Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Từ năm 2026, tuyển sinh lớp 1, lớp 6 theo nguyên tắc 'nhà gần trường'

Thứ bảy, 17/05/2025 10:46 (GMT+7)

Thay vì phân tuyến theo địa giới hành chính như hiện nay, từ năm học 2026 - 2027, việc tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 trên toàn quốc sẽ áp dụng theo nguyên tắc "nhà gần trường", dựa trên hệ thống bản đồ số GIS.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây. Theo ông, đây là bước đi phù hợp trong bối cảnh các đơn vị hành chính đang được sắp xếp lại và yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục ngày càng đặt ra cao hơn.

Theo lộ trình, sau khi hoàn tất sắp xếp lại đơn vị hành chính, các trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ được chuyển giao từ cấp huyện về cho các xã, phường quản lý trực tiếp. Trong khi đó, các trường THPT vẫn sẽ do cấp tỉnh quản lý. Trung bình mỗi xã, phường trên cả nước sẽ quản lý khoảng 7.000 học sinh.

Việc phân cấp như trên được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong việc bố trí cơ sở vật chất, nhân sự, đồng thời tránh tình trạng sáp nhập cơ học gây xáo trộn hoạt động giảng dạy - học tập. Trách nhiệm quản lý giáo dục giữa cấp xã và cấp huyện cũng sẽ được phân định rõ ràng hơn.

Từ năm học 2026 - 2027, phương án tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 sẽ không còn dựa vào địa giới hành chính như trước, mà chuyển sang nguyên tắc "gần nhà học gần trường". Ảnh: VGP

Từ năm học 2026 - 2027, phương án tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 sẽ không còn dựa vào địa giới hành chính (phân tuyến theo phường/xã) như trước, mà chuyển sang nguyên tắc "gần nhà học gần trường". Việc phân tuyến sẽ dựa trên Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS), giúp xác định chính xác khoảng cách từ nơi cư trú thực tế của học sinh đến các trường học.

TP HCM là địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng GIS vào tuyển sinh lớp 1, lớp 6 từ năm 2023. Qua hai năm triển khai, phương án này cho thấy hiệu quả rõ rệt: giúp giảm áp lực đi lại, đưa đón, hạn chế tình trạng “chạy hộ khẩu” hay học trái tuyến. Đồng thời, đây cũng là bước tiến lớn trong việc minh bạch hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, thành phố đang tích cực triển khai ứng dụng GIS vào công tác tuyển sinh đầu cấp. Theo ông, hệ thống bản đồ số sẽ giúp tính toán chính xác khoảng cách từ nhà đến trường, đảm bảo học sinh được học tại trường gần nhất với nơi cư trú thực tế, thay vì phải tuân theo phân tuyến hành chính như hiện nay.

“Đây là giải pháp hợp lý, vừa mang lại thuận lợi cho phụ huynh, học sinh, vừa góp phần công khai, minh bạch trong tuyển sinh đầu cấp”, ông Cương khẳng định.

Phương Hồng
Nguồn: sohuutritue.net.vn