‘Trò chơi may rủi’ khi đi du lịch Thái Lan thời dịch
Khi Thái Lan bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với du khách quốc tế đã tiêm ngừa đầy đủ, nhiều du khách Việt Nam đã nhanh chóng bay sang Bangkok để được cảm giác “về quê”. Nhưng nhiều người đã “quê độ” khi có kết quả PCR dương tính với Covid-19 sau khi đã nhập cảnh.
Những câu chuyện của các du khách Việt đến Thái Lan trong những ngày đất nước này mở cửa đón du khách trở lại là bài học quý giá không chỉ cho du khách trong nước, mà còn cho cả du lịch Việt Nam chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15-3.
Nỗi khổ giữa hospital và hospitel
Nguyễn Hoàng Thanh Nhã đã háo hức đăng ký ngay Thailand Pass và bay đến Bangkok hôm 25-2. Tại sân bay, sau khi có kết quả PCR lần đầu, Thanh Nhã được phép về khách sạn. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến tối ngày hôm sau thì cô bắt đầu cảm thấy ngứa họng.
Hôm kế tiếp, ho nhiều hơn và đến hôm 28-2 thì Thanh Nhã tự test với kết quả hai vạch. Đến ngày thứ năm của chuyến đi, Thanh Nhã thực hiện xét nghiệm PCR lần thứ hai theo quy định. Sau khi nhận được kết quả dương tính, cô liền thông báo cho khách sạn và bảo hiểm AXA Thailand một lần nữa.
Nguyễn Hoàng Thanh Nhã trong một chuyến du lịch Thái Lan trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
“Mình đã hỏi nhiều nơi về chuyện lỡ xét nghiệm dương tính thì sao. Một là sẽ vào hospital (thường là bệnh viện công) và bảo hiểm sẽ chi trả hết nếu có triệu chứng nặng. Nếu không có gì nghiêm trọng, họ sẽ đưa đến hospitel – một dạng bệnh viện tư có phòng lưu”, Thanh Nhã chia sẻ trên diễn đàn Du lịch Thái Lan với hơn 230.000 thành viên.
Cần phải lưu ý rằng bảo hiểm Thái Lan sẽ không chi trả cho chi phí 10 ngày ở hospitel, ngoài tiền thuốc ra mà khoản này lại không đáng kể. Mười ngày là khoảng thời gian cố định họ đặt ra và chi phí cho 10 ngày ở hospitel là 34.000 baht, khoảng 23,2 triệu đồng. Thêm một lưu ý nữa là, nếu mua bảo hiểm trong 15 ngày nhưng đến ngày 5 hoặc 6 mà bạn có xét nghiệm dương tính, đa số các công ty bảo hiểm bên Thái đều sẽ không chấp nhận gia hạn và bạn phải trả chi phí phát sinh sau ngày thứ 15 trở đi.
Thanh Nhã kể rằng bệnh viện, chứ không phải khách sạn, là nơi liên lạc với cô sau khi có kết quả xét nghiệm. Trong lần tiếp xúc đầu tiên, bệnh viện nói sẽ làm việc với bảo hiểm và liên lạc lại sau. Sau đó, bệnh viện gọi lại và yêu cầu Thanh Nhã gửi đầy đủ giấy tờ và “đặt cọc” 50.000 baht, khoảng hơn 34,2 triệu đồng cho 10 ngày ở hospitel.
Thanh Nhã nói không có nhiều tiền. Lát sau, bảo hiểm gọi lại và cô tích cực trả giá xuống còn 30.000 baht. Sau khi cô đồng ý với số viện phí này thì bảo hiểm gửi đường link thanh toán bằng thẻ tín dụng và sau khi tiền đã vào tài khoản thì bệnh viện mới điều xe cứu thương đến đón.
Đến ngày thứ 8 thì Thanh Nhã được “thả ra” với giấy hoàn thành cách ly, mà không có xét nghiệm PCR. Theo dự định thì ngày 14-3 vừa rồi, cô đã bay về TPHCM. Nhưng cô cần thực hiện thêm một lần PCR nữa và tải lượng virus (chỉ số CT) phải từ 40 trở lên thì mới có thể lên máy bay. Cô cho biết lần xét nghiệm ngày 13-3 trước khi về Việt Nam, chỉ số CT của cô là 33.
Chi phí mỗi lần xét nghiệm PCR ở Bangkok là 1.500 baht, nhưng Thanh Nhã phải trả 2.300 baht cho lần xét nghiệm gần nhất.
“Trò chơi may rủi”
Tất cả du khách Việt có PCR dương tính tại Bangkok đều đã tiêm 2-3 mũi, hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm bệnh ở Việt Nam. Sau khi có kết quả dương tính, có người được vào hospital và được miễn chi phí 100%. Nhưng rất nhiều trường hợp phải bỏ tiền túi ít nhất từ 30.000 baht để trả cho hospitel. Hoặc có người may mắn có người nhà ở Bangkok đã xin về cách ly tại nhà…
Một thành viên nữ của diễn đàn cũng gặp cảnh tương tự. Bệnh viện gửi hóa đơn hơn 157.000 baht cho 10 ngày ở hospitel, trong đó bảo hiểm chỉ trả gần 30.000 baht và cô phải chi tiền túi bù thêm hơn 127.000 baht, khoảng 98 triệu đồng. Ở lần “thương lượng” thứ hai, bảo hiểm xuống giá còn 80.000 baht, cô gái nói quá khả năng và chỉ còn 30.000 baht. “Thương vụ” được chốt ở mức giá này khi cô gái theo lời khuyên của Thanh Nhã là nói với bảo hiểm “tôi chỉ còn ngần này tiền”, Thanh Nhã kể lại.
Sau khi nhiễm bệnh 19 ngày tại Việt Nam và có PCR âm tính hai lần với kết quả lần hai vào hôm 7-3, anh Lê Anh Tuấn đã bay đi Bangkok. Sau khi nhập cảnh ngày 8-3, anh được báo là dương tính. “Nhập cảnh Thái Lan thời gian này là trò chơi may rủi”, anh chia sẻ. Bởi đến ngày 10-3, bệnh viện gửi cho anh kết quả “not detected”, tức không phát hiện và âm tính.
Trong “trò chơi may rủi” như thế này, phần thắng chỉ dành cho những người có thông tin đầy đủ và có tài “thương thuyết” như Thanh Nhã. Cô đưa ra lời khuyên như thế này: “… Nên mua bảo hiểm của hãng Thái Lan, bởi mua bảo hiểm của công ty Việt Nam thì khi gặp chuyện phải chi tiền hết và chờ khi về Việt Nam thì lấy tiền bồi hoàn của công ty bảo hiểm.
Mọi quyết định liên quan đến tiền bạc với bảo hiểm Thái Lan thì hãy cứng rắn thương lượng ngay từ đầu. Nếu được hãy ghi âm hay chụp hình hỏi tên tuổi người liên hệ với mình. Từ đầu đến cuối, bảo hiểm AXA không chủ động liên lạc mà em tự gọi họ trước”.
“Sau lần này, chắc lâu lắm em mới quay lại Thái Lan”, Thanh Nhã nói với Kinh tế Sài Gòn từ Bangkok. Cô cũng khuyên rằng nếu muốn đi du lịch Thái Lan thì hãy đợi bãi bỏ các xét nghiệm PCR.
Nhưng thời điểm đó có thể là ngày 1-7-2022, theo tờ Bangkok Post, khi Thái Lan đã xem Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu hay truyền nhiễm thông thường dễ lây lan. Từ ngày 16-3, khách Việt sẽ được nhập cảnh Singapore mà không cần cách ly.
Tương tự, Hàn Quốc sẽ mở cửa với du khách Việt từ ngày 1-4 sắp tới. Singapore và Malaysia cũng đang xem xét sẽ sớm công bố Covid là bệnh đặc hữu, có thể là từ tháng tới. Và đi du lịch vào thời điểm trước khi Covid trở thành bệnh đặc hữu luôn là “trò chơi may rủi” mà phần rủi luôn thuộc về du khách.
Ai sẽ bảo vệ du khách Việt ở nước ngoài?
Thái Lan là điểm đến được ưa chuộng thứ ba của du khách Việt với khoảng 1 triệu lượt khách mỗi năm trước năm 2019, xếp sau và chỉ thua chút ít so với thị trường Trung Quốc và Campuchia.
Nếu như trước đây, khách đi theo đoàn thì hãng lữ hành hay công ty du lịch Việt Nam và nước sở tại sẽ chăm sóc và thực hiện các khâu thủ tục chi trả bảo hiểm y tế nếu khách lỡ có chuyện trục trặc sức khỏe. “Nhưng thực tế thì chính chúng tôi trước đây cũng không nghiên cứu kỹ các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm bởi mua cho có và ở mức thấp nhất. Trong tình hình hiện nay, câu chuyện của khách độc lập như Thanh Nhã buộc các hãng lữ hành phải chú ý để bảo vệ quyền lợi của du khách”, giám đốc một hãng du lịch và di trú ở TPHCM trao đổi.
Không quá khó để nhận ra các hãng bảo hiểm đang tận dụng các kẽ hở của quy định và pháp luật Thái Lan để không phải chi trả quá nhiều và nâng mức lợi nhuận. Hồi tháng 7 năm ngoái, theo Bangkok Post, hàng loạt hãng bảo hiểm Thái Lan đã hủy các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ khi người dân lợi dụng các kẽ hở để trục lợi tiền chi trả đến 1,7 tỉ baht chỉ trong tháng 4-2021 so với mức tổng thu 5,9 tỉ baht trong cả năm 2020.
Lần này các hãng bảo hiểm xứ chùa vàng đang đẩy gánh nặng sang cho du khách nước ngoài
Hồ Nguyên Thảo
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch