mô lớn, với gần 56 triệu dữ liệu bị rao bán trên mạng. Theo điều tra, từ năm 2019, L.C.Đ. (SN 1997, trú Hà Nội) cùng đồng phạm đã thu thập, giao dịch dữ liệu cá nhân trên cả nước, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, nhân viên doanh nghiệp và người dân tại TP Huế. Đối tượng sử dụng SIM “rác”, tài khoản ngân hàng không chính chủ và các tài khoản ảo trên mạng xã hội để che giấu hành vi.
Để làm rõ những lỗ hổng trong việc bảo mật thông tin cá nhân, PV đã có buổi trao đổi với chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc
Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) và Luật sư Diệp
Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM).
Thông tin người tiêu dùng bị rao bán một cách công khai trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
- Thưa chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, với tình trạng
lộ lọt dữ liệu cá nhân ngày càng nghiêm trọng, đâu là lỗ hổng bảo mật lớn nhất
mà các tổ chức và cá nhân thường gặp phải?
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt
Nam lại tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Theo thống kê của Hiệp hội
An ninh mạng quốc gia, năm 2024, có tới 66,24% người dùng xác nhận rằng thông
tin của họ từng bị sử dụng trái phép.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng
này, trong đó theo kết quả khảo sát thì 73,99% người dùng nhận định bị lộ lọt
do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó 62,13% cho rằng
nguyên nhân tới từ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67,00% cho rằng lộ lọt
trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, siêu thị.
Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS)
Theo tôi, đây cũng là những nguyên nhân phổ biến trên thế giới. Một người
dùng hiện nay thường có từ 2,3 tài khoản và sử dụng mạng xã hội, truy cập hàng
chục trang web thương mại điện tử, cung cấp thông tin cho hàng trăm cửa hàng,
khách sạn, siêu thị trong các hoạt động thường ngày. Điều này khiến cho thông
tin cá nhân được thu thập, lưu trữ ở hàng trăm hệ thống khác nhau. Trong khi việc
đảm bảo an ninh dữ liệu cho các hệ thống này không đồng nhất, có những nguy cơ
bị tấn công, rò rỉ dữ liệu từ quy trình vận hành, con người hay lỗ hổng an ninh
mạng.
Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng thiếu ý thức trong bảo vệ thông tin
cá nhân, sẵn sàng cung cấp cho người khác mà không cần kiểm tra lại xem thông
tin của mình được dùng để làm gì. Thông tin dữ liệu cá nhân bị lộ lọt không chỉ
gây phiền toái cho người dùng mà còn tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo tinh
vi hơn. Tin tặc thường kết hợp dữ liệu cá nhân với các công nghệ như AI để tạo
ra các kịch bản lừa đảo đánh trúng tâm lý, dễ thuyết phục nạn nhân.
-Thưa luật sư Diệp Năng Bình, theo quy định
pháp luật hiện hành, hành vi mua bán dữ liệu cá nhân trái phép bị xử lý như thế
nào? Mức xử phạt có đủ sức răn đe không?
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM)
Luật sư Diệp Năng Bình: Theo Luật An toàn thông tin mạng 2015, hành vi thu thập,
sử dụng, phát tán, kinh doanh trái phép dữ liệu cá nhân bị nghiêm cấm. Tùy theo
mức độ vi phạm, cá nhân và tổ chức vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy
cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), tổ
chức vi phạm có thể bị phạt từ 40 - 60 triệu đồng, cá nhân vi phạm bị phạt tối
đa 30 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức vi phạm buộc phải hủy bỏ dữ liệu thu thập
trái phép.
Nếu vi phạm có dấu hiệu tội phạm, có thể bị truy tố theo Điều 159 và Điều
288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017): Tội xâm phạm bí mật thư tín, thông tin
cá nhân (Điều 159): Hình phạt từ cảnh cáo đến 3 năm tù, phạt tiền từ 5 - 20 triệu
đồng.
Tội sử dụng trái phép thông tin mạng (Điều 288): Hình phạt từ 30 triệu đồng
đến 7 năm tù, kèm theo phạt tiền lên đến 200 triệu đồng, có thể bị cấm hành nghề
từ 1 - 5 năm.
So với tình trạng bị hack, lừa đảo,
để lộ dữ liệu cá nhân phổ biến như hiện nay, có thể thấy mức xử phạt mà Nhà nước
đang áp dụng vẫn còn khá thấp, chưa đủ sức răn đe và có thể khiến các đối tượng
tái diễn hành vi vi phạm.
Trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số mạnh mẽ như hiện
nay, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân là điều hết sức trọng yếu và là tiền đề cho
công cuộc chuyển đổi số. Chính vì vậy, Nhà nước cần thiết phải có các biện pháp
xử lý mang tính răn đe, quyết liệt hơn để hạn chế cũng như tiến đến ngăn chặn
hoàn toàn các vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.
-Trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tinh vi, người dùng có thể
áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ thông tin cá nhân một cách hiệu quả nhất, thưa chuyên gia Vũ Ngọc Sơn?
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn: Người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin
cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội. Trước khi cung cấp thông tin, cần kiểm tra kỹ
lưỡng uy tín của các website và doanh nghiệp. Sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt
cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo vệ các tài khoản
cá nhân.
Khi bị mắc “bẫy” lừa đảo, người dùng cần ngay lập tức báo cáo với cơ
quan chức năng điều tra, thu thập bằng chứng và
truy bắt tội phạm. Điều này có thể giúp nạn nhân lấy lại tài sản, đồng thời xây
dựng cơ sở dữ liệu về các phương thức lừa đảo để cảnh báo cộng đồng.
