Vì sao Trung Quốc "xóa sổ" Triệu Vy và loạt sao đình đám?
Tại Trung Quốc, giới nghệ sĩ có mức độ ảnh hưởng rộng lớn và quyền lực tới hệ tư tưởng, lối sống, định hướng văn hóa và cả những vấn đề kinh tế.
Sự truy quét mạnh mẽ với những nghệ sĩ có vết nhơ
Cuộc thanh trừng mạnh tay của giới chức Trung Quốc với một loạt nghệ sĩ đình đám của làng giải trí như Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Hoắc Tôn và Trương Triết Hạn trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang thể hiện quyết tâm cao độ của chính quyền về một nền văn hóa lành mạnh, công bằng.
Từng là một diễn viên nổi tiếng, vang danh khu vực, "én nhỏ" Triệu Vy cũng không thể thoát khỏi bàn tay xử lý của giới chức. Sự nghiệp nghệ thuật hơn 20 năm của cô tại Trung Quốc được xem chấm dứt hoàn toàn khi tên tuổi của chính én nhỏ và một loạt tác phẩm liên quan tới cô đều không còn xuất hiện trên các mạng xã hội hay các nền tảng trực tuyến.
Sherry Fan, 26 tuổi, một nhà sản xuất phim tại Bắc Kinh đã thừa nhận sốc nặng khi hay tin về Triệu Vy: "Cô ấy từng là hình tượng rất đẹp. Thật không thể tin một diễn viên, một giám đốc tài năng như vậy lại rơi vào tình cảnh này".
Đến giờ Sherry cũng như nhiều người tại Trung Quốc vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra với Triệu Vy. Nữ diễn viên nổi tiếng bị "phong sát" ngầm vào đêm 26/8 mà không có bất kỳ thông báo chính thức nào về lý do.
Ngoài Triệu Vy, Trịnh Sảng cũng bị cấm hoạt động nghệ thuật vì trốn thuế gần 46 triệu USD, Ngô Diệc Phàm đang bị bắt giữ để điều tra hành vi dụ dỗ và quan hệ với trẻ vị thành niên...
Dù chuyện thanh lọc người nổi tiếng không phải mới tại Trung Quốc nhưng chưa bao giờ quy mô lại lớn và khắc nghiệt đến như vậy. Việc chính quyền mạnh tay xử phạt với nghệ sĩ còn là một bước răn đe, hạn chế sự phát triển rộng khắp và biến tướng của văn hóa thần tượng tại Trung Quốc.
Sự biến tướng đáng sợ của văn hóa thần tượng
Ngày 27/8 vừa rồi, Cơ quan An ninh mạng Trung ương Trung Quốc (CAC) cũng thông báo 10 biện pháp chỉnh đốn tình trạng người hâm mộ điên cuồng, hỗn loạn. Việc này bắt nguồn từ việc một số fan của Ngô Diệc Phàm kêu gọi quyên góp tiền, lo chi phí pháp lý cho thần tượng thoát tội.
Quy định mới của CAC có một số điểm đáng chú ý như Trung Quốc sẽ cấm xếp hạng người nổi tiếng, siết quy định đối với các công ty quản lý nhân tài và các tài khoản câu lạc bộ dành cho người hâm mộ…
Nếu như trước đây, người hâm mộ tại Trung Quốc hay châu Á dành tình cảm cho thần tượng bằng cách mua đĩa hát, tới rạp xem phim, mua poster, sách ảnh liên quan tới thần thượng, xin chữ ký thì ngày nay, họ còn làm hơn thế cho nghệ sĩ họ hâm mộ.
Một người hâm mộ nói rằng họ có thể dành nhiều thời gian và công sức hơn để tăng tương tác cho thần tượng. Các thành viên trong các hội nhóm người hâm mộ (fandom) ở Trung Quốc có thể ủng hộ thần tượng thông qua các chiến dịch bằng tiền.
Người hâm mộ Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các chiến dịch phức tạp, tốn kém để thúc đẩy sự nổi tiếng của thần tượng, tăng hạng cho họ trên các bảng xếp hạng về sự nổi tiếng, lượng tiêu thu album...
Một số fan thậm chí đặt mua số lượng lớn album nhưng yêu cầu nhà phân phối không cần giao sản phẩm. Điều này khiến văn hóa fandom tại Trung Quốc ngày càng biến tướng và trở nên lãng phí.
Chương trình truyền hình Thanh xuân có bạn 3 của Trung Quốc từng bị hủy vào tháng 4 vừa rồi sau khi video ghi lại cảnh fan đổ sữa xuống mương lan truyền trên mạng xã hội. Đây là cách những người hâm mộ "có tiền" thuê dân lao động lấy mã QR để bình chọn cho thần tượng để họ có thể tiếp tục góp mặt trong show truyền hình.
Những thành viên của fandom hầu hết còn trẻ, chưa lao động, vẫn còn đi học và sống nhờ tiền của cha mẹ. Việc họ tiêu tiền một cách vô lý, lãng phí như thế không nên được khuyến khích.
Những người hưởng lợi từ sự hâm mộ cuồng nhiệt của fan ngoài giới nghệ sĩ còn có các nhà sản xuất chương trình truyền hình. Khi fan không tiếc công sức, thời gian và tiền bạc cho việc hâm mộ thần tượng, họ cũng đang cống hiến một cách mù quáng và miễn phí cho các nhà sản xuất chương trình giải trí truyền hình.
Hàng loạt cuộc thi ra đời với yêu cầu bình chọn tạo ra những cuộc cạnh tranh ảo trên mạng giữa các fandom. Người hâm mộ thậm chí bị kích động lao vào những cuộc tranh cãi mất thời gian, vô nghĩa để bảo vệ thần tượng.
Thực trạng người hâm mộ bảo vệ thần tượng không quan tâm đúng sai, sẵn sàng miệt thị, triệt hạ những người có quan điểm đối lập bằng cách bắt nạt trực tuyến, tung tin đồn thất thiệt, cũng gây ra nhiều lo ngại.
Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của người nổi tiếng với fan và sự biến tướng đáng lo ngại của văn hóa thần tượng tại Trung Quốc, chính phủ nước này quyết định ra tay, quản lý thật chặt chẽ và nghiêm khắc với giới nghệ sĩ. Bởi lẽ, với xu hướng tôn thờ vô lối người nổi tiếng, người của công chúng sẽ có tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ và hệ tư tưởng của fan, phần lớn là thế hệ trẻ.
Chính phủ Trung Quốc cũng không ủng hộ lối sống xa hoa của một bộ phận ngôi sao, cách thể hiện ẻo lả, yếu ớt của một số nam thần tượng trên màn ảnh. Điều này khiến dòng phim truyền hình đam mỹ thịnh hành tại Trung Quốc mấy năm qua cũng sớm bị xóa sổ.
Chặn đứng những lỗ hổng về kinh tế
Việc xóa sổ các nghệ sĩ có vết nhơ hay siết chặt quản lý văn hóa thần tượng trong thời gian vừa qua của chính phủ Trung Quốc còn là một trong những biện pháp chặn đứng những lỗ hổng về kinh tế trong ngành giải trí béo bở.
Tờ New York Times dẫn lời ông Mark Tanner, Giám đốc quản lý China Skinny, công ty nghiên cứu và marketing tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: "Đa số các công ty, doanh nghiệp đều tận dụng tâm lý này để tăng cường thương hiệu. Một số doanh nghiệp chi tới hơn nửa ngân sách marketing vào thuê người nổi tiếng. Chúng ta không thể đánh giá thấp sức mạnh của người hâm mộ. Họ sẵn sàng mua mọi sản phẩm mà thần tượng mình yêu thích".
Các nghệ sĩ trẻ tại Trung Quốc như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Lucas (Hoàng Húc Hi) hay Triệu Vy đều có trong tay những hợp đồng quảng cáo hậu hĩnh cho các thương hiệu trong và ngoài nước. Ngoài thu nhập từ việc đóng phim, ca hát, tham gia show truyền hình, việc quảng bá cho các sản phẩm hay dự sự kiện cũng mang lại cho giới nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc những khoản thu nhập "trên mây".
Những nghệ sĩ hạng A tại Trung Quốc đều có mức thu nhập siêu cao. Điều này khiến chính quyền lo lắng về sự cấp giàu nghèo và bất bình đẳng giữa các ngành nghề. Trịnh Sảng từng được trả tới 24 triệu USD trong 2,5 tháng quay một bộ phim. Trong khi đó, khoảng 600 triệu người dân Trung Quốc chỉ thu nhập 140 USD/tháng.
Từ năm 2013 đến năm 2018, Phạm Băng Băng có thể bỏ túi 2,8 triệu nhân dân tệ cho vài phút xuất hiện tại một sự kiện. Sau khi bị phạt vì trốn thuế và cấm xuất hiện trên truyền hình, Phạm Băng Băng chuyển hướng kinh doanh online. Theo Ifeng, năm 2020, Phạm Băng Băng kiếm được 10 triệu Nhân dân tệ doanh số từ việc bán 110.000 mặt nạ chỉ trong bốn phút.
Thông qua các cuộc đấu giá phát trực tuyến của mình, nữ diễn viên xinh đẹp có thể thu về hơn 5 triệu Nhân dân tệ mỗi giờ. Mức thu nhập này thậm chí còn cao hơn mức lương hàng giờ của Phạm Băng Băng khi đóng phim.
Việc nhận cát-sê cao nhưng tìm cách trốn thuế của giới nghệ sĩ cũng đáng bị lên án. Phạm Băng Băng và Trịnh Sảng đã bị phạt 130 triệu USD và 46 triệu USD vì trốn thuế. Đồng thời, khả năng đóng phim trở lại của họ là "không" trong tương lai.
Kết: Việc chính quyền mạnh tay với giới nghệ sĩ, kiểm soát thu nhập, việc đóng thuế và ảnh hưởng của các hội nhóm thần tượng có ý nghĩa sống còn đối với ngành giải trí Trung Quốc lúc này. Xét cho cùng, những người nổi tiếng, với tư cách là người của công chúng, có thu nhập cao nên trở thành hình mẫu, khích lệ lối sống đạo đức, chuẩn mực cho người hâm mộ.
Mi Vân (Theo QQ/Sina)
-
Bùi Khánh Linh giành Á hậu 3 Hoa hậu Liên lục địa 2024
-
Sử dụng AI tôn vinh văn hoá chèo và truyền thống yêu nước, anh hùng của QĐND Việt Nam
-
5 phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Tình yêu Wallonie-Bruxelles lần 7
-
Hoài Lâm tạm dừng hoạt động, hủy hàng loạt show diễn
-
Hé lộ dàn khách mời 'Anh trai vượt ngàn chông gai'
-
Triệu Vy, Lâm Tâm Như thương tiếc nữ nhà văn Quỳnh Dao