Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Tín hiệu mừng cho sầu riêng Việt Nam bứt tốc xuất khẩu

Thứ năm, 22/05/2025 16:33 (GMT+7)

Một tín hiệu tích cực vừa được phát đi từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thêm 829 vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói của Việt Nam đã chính thức được phê duyệt. Đây được xem là cú hích giúp ngành sầu riêng nước ta sớm lấy lại đà tăng trưởng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam đã nỗ lực tổng hợp và gửi hơn 1.600 hồ sơ vùng trồng cùng hơn 300 cơ sở đóng gói sầu riêng lên phía Trung Quốc để được cấp mã số xuất khẩu. Sau quá trình rà soát kỹ lưỡng, Trung Quốc đã thông qua gần một nửa số hồ sơ – cho thấy sự ghi nhận đối với năng lực kiểm soát chất lượng và quy trình sản xuất ngày càng chuyên nghiệp của phía Việt Nam.

Việc bổ sung mã số lần này không chỉ gia tăng lượng đơn vị được phép xuất khẩu, mà còn thể hiện sự tin tưởng từ thị trường tỷ dân với loại trái cây vốn chiếm đến hơn 90% sản lượng xuất khẩu của ngành sầu riêng Việt Nam kể từ khi nghị định thư song phương được ký vào tháng 7/2022.

Việt Nam có 1.469 vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc cấp phép. 

Tuy nhiên, đằng sau cánh cửa tưởng chừng rộng mở ấy là loạt yêu cầu kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt. Trung Quốc hiện đã tạm dừng hoạt động của nhiều vùng trồng và cơ sở đóng gói vì không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Nhiều đơn vị chỉ tập trung “chạy” mã số mà thiếu kiểm soát sau cấp phép, khiến sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc, ảnh hưởng đến cả ngành.

Đặc biệt, các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất, cụ thể là cadimi và chất tạo màu vàng O, đang trở thành “vết gợn” lớn. Phía Trung Quốc yêu cầu kiểm định gắt gao, trong khi nông dân trong nước vẫn canh tác theo kinh nghiệm truyền miệng, không có quy chuẩn chung, dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

Nhằm đối phó tình hình, 12 phòng kiểm định cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đạt chuẩn đã được đưa vào hoạt động. Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng tại các địa phương – đặc biệt là Đắk Lắk – đang chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu để xét nghiệm, khoanh vùng và tìm nguyên nhân dẫn đến tồn dư hóa chất trên trái sầu riêng.

Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở riêng cho địa phương, từ quy trình canh tác, kiểm soát phân bón đến đóng gói. Chỉ khi chủ động được chuỗi giá trị, sầu riêng Việt mới có thể cạnh tranh dài hạn ở các thị trường lớn”.

Việc được mở thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói lần này có thể ví như tấm vé “hồi sinh” cho ngành sầu riêng Việt Nam sau thời gian rớt đơn hàng. Tuy nhiên, cơ hội chỉ dành cho những đơn vị thực sự nghiêm túc với tiêu chuẩn quốc tế.

Tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng không thể mãi phụ thuộc vào vận may, mà phải đến từ sự đầu tư bài bản vào chuỗi sản xuất, giám sát chất lượng, và minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Đây không chỉ là yêu cầu từ phía bạn hàng quốc tế, mà còn là xu hướng tất yếu trong cạnh tranh nông sản hiện đại.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn