Vì sao cha mẹ nghiêm khắc nhưng con vẫn hư?
Không ít các ông bố, bà mẹ mặc dù rất nghiêm khắc, dùng mọi biện pháp để “canh chừng”, giám sát nhằm giúp con tránh xa các thói hư, tật xấu nhưng cuối cùng đứa trẻ vẫn hư. Vì sao vậy?
Nghiêm khắc mà con vẫn hư
Vợ chồng anh Bảo, nhà ở quận Tây Hồ, Hà Nội là một người rất quan tâm đến việc dạy dỗ con cái. Tuy nhiên, nhiều lúc vợ chồng anh cảm thấy bất lực vì những biểu hiện không ngờ của con mình. Anh Bảo cho biết, vợ chồng anh có hai đứa con. Cô con gái thì không vấn đề gì nhưng cậu con trai thì càng lớn càng khiến cho vợ chồng anh thấp thỏm lo âu. Cậu con trai của vợ chồng anh Bảo năm nay 13 tuổi. Ngày bé, cháu rất dễ thương và hiền lành. Cứ tưởng rằng con mình sẽ ngoan ai ngờ cậu bé đã làm bao nhiêu việc làm cho bản thân anh không bao giờ ngờ tới.
Để giúp con tránh xa các phương tiện nghe nhìn đặc biệt là trò chơi điện tử, vợ chồng anh Bảo không dùng mạng Internet và truyền hình cáp để cách ly con khỏi thế giới công nghệ. Mặc dù việc cắt mạng Internet cũng bất tiện, bí bách cho mình nhưng vì con anh Bảo vẫn chấp nhận khổ sở với điều đó. “Khu tôi ở toàn các hộ đi thuê nhà. Nhà tôi cao đẹp nhất khu nhưng tôi vẫn phải “nhục mặt” đi xin mật khẩu wifi hàng xóm để thỉnh thoảng mở điện thoại lướt web hoặc có việc cần dùng đến Internet. Giữ gìn vậy mà chúng tôi cũng không thể giữ được. Hở ra một chút là nó (Khánh, con trai anh Bảo -PV) lại tót đi chơi điện tử. Những ngày nghỉ hoặc vào những buổi tối, cháu xin sang nhà bạn hàng xóm chơi nhưng thực chất chỉ là để… chơi điện tử. Vào những ngày đi học, tôi đăng ký cho cháu học bán trú với mục đích giúp cháu được quản lý tốt hơn. Vậy nhưng không ít lần buổi trưa cháu đã trốn ăn bán trú, ra ngoài để vào hàng net. Mặc dù cháu chưa đến mức nghiện nhưng việc cháu hay nói dối và lén lút làm những việc mà bố mẹ đã cấm khiến vợ chồng tôi ăn không ngon ngủ không yên. Sợ nhất là một lần cháu rủ rê hai đứa bạn ít tuổi hơn lên mạng đặt mua shisa để thử. Nguy hại nữa là có lần cháu đã lấy trộm tiền của mẹ. Không biết rồi mọi chuyện còn đi tới đâu nữa!”, anh Bảo lo lắng nói.
Tương tự, anh Thi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng thường dạy con theo cách cấm đoán và áp đặt của mình. Trong suy nghĩ của anh, trẻ con không nên chơi những đồ chơi bạo lực như súng, gươm…Vì nghĩ chơi đồ chơi bạo lực là không tốt nên một lần, khi cậu con trai 8 tuổi về tha thiết đề nghị bố thưởng cho con một chiếc súng nerf như bạn Kiên hàng xóm nếu con đạt học sinh giỏi thì anh Thi gạt phăng đi: “Thưởng gì thì thưởng chứ súng gươm thì đừng bao giờ hỏi bố nhé!”. Mặc dù trước đó, mẹ bạn Kiên đã từng nói chuyện với vợ chồng anh Thi rằng, nếu mấy đứa trong xóm đứa nào cũng có một chiếc súng nerf để chơi trận giả thì chúng sẽ rất vui, tránh được việc sa đà vào trò chơi điện tử. Quan điểm của anh Thi là nói không với những thứ đó. Rất nhiều lần bé Toàn sang nhà chị Thanh chơi cứ lẩm bẩm: “Bố mẹ con không bao giờ thưởng cho con đâu. Bố mẹ con ghét con lắm!”.
Việc học hành của bé Toàn cũng không tốt mặc dù vợ chồng anh Thi cũng cho con học gia sư và đi học thêm khắp nơi. Nhiều lần chị Thanh góp ý với vợ chồng anh Thi rằng: “Đừng bắt chúng học nhiều như thế. Đi học chỉ cần nắm cái cơ bản là con đủ sức vào đại học. Bắt chúng học nhiều làm gì, chúng sẽ ghét việc học đi đấy”. Nghe chị Thanh khuyên vậy, mặc dù bé Toàn vẫn còn ngồi xem ti vi bên cạnh nhưng vợ anh Thi chẳng giữ kẽ gì, nói một tràng: “Ôi thằng này học dốt lắm chị ạ. Em cho nó đi học thêm cái cơ bản đấy chứ có học thêm học nâng cao gì đâu. Không học thì càng dốt nữa. Ai đời đi học mà cô giáo suốt ngày gọi điện phản ánh thôi, chán lắm chị ạ!”.
Nên hiểu con trước khi dạy con
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam, giáo dục con quả thực là một việc làm không hề dễ đối với các bậc cha mẹ. Mỗi đứa trẻ là một tính cách khác nhau nên việc quan trọng là bố mẹ phải hiểu tính cách con mình trước khi muốn đưa ra một phương pháp giáo dục nào đó. Đôi khi cách giáo dục này có hiệu quả với bé A nhưng lại không có tác dụng với bé B, ngay cả đó là anh chị em trong một nhà. Có “cuốn sách mỗi đứa trẻ một cách học” là vì vậy.
Việc cha mẹ cấm đoán, ngăn cản mà không có sự giải thích phân tích rõ cho con hiểu và trên cơ sở tôn trọng con thì thường sẽ có tác dụng ngược lại. Vì lúc này đứa trẻ sẽ thấy bố mẹ không tôn trọng mình, thấy mình không có giá trị gì. Trẻ bây giờ không như trẻ thời xưa. Đồng ý rằng, nghiêm khắc là điều cần thiết nhưng nghiêm khắc không có nghĩa là cấm đoán, ngăn cấm mà không cần nghe ý kiến của con, không cần biết đến cảm xúc và suy nghĩ của con. Có những sự nghiêm khắc khiến đứa trẻ kính nể nhưng có những sự nghiêm khắc cũng khiến đứa trẻ cảm thấy mình không được yêu thương.
Điều cấm kỵ nhất trong cách dạy con đó là đừng khiến cho đứa trẻ cảm thấy ghét cha mẹ. Dù có ngăn cấm thì phải ngăn cấm trên cơ sở tình thương yêu và sự thấu hiểu. Ngăn cấm mà đứa trẻ vẫn hiểu rằng bố mẹ yêu mình, lo lắng cho mình thì sự ngăn cấm đó sẽ có hiệu quả. Còn khi việc ngăn cấm đó khiến cho đứa trẻ cảm thấy bố mẹ mình không công bằng, bố mẹ không tôn trọng mình, chẳng yêu thương gì mình thì điều ngăn cấm đó sẽ trở nên tai hại. Phản ứng thường chúng sẽ làm ngược lại những điều cha mẹ cấm. Điều đó cũng tương tự như việc mắng chửi xúc phạm trẻ. Những lời mắng chửi mang tính chất dán nhãn thường làm cho đứa trẻ trở nên tự ti, hoặc trở nên đối kháng lại cha mẹ.
Điều cấm kỵ nhất trong cách dạy con đó là đừng khiến cho đứa trẻ cảm thấy ghét cha mẹ. Dù có ngăn cấm thì phải ngăn cấm trên cơ sở tình thương yêu và sự thấu hiểu. Ngăn cấm mà đứa trẻ vẫn hiểu rằng bố mẹ yêu mình, lo lắng cho mình thì sự ngăn cấm đó sẽ có hiệu quả.
Theo Ngân Khánh (GĐ&XH)
-
Công nhân và "cạm bẫy" mạng xã hội
-
Không muốn khổ sở vì tình, đừng dại vi phạm 4 điều này!
-
Vì sao cha mẹ nghiêm khắc nhưng con vẫn hư?
-
Hoang mang khi bị chồng nghi ngờ vì vợ có sở thích "tự sướng"
-
Kiểm soát chồng quá mức sẽ đẩy chồng vào cửa ngoại tình
-
Chồng đuổi ra khỏi nhà vì tôi lớn tiếng với mẹ chồng