Năm 2025 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của AI, Deepfake và các công nghệ
mới, làm gia tăng nguy cơ tấn công mạng. Hacker sẽ lợi dụng AI để tự động hóa
các cuộc tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị IoT như camera,
đồng hồ thông minh.
Để tự bảo vệ, người dùng cần nâng
cao cảnh giác, xác minh kỹ thông tin trước khi giao dịch tài chính, sử dụng ứng
dụng chống lừa đảo và hạn chế chia sẻ dữ liệu cá nhân.
-Vậy theo luật sư, cần bổ sung những quy định
nào trong luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt hơn và ngăn chặn tình trạng mua
bán thông tin trái phép?
Luật sư Diệp Năng Bình: Để ngăn chặn
tình trạng mua bán thông tin trái phép cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu
quả, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần nghiên cứu thêm các quy định mang tính
ràng buộc về biện pháp bảo đảm hệ thống bảo mật an toàn, an ninh thông tin của
doanh nghiệp, tổ chức thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân; cùng với đó làm rõ cơ
quan nào có thẩm quyền cấp phép, kiểm tra kỹ thuật các hệ thống dữ liệu.
Ngoài ra, các cơ quan chủ trì soạn
thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng cần nghiên cứu giải pháp đồng bộ để bảo vệ dữ
liệu không chỉ của cá nhân mà còn của cơ quan, tổ chức; cách thức liên thông, kết
nối hệ thống dữ liệu giữa các đơn vị của Bộ Công an, các cơ quan nhà nước...
Xin cảm ơn chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn và Luật sư Diệp Năng Bình!
Dữ liệu cá nhân trở thành "món hàng" trên chợ đen Một thời gian dài, điện thoại của anh Hoàng Giang (Phường Ba Đình, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tràn ngập cuộc gọi từ những số lạ. Hết tư vấn bảo hiểm, mời vay tiền, đến chào mời mua đất nền, thậm chí có người còn gọi để chúc mừng anh "trúng thưởng" một món quà anh chưa từng đăng ký. Ban đầu, anh chỉ đơn giản từ chối, nhưng rồi tần suất ngày càng dày đặc. Có hôm đang họp, một số lạ gọi đến báo có gói vay ưu đãi dành riêng cho anh. Chưa kịp dứt lời, người gọi đã nhắc rõ tên, địa chỉ, thậm chí cả nơi làm việc của anh. "Sao họ có thể biết chính xác về tôi đến vậy?" - câu hỏi đó cứ ám ảnh anh suốt nhiều ngày sau. Không chỉ là những cuộc gọi làm phiền, anh Tuấn Bảo, chủ một doanh nghiệp kinh doanh nội thất tại Hà Nội, còn rơi vào tình huống oái oăm hơn. Một ngày, anh liên tục nhận được điện thoại từ một số lạ yêu cầu thanh toán khoản nợ mà anh chưa từng vay. Nghĩ rằng đây chỉ là trò lừa đảo thông thường, anh phớt lờ. Nhưng rồi, những tin nhắn đe dọa xuất hiện, kèm theo một bản hợp đồng có ảnh chụp căn cước công dân của chính anh. Anh Bảo chết lặng. Giấy tờ tùy thân của anh đã bị lộ lọt từ lúc nào? Ai đã sử dụng thông tin cá nhân của anh để ký hợp đồng vay tiền? Những câu hỏi ấy khiến anh mất ngủ suốt nhiều đêm. Anh Giang và anh Bảo chỉ là hai trong vô số nạn nhân của nạn buôn bán dữ liệu cá nhân. Hiện nay, trên các diễn đàn ngầm, chỉ với vài trăm nghìn đồng, bất cứ ai cũng có thể mua được danh sách hàng ngàn người với đầy đủ thông tin: Họ tên, số điện thoại, địa chỉ, thậm chí cả lịch sử mua sắm. Đáng nói hơn, nhiều kẻ xấu còn sử dụng dữ liệu này để mạo danh, thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi hơn.
Hơn 300.000 gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab vẫn chưa xác định được người bán, dẫn đến thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng phải chịu thuế GTGT đẩy giá tăng và tác động đến người mua sắm trực tuyến. Chính sách giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh công bằng nhưng có thể thúc đẩy mua hàng xách tay, nhóm mua chung để lách thuế.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong phiên giao dịch ngày 20/2. Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,1% lên mức 2.379 điểm.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Bộ Tài chính cho phép người bán hàng online đóng thuế theo phương pháp khoán và lùi thời gian thu thuế bán hàng online thêm 3 tháng.
Hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại Đắk Lắk bị tạm giữ, chủ cơ sở đối mặt mức phạt nặng do vi phạm quy định kinh doanh và thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Mùa nồm đến, nhà cửa ẩm ướt, quần áo khó khô, sàn nhà "đổ mồ hôi" khiến ai cũng khó chịu. Máy hút ẩm được xem là cứu tinh, nhưng chọn sai có thể khiến tiền mất, mà độ ẩm vẫn cao! Vậy làm sao để mua đúng loại máy hiệu quả, tiết kiệm?
Nhờ nguồn cung dồi dào, công nghệ bảo quản tiên tiến và chi phí vận chuyển tối ưu, giá táo nhập khẩu đang giảm mạnh, thậm chí xuống mức chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg bán sỉ tại các chợ đầu mối.