Vạch trần các chiêu lừa đảo tài chính phổ biến ở Việt Nam
Các phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay gồm: dụ dỗ tham gia đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Báo cáo vừa công bố của Hãng bảo mật Kaspersky cho biết, Việt Nam đang đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về số vụ lừa đảo tài chính, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 40.102 vụ tấn công lừa đảo tài chính.
Trong khi đó, theo theo báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố, năm 2024, thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo. Số nạn nhân bị lừa đảo có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.
Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó các phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Dụ dỗ tham gia đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao
Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao. Thủ đoạn chủ yếu của phương thức lừa đảo này là các đối tượng mời gọi người dân tham gia vào các sàn giao dịch chứng khoán giả mạo. Ban đầu, các nạn nhân chỉ cần đầu tư số tiền nhỏ và được hứa hẹn sẽ có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi họ muốn rút tiền, các đối tượng lừa đảo lại yêu cầu họ nộp thêm tiền với nhiều lý do khác nhau: từ đóng thuế, sai cấu trúc khi nạp tiền, đến "gỡ gạc" để có số tiền lớn hơn. Cuối cùng, toàn bộ số tiền đã đầu tư bị chiếm đoạt.
Điển hình mới đây là vụ việc Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips) dụ dỗ tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến, lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng cho thấy những mối nguy hiểm hiện hữu khi nhiều người bị sập bẫy trước hình thức lừa đảo này.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Tuyệt đối không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc.
Không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính. Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, các đánh giá từ người dùng khác, và các chứng chỉ hợp pháp.
Chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng tránh nguy cơ bị cài cắm mã độc, chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin cá nhân. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng cho các đối tượng không rõ danh tính dưới mọi hình thức.
Giả mạo cơ quan chức năng, tổ chức
Một chiêu thức lừa đảo cũng không kém phần nghiêm trọng, 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, toà án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe doạ phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật.
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là: Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.
Lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn
Bên cạnh đó, 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.
Đối tượng lừa đảo cũng giả mạo nhân viên của các sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng có giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị. Từ đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp số OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.
Do đó, người dân cần nhận diện thủ đoạn lừa đảo này dựa trên một số dấu hiệu như yêu cầu cộng tác viên thanh toán tiền hàng trước. Sau khi trao đổi và người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Đặc biệt, cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online.
Coi chừng “lừa chồng lừa”
Nghiêm trọng hơn, nắm bắt được tâm lý muốn lấy lại tiền nhanh chóng của người bị hại, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục lập ra các trang Web, Fanpage Facebook mạo danh các cán bộ, đơn vị Công an, công ty luật, văn phòng luật sư đăng tải các bài viết cung cấp các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"… đăng lại các bài viết cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, sử dụng hình ảnh, video, thông tin, bài viết của các đơn vị công an, công ty luật, văn phòng luật sư, báo điện tử chính thống để xây dựng lòng tin đối với người bị hại, chuẩn bị cho cú lừa tiếp theo với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền.
Để gia tăng uy tín cho các trang này, bọn chúng thường sử dụng tính năng chạy quảng cáo cho các trang, bài viết, video có nhiều lượt like, view, tương tác, cũng như tần suất xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội; nhằm thu hút sự quan tâm, tương tác của những người đã từng bị lừa, mất tiền trên không gian mạng. Khi có người chủ động liên hệ, các đối tượng sẽ hướng dẫn để các nạn nhân thực hiện theo các kịch bản được dàn dựng sẵn và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin về vụ việc đã bị lừa; tải, cài đặt một số ứng các ứng dụng Zalo, Telegram… để tiện liên hệ làm thủ tục, hồ sơ. Sau đó, sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả để người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý. Khi đã tạo được lòng tin, chúng sẽ đưa ra các lý do yêu cầu người bị hại tiếp tục chuyển tiền thêm một lần nữa và sau khi chuyển sẽ không thể lấy lại số tiền đã chuyển.
Trước tình trạng này, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là những ai đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng, cần lưu ý tuyệt đối không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", "thu hồi tiền bị chiếm đoạt"... Không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị thiệt hại thêm.
-
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 23/12/2024: USD giảm nhẹ phiên đầu tuần
-
Vạch trần các chiêu lừa đảo tài chính phổ biến ở Việt Nam
-
Giá vàng 23/12/2024: Bất ngờ 'lao dốc' xuống mức nào?
-
Giá vàng mới nhất 22/12/2024: Chấm dứt chuỗi 'lao dốc'
-
Giá vàng mới nhất 21/12/2024: Điệp khúc giảm
-
Giá vàng mới nhất 20/12/2024: Đồng loạt giảm mạnh