Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Vốn hoá chứng khoán mất hơn 46 tỷ USD sau vài phiên, doanh nghiệp, tỷ phú Việt thiệt hại thế nào?

Thứ năm, 10/04/2025 07:19 (GMT+7)

Từ ngày 3/4 đến 9/4, thị trường chứng khoán Việt đã bị thổi bay hơn 46 tỷ USD vốn hóa, trong đó nhóm ngân hàng bị thiệt hại nặng nhất, riêng Vietcombank mất hơn 100.000 tỷ đồng.

Sáng sớm 3/4 theo giờ Việt Nam, chính quyền Tổng thống Donal Trump bất ngờ công bố lệnh thuế quan đối ứng các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng 46%, thuộc nhóm các nước cao nhất.

Thị trường giảm sâu sau công bố thuế đối ứng của ông Donald Trump. (Ảnh: Vietstock).

Vốn hóa thị trường Việt bay hơn 40 tỷ USD trong vài phiên

Ngay phiên giao dịch sáng 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa với hàng loạt mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu nằm sàn la liệt.

Tâm lý bi quan tiếp tục duy trì trong nhiều phiên tiếp theo. Trong tất cả các phiên từ 3/4 đến 9/4, phe bán luôn áp đảo trong khi lực cầu yếu ớt không đủ để các chỉ số thu hẹp đà giảm.

Đà giảm điểm gần như không bỏ sót một mã nào, bảng điện chứng khoán nhảy từng giây, từ nhóm bluechip cho đến penny, trong đó nhóm các cổ phiếu rổ VN-30 (top các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE) đều giảm sâu, thậm chí trắng bên mua.

Chốt phiên 9/4, chỉ số VN-Index mất thêm gần 39 điểm so với phiên hôm trước đó và khiến chỉ số này rơi khỏi mốc 1.100 điểm - một trong những ngưỡng tâm lý quan trọng. Còn nếu tính từ phiên 2/4, chỉ số các mã cổ phiếu trên sàn HoSE đã giảm tới 223 điểm từ mốc 1.317 điểm.

HNX-Index và UPCoM-Index cũng chứng kiến đà bán tháo, mất hàng chục điểm kể từ khi công bố thuế quan của ông Trump.

Thống kê cho thấy, tổng vốn hóa trên toàn thị trường đã giảm khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 46 tỷ USD.

Theo thống kê, tổng cộng hơn 25 doanh nghiệp trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM ghi nhận vốn hóa (giá trị thị trường của tổng các cổ phiếu đang lưu hành) giảm hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, 9 công ty giảm trên 1 tỷ USD (hơn 26.000 tỷ đồng).

Trong đó, Vietcombank (Mã: VCB) có vốn hóa giảm mạnh nhất, ở mức hơn 102.700 tỷ đồng, tương ứng 'bay' gần 19% chỉ sau vài phiên. Hiện ngân hàng này vẫn là đơn vị có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với hơn 438.690 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có vốn hóa giảm mạnh thứ hai là Viettel Global (Mã: VGI) khi hụt đi 48.992 tỷ đồng, tương đương mất 22%.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) của tỷ phú Trần Đình Long cũng bị "thổi bay" gần 38.000 tỷ đồng vốn hóa, tương ứng giảm 22%.

3 ngân hàng BIDV, VietinBank và Techcombank cũng chứng kiến đà bán tháo của thị trường khi giảm lần lượt khoảng 43.880 tỷ đồng, 43.800 tỷ đồng và 30.400 tỷ đồng vốn hóa.

Thống kê cho thấy tổng mức giảm vốn hóa của nhóm 9 doanh nghiệp này gần 398.000 tỷ đồng, tức gần 15,3 tỷ USD, chiếm 1/3 vốn hóa mất đi của toàn thị trường trong những phiên vừa qua.

TOP 10 công ty bị mất vốn hóa nhiều nhất sau nhiều phiên bán tháo. (Nguồn: Tổng hợp từ thị trường).

Tài sản của tỷ phú giảm hàng chục nghìn tỷ đồng

Thị trường chứng khoán bi quan trong nhiều phiên, đạp giá cổ phiếu giảm sâu cũng đã làm biến động rất lớn đến tài sản của các tỷ phú Việt.

Trong đó, việc cổ phiếu MSN giảm gần hết biên độ trong nhiều phiên, từ 66.000 đồng/cp (phiên 2/4) về 50.300 đồng/cp chốt phiên 9/4 đã đẩy Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang ra khỏi danh sách tỷ phú Việt có tài sản trên tỷ USD của Forbes.

Danh sách tỷ phú Việt còn 4 cái tên, là Phạm Nhật Vượng của Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet, "vua thép" Trần Đình Long của Hòa Phát và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Cập nhật theo giờ thực tại 14h30 ngày 9/4, khối tài sản của ba tỷ phú là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long và ông Hồ Hùng Anh đều co hẹp so với lần cập nhật hôm 3/4. Tổng chung, tài sản của ba vị tỷ phú này mất hơn 800 triệu USD chỉ sau 5 ngày (tức mất hơn 20.800 tỷ đồng)

Biến động tài sản của các tỷ phú Việt. (Nguồn: Tổng hợp từ Forbes).

Trong đó, tài sản của ông Trần Đình Long giảm mạnh nhất khi mất hơn 400 triệu USD, đưa khối tài sản từ 2,2 tỷ USD về còn 1,8 tỷ USD. Sự suy giảm này gắn liền với sự bán tháo của mã cổ phiếu HPG và đây cũng là một trong 9 các cổ phiếu bị giảm vốn hóa mạnh nhất như đã thống kê ở trên. Hiện tại HPG chỉ còn 21.300 đồng/cp, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Riêng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - người đứng đầu Tập đoàn Vingroup tăng nhẹ khoảng 100 triệu USD, đưa tổng tài sản của vị doanh nhân này lên 7,5 tỷ USD. Nhờ vậy, vị thế của ông Vượng được nâng từ 435 lên 390 trong nhóm những người giàu nhất thế giới.

Sở dĩ sự thay đổi nói trên là nhờ ba mã cổ phiếu họ nhà Vin là VIC của Vin Group, VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail ghi nhận tăng điểm trong phiên hôm nay 9/4, là lực đỡ chính của thị trường.

Tài sản của các tỷ phú Việt tại 14h30 ngày 9/4. Nguồn: Fobes.
Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn