Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cách Trung Quốc chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe điện

Thứ ba, 15/07/2025 07:20 (GMT+7)

Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, với hàng loạt chính sách trợ giá xe và đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy người dân chuyển sang dùng xe máy điện

Tính đến năm 2025, khoảng 200 thành phố ở Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm toàn phần hoặc một phần với xe máy chạy xăng. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và đầu tư hạ tầng đã biến xe máy điện thành lựa chọn phổ biến tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Việc hạn chế xe máy chạy xăng ở Trung Quốc bắt đầu từ rất sớm, với Bắc Kinh là địa phương tiên phong khi ban hành lệnh cấm trong đường Vành đai 3 từ năm 1986, mở rộng sang Vành đai 4 vào năm 2000. Đến năm 2007, Quảng Châu áp dụng biện pháp triệt để hơn khi cấm hoàn toàn xe máy xăng trong nội thành.

Tại Thượng Hải, chính quyền không cấm trực tiếp nhưng sử dụng công cụ tài chính để hạn chế: giá biển số cho xe máy xăng lên tới 40.000–50.000 USD, gấp ba lần một chiếc ôtô nhỏ. Một số thành phố khác dừng cấp biển số mới hoặc chỉ cho phép xe lưu thông theo giờ/ngày nhất định.

Xe máy xăng tại Trung Quốc cũng bị áp niên hạn sử dụng, buộc phải loại bỏ sau 13 năm đăng ký hoặc khi đạt 120.000 km. Người dân giao nộp xe trước thời điểm này sẽ được hỗ trợ khoảng 40–80 USD, tùy vào mức độ sử dụng.

Xe máy điện được sử dụng phổ biến tại nhiều thành phố ở Trung Quốc. Ảnh: CFP

Song song với lệnh cấm, Trung Quốc triển khai chính sách khuyến khích chuyển đổi sang xe điện bằng nhiều cách: đơn giản hóa thủ tục đăng ký, miễn thi bằng lái cho hầu hết xe điện, chi phí biển số và bảo hiểm thấp hơn nhiều so với xe xăng.

Xe máy điện cũng được phân loại là phương tiện không có động cơ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận. Theo Daxue Consulting, đến năm 2023, cả nước có khoảng 420 triệu xe máy điện – tương đương trung bình mỗi ba người dân sở hữu một chiếc.

Nhiều gói trợ cấp đã được triển khai trong nhiều năm. Đầu 2025, Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ người dân đổi từ xe máy điện dùng pin lithium-ion sang loại sử dụng pin axit chì an toàn hơn. Đến tháng 3/2025, hơn 1,65 triệu người đã tham gia chương trình với tổng giá trị trợ cấp lên tới 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 139,48 triệu USD).

Nhờ các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ, chỉ trong nửa đầu năm 2025, hơn 8,47 triệu xe máy điện mới đã được tiêu thụ.

Hạ tầng giao thông quy hoạch riêng cho xe điện

Để phục vụ lượng xe máy điện khổng lồ, nhiều thành phố Trung Quốc đã tái cấu trúc hạ tầng giao thông theo hướng thân thiện với xe điện. Tiêu biểu là thành phố Nam Ninh – nơi được mệnh danh là “thành phố xanh” – đã thiết kế làn đường riêng, làn rẽ, khu vực chờ đèn và hệ thống đèn LED dẫn hướng chuyên biệt cho xe máy điện.

Tại các giao lộ quan trọng, thành phố xây dựng hầm và lối đi riêng nhằm giảm xung đột với xe hơi và người đi bộ. Vạch phân làn, lan can tách biệt được lắp đặt để đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, trạm sạc công cộng được lắp đặt khắp nơi – từ khu dân cư đông đúc đến vỉa hè trước các tòa nhà. Để vận hành hiệu quả, nhiều địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp hợp tác với ban quản lý tòa nhà trong việc xây dựng và bảo trì trạm sạc.

Không chỉ dừng lại ở sạc điện, các điểm đổi pin nhanh cũng được đẩy mạnh, nhất là tại các khu vực có nhiều tài xế giao hàng – nhóm khách hàng sử dụng xe máy điện cường độ cao.

Xe máy điện chờ đèn tại khu vực được phân làn riêng ở Nam Ninh. Ảnh: ITDP China

Thậm chí, chính quyền còn chuyển đổi bãi đỗ xe ôtô trên một số tuyến đường thành nơi đỗ xe máy điện, với tỷ lệ 1 chỗ ôtô = 8 xe máy điện, để tối ưu diện tích sử dụng trong bối cảnh đất đai chật chội tại đô thị.

Dù được khuyến khích sử dụng, xe máy điện tại Trung Quốc đang chịu sự kiểm soát ngày càng chặt. Từ tháng 11/2024, chính phủ áp dụng tiêu chuẩn quốc gia mới, yêu cầu xe không vượt quá 25 km/h, trọng lượng không quá 55 kg (không bao gồm pin) và phải được lắp hệ thống định vị BeiDou – phiên bản GPS nội địa của Trung Quốc.

Các phụ kiện như mái che mưa hoặc miếng chắn gió mùa đông cũng bị cấm hoàn toàn. Thêm vào đó, hệ thống định vị làm đội chi phí lên khoảng 200 nhân dân tệ (27,6 USD), khiến nhiều người dùng thuộc nhóm thu nhập thấp cảm thấy gánh nặng tăng lên.

Một điểm gây tranh cãi khác là yêu cầu “không thể can thiệp từ bên ngoài” đối với ba thành phần quan trọng: pin, bộ điều khiển và bộ điều tốc. Điều này khiến người dân khó sửa chữa, nâng cấp xe tại các cơ sở nhỏ lẻ, làm giảm tính linh hoạt và tăng chi phí bảo trì.