Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Bộ Y tế yêu cầu truy quét, xử lý nghiêm hành vi sản xuất, quảng cáo thực phẩm giả

Thứ ba, 06/05/2025 16:59 (GMT+7)

Bộ Y tế yêu cầu siết chặt kiểm tra thực phẩm, sữa giả và sản phẩm kém chất lượng, tăng cường xử lý quảng cáo sai sự thật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình trạng thực phẩm giả, sữa giả tràn lan gây hoang mang dư luận, ngày 6/5, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, thị trường liên tiếp ghi nhận các vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Nổi bật trong số đó là các hành vi sản xuất và phân phối sữa giả, mì chính giả, dầu ăn giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và niềm tin xã hội.

Sản phẩm Nutri Brain IQ bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm. (Ảnh: MXH)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 40/CĐ-TTg ngày 17/4/2025, Bộ Y tế đã yêu cầu các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao - Du lịch cùng các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Mục tiêu là phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc; Buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng; Sản phẩm chưa công bố hoặc chưa đăng ký theo quy định

Ngoài kiểm tra thực phẩm lưu hành, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội, nền tảng trực tuyến và các phương tiện thông tin đại chúng. Những nội dung sai sự thật, gây hiểu nhầm về công dụng sản phẩm cần được xử lý dứt điểm, công khai.

Đồng thời, các địa phương phải khẩn trương ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt là Chỉ thị số 17/CT-TTg (2020) và Chỉ thị số 38/CT-TTg (2024).

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp. Nếu để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chính phủ.

Các khu vực như bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ công nhân, học sinh, khách du lịch… được xác định là những trọng điểm cần đặc biệt giám sát.

Các địa phương cần hướng dẫn kỹ lưỡng về việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng sản phẩm giả, đã bị cảnh báo bởi cơ quan chức năng.

Song song với các biện pháp ngắn hạn, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thực phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi để siết chặt quản lý, bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay.

Xuân Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn