Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Vì sao biên lãi gộp của PV OIL luôn kém cạnh Petrolimex?

Thứ sáu, 09/05/2025 10:46 (GMT+7)

Kết quả kinh doanh của hai đại gia bán lẻ xăng dầu Petrolimex và PV OIL cùng phụ thuộc vào giá dầu thế giới (Brent, WTI) tăng cao hay giảm mạnh cũng như chính sách thuế của cơ quan Nhà nước. Thế nhưng tại sao biên lãi gộp của Petrolimex thường nhỉnh hơn của PV OIL?

Việt Nam hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Trong đó, khoảng 50% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với hơn 5.500 cửa hàng. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) xếp ở vị trí thứ hai, nắm khoảng 23% thị phần với hơn 838 cửa hàng, tính đến hết năm 2024.

Kết quả kinh doanh của hai đại gia bán lẻ xăng dầu này phụ thuộc vào giá dầu thế giới (Brent, WTI) tăng cao hay giảm mạnh và chính sách thuế của cơ quan Nhà nước.

Quý kinh doanh ảm đạm của Petrolimex và PV OIL

Báo cáo tài chính quý I/2025 mới công bố của 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trong nước cho thấy cả hai đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc.

Cụ thể trong quý đầu năm, Petrolimex ghi nhận 67.861 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán xăng dầu và cung cấp dịch vụ đi kèm, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận gộp còn hơn 3.711 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ 2024. Tương ứng biên lãi gộp đạt 5,4%.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận ròng 3 tháng đầu năm của Petrolimex đạt hơn 210 tỷ đồng, giảm hơn 81% so với cùng kỳ 2024.

Lý giải kết quả kinh doanh lao dốc, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết do hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn từ diễn biến thị trường dầu thô toàn cầu.

Tương tự với PV OIL, đơn vị này báo lợi nhuận ròng còn hơn 25 tỷ đồng, giảm hơn 89% so với cùng kỳ quý I/2024. Nguyên nhân do do biến động giá dầu trong quý đầu năm và doanh thu tài chính và lãi chênh lệch tỷ giá giảm, bất chấp doanh thu thuần tăng trưởng 10%. Biên lãi gộp trong quý của PV OIL đạt chỉ 2,5%.

Giá dầu thô giảm mạnh khiến kết quả kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong nước suy giảm. Nguồn: TradingView

Thực tế, giá dầu thô WTI giảm từ mức 77,8 USD/thùng vào tháng 1/2025 xuống còn 67,04 USD/thùng vào cuối tháng 3, do tác động từ các yếu tố như quyết định sản lượng từ OPEC+, căng thẳng địa chính trị và tình hình kinh tế của các nền kinh tế lớn.

Đặc biệt, từ sau công bố áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giá xăng dầu biến động dữ dội, liên tục lao dốc và đảo chiều. Trong bối cảnh giá như vậy, các doanh nghiệp xăng dầu gặp thế khó do quy định cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam là thương nhân đầu mối phải dự trữ tồn kho tối thiểu 20 ngày.

Ngoài ra hằng năm Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tổng nguồn tối thiếu, điều hành giá trong phạm vi 7 ngày. Vì vậy với biến động giá dầu giảm sâu chỉ trong 3-5 ngày lên tới 20%, khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh (chịu giá vốn cao trong khi giá bán ra thấp).

Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu liên tục giảm, nhu cầu thấp, chiết khấu cao, tỷ giá tăng mạnh… đã khiến biên lợi nhuận các doanh nghiệp thu hẹp.

Vì sao biên lãi gộp của PV OIL kém cạnh Petrolimex?

PV OIL là đơn vị duy nhất thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu và kinh doanh dầu thô của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN). Bên cạnh đó công ty còn xử lý, sản xuất condensate và xăng E5.

Nguồn cung xăng dầu của PV OIL đến từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khoảng 70%, doanh nghiệp tự pha chế và sản xuất chiếm khoảng 15 - 20%, và còn lại là nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc,.. theo hạn mức từ Bộ Công Thương giao.

Trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, công ty sẽ tăng cường nhập khẩu nước ngoài với mức giá phù hợp để bù vào sản lượng thiếu hụt.

Nhìn chung, PV OIL đang chịu trách nhiệm bao tiêu cho hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tức nguồn cung được đảm bảo, nhưng giá bán ra từ nhà máy lọc dầu lại không cạnh tranh được với nguồn hàng nhập khẩu từ thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ngoài nguồn cung từ hai nhà máy lọc dầu nội địa, Petrolimex còn nhập khẩu dầu từ nước ngoài. Đây cũng là lí do biên lãi gộp của Petrolimex luôn nhỉnh hơn PV OIL.

Một điểm nữa cho thấy biên lãi gộp của Petrolimex vượt trội so với PV OIL là Petrolimex đã xây dựng được hệ thống kho đầu mối và hệ thống đường ống dẫn dầu, kho ngoại quan lớn nhất cả nước.

Theo các chuyên gia, sự khác biệt trong hệ thống phân phối cũng là một nguyên nhân khiến cho biên lợi nhuận của Petrolimex thường xuyên cao hơn PV OIL.

Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn PVN, PV OIL chủ yếu phục vụ các khách hàng công nghiệp (chiếm 20%) và bán hàng qua hệ thống đại lý/tổng đại lý (DODO) (chiếm 60%). Kênh bán lẻ của PV OIL đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu (so với mức gần 60% của Petrolimex).

Tuy nhiên trong ba kênh phân phối, kênh DODO lại là kênh có biên lợi nhuận thấp nhất của PV OIL do mức chiết khấu áp dụng đối với các đại lý/tổng đại lý cao hơn.

Sự khác biệt của biên lợi nhuận gộp giữa hai "ông lớn" này còn đến từ việc ghi nhận cách hạch toán hàng tồn kho của hai doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Trong khi PV OIL chọn cách hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền (phương pháp dựa trên nguyên tắc tính trung bình cộng có trọng số của giá trị và số lượng hàng tồn kho). Điều này sẽ đem lại đường biên ổn định hơn so với Petrolimex lựa chọn phương pháp FIFO (phương pháp nhập trước xuất trước) - tức giá ghi nhận sẽ biến động lớn hơn so với phương pháp bình quân gia quyền khi giá xăng dầu tăng nhanh hay giảm mạnh.

Nguồn: Báo cáo tài chính.

Dự trữ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền nhàn rỗi

Với đặc thù ngành, hai doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này luôn dự trữ một lượng lớn tiền mặt, tiền gửi ngân hàng để đảm bảo tính thanh khoản và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng như nhiều đơn vị khác, bộ đôi này cũng tận dụng cơ hội sử dụng dòng tiền dồi dào để lấy lãi ngân hàng và đầu tư tài chính, trong khi vẫn đi vay để hưởng mức lãi suất thấp, nhằm hưởng chênh lệch.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Petrolimex đạt hơn 80.035 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và đầu tư tài chính của doanh nghiệp đạt hơn 30.462 tỷ đồng, chiếm tới 38% tổng tài sản. Trong ba tháng đầu năm, doanh nghiệp đã nhận về hơn 400 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính.

Ngược lại, Petrolimex cũng đang đi vay với số dư hơn 20.500 tỷ đồng với chi phí lãi vay trong quý vừa rồi là 165 tỷ đồng.

Với PV OIL, tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 40.308 tỷ đồng, riêng lượng nhàn rỗi và tiền đầu tư tài chính khoảng 15.000 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá) của PV OIL là 171 tỷ đồng, trong khi chỉ trả chi phí lãi vay là 66 tỷ.

Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn