Gia tăng chiêu trò lừa đảo nhắm vào sinh viên dịp cuối năm
Những dịp cuối năm, kẻ gian tăng cường nhắm vào sinh viên với nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, từ dọa nạt về vi phạm pháp luật đến giả danh trao học bổng du học.
Đủ cách lừa đảo
Thông tin từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), cuối tháng 11/2024, sinh viên T.Q.T. nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là công an. Người này nói T. là nghi can của một vụ rửa tiền, đe dọa sẽ buộc sinh viên này phải nghỉ học, thậm chí có thể bị khởi tố hình sự.
Vì quá lo sợ, T. đã nghe theo lời kẻ gian và chuyển tiền để tránh bị khởi tố. Vụ việc không chỉ làm T. mất tiền, mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của T., khiến sinh viên này căng thẳng, mất ngủ nhiều ngày.
Tương tự, sinh viên H.N.M.T. cũng nhận được cuộc gọi của một người xưng là công an, sau đó bị dẫn sang nền tảng Zoom. Tại đây, kẻ gian trình chiếu các văn bản “Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản” đối với H.N.M.T. trên đó có thông tin cá nhân, số căn cước công dân của H.N.M.T. và thông tin các đối tượng bị truy nã. Dù chưa thiệt hại về tài sản, song vụ việc cũng gây cho H.N.M.T. sự hoang mang, lo lắng nhiều ngày.
Không chỉ gọi điện mạo danh công an để lừa đảo, gần đây, kẻ gian còn có chiêu thức mạo danh các trường đại học, ra thông báo trao học bổng, họp mặt giao lưu… Ngày 16/12, Trường Đại học FPT phát cảnh báo về một văn bản giả mạo nhà trường thông báo chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản.
Theo đó, các đối tượng mạo danh Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Trường Đại học FPT phát tán thông tin đề cập đến việc tuyển công dân Việt Nam du học ngắn hạn tại Nhật Bản kèm theo các đãi ngộ hấp dẫn, đồng thời yêu cầu ứng viên phải chứng minh tài chính bằng sao kê tài khoản ngân hàng. Văn bản giả mạo này còn ghi đầy đủ số, đóng dấu nhà trường, ký tên “Hiệu trưởng Lê Trường Tùng”.
Tuy nhiên, nhà trường đã ra thông báo, khẳng định đây là văn bản giả mạo. Ông Lê Trường Tùng hiện là Chủ tịch Hội đồng trường, không phải Hiệu trưởng nhà trường. Đồng thời, Trường Đại học FPT không thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tương tự, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) phát đi cảnh báo sau phản ánh về thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế được đề tên trường này.
Nội dung thư mời này chúc mừng và thông báo đến một sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm về việc đủ điều kiện ghi danh vào khóa học giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Đi cùng đó, thư mời này còn giới thiệu mức học bổng từ 25 đến 100% theo từng tiêu chí. Phía trên văn bản ghi “Bộ GD&ĐT”, phía dưới lại ký tên người “thừa lệnh Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - quản trị” nhưng con dấu lại hiển thị là của một sở GD&ĐT.
Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng phát cảnh báo tình trạng giả mạo văn bản nhà trường sau khi nhận được phản ánh về việc giả mạo thông tin mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế.
Thư mời có nội dung “chúc mừng sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khóa giao lưu sinh viên quốc tế tại Nhật Bản…”, kèm thông tin về các mức học bổng (học tập và sinh hoạt phí) lên đến 100%. Tại ô tên cơ quan ban hành, văn bản này ghi “Bộ GD&ĐT”, trong khi Trường Đại học Công nghiệp TPHCM thuộc Bộ Công Thương. Nhà trường khẳng định, trường không ban hành thông báo chương trình họp mặt giao lưu nêu trên.
Tỉnh táo nhận biết dấu hiệu lừa đảo
ThS Trần Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) khuyến cáo, sinh viên cần cảnh giác trước những số điện thoại lạ, tài khoản mạng xã hội có thông tin không rõ ràng để nhận biết, phòng tránh các cuộc gọi lừa đảo.
“Nếu chúng ta không làm gì sai thì sẽ không có hành vi phạm pháp. Chúng ta không nộp hồ sơ ở đâu thì chắc chắn chúng ta sẽ không có học bổng. Những khoản chi trả hậu hĩnh thì không đến từ những hoạt động bình thường, mà rất có thể là những chiêu trò để dụ dỗ các bạn”, theo ThS Trần Nam.
Cũng theo ThS Trần Nam, ngoài nội dung trò chuyện, có những yếu tố khác có thể để nhận biết dấu hiệu của lừa đảo như: Gọi điện liên tục; cuộc gọi đến từ một không gian ồn ào, có thể là nơi nhiều người khác cũng đang thực hiện những cuộc gọi tương tự; các cuộc gọi giả mạo sử dụng hình ảnh AI (trí tuệ nhân tạo) với chuyển động khuôn mặt bất thường và âm thanh không rõ ràng…
Khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo, sinh viên phải ngắt liên lạc ngay lập tức để tránh rơi vào những “bẫy tâm lý” của các đối tượng xấu. Nếu gặp vụ việc phức tạp, sinh viên nên trao đổi thông tin cho bạn bè, gia đình, để họ cùng chia sẻ và phân tích vấn đề, tránh nghe theo sự dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo.
“Chia sẻ với người khác là điều đầu tiên các bạn cần phải làm. Bởi vì khi bạn lo lắng, suy nghĩ một mình thì bạn sẽ nằm trong một ‘diễn biến tâm lý’ mà những kẻ lừa đảo có thể tính toán được”, ông Trần Nam khẳng định.
Với hình thức lừa đảo dưới dạng thông báo sinh viên trúng tuyển học bổng, được tham gia giao lưu sinh viên…, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng cảnh báo sinh viên phải hết sức thận trọng khi tiếp nhận thông tin.
Trên trang thông tin Trường Đại học FPT, lãnh đạo trường cho biết: “Các thông tin chính thống đều phải được công bố trên các cổng thông tin chính thức của nhà trường”. Tương tự, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng khẳng định: “Mọi quy trình về đăng ký và xét duyệt học bổng cho sinh viên của nhà trường đều được triển khai theo hệ thống chặt chẽ thông qua email và các kênh thông tin điện tử chính thống của trường, do các phòng chuyên trách theo dõi và cập nhật đến các bạn thường xuyên”.
Nhà trường khuyên sinh viên cần cảnh giác cao độ trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi dạng này. “Thư mời mắc nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả, thông tin không chính xác, không nhất quán và thiếu minh bạch, trình bày sai thể thức...”, thông báo của trường nêu.
Theo ThS Trần Nam, nếu chẳng may đã bị lừa, sinh viên nên xem như đã mất khoản tiền đó và tuyệt đối không tìm cách đòi lại. Vì có thể khi liên hệ với kẻ lừa đảo, chúng lại tiếp tục có những “kịch bản” phức tạp hơn, khiến cho sinh viên càng mất nhiều hơn nữa. Thay vào đó, sinh viên nên đến trình báo cho các cơ quan chức năng, nhà trường… để được hỗ trợ. Sinh viên cũng cần có ý thức bảo mật dữ liệu cá nhân, đặc biệt là những thông tin quan trọng như nơi ở, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... để bảo vệ bản thân mình.
-
Giới thiệu 200 hiện vật lịch sử, kỷ vật chiến tranh
-
Khói thuốc lá : Hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ trẻ em
-
Lonely Planet gợi ý những điểm đến tuyệt vời nhất tại Việt Nam trong năm 2025
-
Ô nhiễm không khí : Tác nhân gây nên bệnh hô hấp ở trẻ em
-
Gia tăng chiêu trò lừa đảo nhắm vào sinh viên dịp cuối năm
-
Địa phương tự quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới