Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Trung Quốc có ít nhất 6 biện pháp trả đũa thuế quan của Trump

Thứ ba, 08/04/2025 16:50 (GMT+7)

Trung Quốc vạch ra kế hoạch trả đũa thuế quan của Trump với ít nhất 6 biện pháp, đồng thời sử dụng các công cụ tài chính để ổn định thị trường trong nước giữa cuộc chiến thương mại leo thang.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đang leo thang ngày một căng thẳng. Sau lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thêm 50% thuế quan nếu Trung Quốc không rút lại các biện pháp trả đũa trước đó, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu cứng rắn, cho biết sẽ "theo tới cùng" và đã chuẩn bị sẵn sàng một loạt các phương án đáp trả, đồng thời triển khai các biện pháp can thiệp mạnh mẽ để ổn định thị trường tài chính nội địa đang chao đảo.

Kế hoạch trả đũa thuế quan đa tầng của Bắc Kinh

Theo thông tin từ tài khoản mạng xã hội Weibo New Tanqin, tài khoản do Tân Hoa Xã - hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc điều hành, Trung Quốc có ít nhất 6 "lá bài" tiềm năng để đối phó với áp lực thuế quan từ Washington. Các biện pháp này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đa dạng, nhắm vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm trong quan hệ song phương.

Trung Quốc rất cứng rắn và cho biết chuẩn bị ít nhất 6 phương án để đối phó với thuế quan của Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Biện pháp nổi bật đầu tiên là nhắm vào nông sản Mỹ, một lĩnh vực xuất khẩu quan trọng và có ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ. Kế hoạch bao gồm việc tăng mạnh thuế quan đối với các mặt hàng chủ lực như đậu nành và cao lương. Nghiêm trọng hơn, có khả năng Trung Quốc sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu thịt gà Mỹ. Lý do được đưa ra là do lo ngại về các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm thường xuyên tại Mỹ, nhằm "đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Trung Quốc".

Một "lá bài" khác mang tính chính trị cao là khả năng ngừng hợp tác với Mỹ trong việc kiểm soát fentanyl, một loại thuốc giảm đau gốc opioid tổng hợp cực mạnh. Chính quyền Trump trước đây đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc trấn áp hoạt động sản xuất và buôn bán bất hợp pháp fentanyl, coi đây là một ưu tiên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lập luận rằng Mỹ đã "hoàn toàn phớt lờ sự hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc", "không hiểu thiện chí" mà còn "vu khống, đổ lỗi", làm "suy yếu nghiêm trọng nền tảng hợp tác" trong vấn đề này. Động thái này có thể gây thêm phức tạp cho nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng opioid tại Mỹ.

Ngoài ra, các biện pháp tiềm năng khác bao gồm: Hạn chế sự tham gia của các tập đoàn Mỹ vào hoạt động mua sắm trong lĩnh vực dịch vụ; Hạn chế hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực như tư vấn pháp lý; Cân nhắc cấm nhập khẩu phim ảnh của Mỹ; Điều tra hoạt động sở hữu trí tuệ của một số tập đoàn Mỹ được cho là đang hưởng lợi nhuận độc quyền lớn tại thị trường Trung Quốc.

Việc Trung Quốc công khai các phương án trả đũa này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Trump đăng tải trên mạng xã hội Truth Social, yêu cầu Trung Quốc phải rút lại mức thuế 34% đã công bố trước ngày 8/4, nếu không Mỹ sẽ áp thêm 50% thuế từ ngày 9/4. Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng một tuyên bố cứng rắn, khẳng định "nếu Mỹ cố chấp, Trung Quốc chắc chắn sẽ theo đến cùng".

Can thiệp mạnh tay để ổn định thị trường nội địa

Song song với việc chuẩn bị các biện pháp trả đũa bên ngoài, chính quyền Trung Quốc cũng đang hành động quyết liệt để ổn định thị trường tài chính trong nước, vốn đã chịu tác động mạnh từ căng thẳng thương mại. Sau khi chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite lao dốc lần lượt hơn 7% và 9% trong phiên trước đó, các quỹ tài sản quốc gia (sovereign wealth funds) đã được huy động.

Central Huijin Investment, một quỹ nhà nước khổng lồ chi phối nhiều định chế tài chính lớn, đã tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường mua vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), một động thái nhằm bơm thanh khoản và củng cố niềm tin thị trường. Các quỹ nhà nước khác như China Everbright Group và China Guoxin cũng công bố kế hoạch tương tự, tập trung vào việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước và ETF.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ngân hàng trung ương, cũng sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với áp lực thuế quan. Vào ngày 8/4, PBoC đã ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ (NDT) ở mức 7.2038 NDT/USD, yếu hơn mức 7.1980 NDT/USD của ngày hôm trước và là mức yếu nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Đáng chú ý, theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên tỷ giá tham chiếu chính thức vượt qua "lằn ranh đỏ" 7.2 NDT/USD kể từ khi ông Trump đắc cử vào tháng 11 năm ngoái. Việc hạ giá đồng nội tệ có thể giúp giảm giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, phần nào bù đắp tác động từ thuế quan của Mỹ.

Giới phân tích thị trường dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cho phép đồng NDT yếu đi. Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) dự báo đồng NDT có thể giảm tới 15% trong hai tháng tới, trong khi Jefferies đưa ra con số lên tới 30%. Becky Liu, chiến lược gia vĩ mô trưởng tại Standard Chartered Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh đang "cho phép linh hoạt tỷ giá hối đoái lớn hơn như một phần của công cụ nhằm giảm bớt áp lực tăng trưởng" trong bối cảnh bị Mỹ leo thang thuế quan.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung rõ ràng đang bước vào một giai đoạn mới, căng thẳng và khó lường hơn, với những động thái trả đũa và phòng thủ phức tạp từ cả hai phía, đồng thời kéo theo phản ứng từ các nền kinh tế khác trong khu vực.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn