TP.HCM mới: 'Cực tăng trưởng' hút dòng vốn địa ốc và nguồn nhân lực trẻ
Thứ ba, 22/07/2025 16:59 (GMT+7)
Khi sáp nhập Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương vào TP.HCM, giới chuyên môn tin tưởng đây là cơ hội mở ra một kỷ nguyên mới cho bất động sản khu vực Đông Nam Bộ.
Từ động lực về hạ tầng, chính sách, nguồn lực đến cơ hội đón đầu “làn sóng” dân cư trẻ và giới trí thức đổ về các siêu đô thị đa trung tâm, thị trường địa ốc khu vực đang vào “vòng xoáy vàng”.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám Đốc DKRA Group. Ảnh: NVCC
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám Đốc DKRA Group xung quanh câu chuyện trên.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về bức tranh hiện tại của thị trường bất động sản Đông Nam Bộ, đặc biệt sau hai quý đầu năm 2025?
Ông Võ Hồng Thắng: Thị trường bất động sản khu vực Đông Nam Bộ đã và đang có những tín hiệu phục hồi rõ rệt sau hai quý đầu năm 2025, với nhiều điểm sáng nổi bật ở cả TP.HCM và các khu vực lân cận. Trong quý 2/2025, thị trường tiếp tục ghi nhận những diễn biến tích cực ở các phân khúc chủ lực như đất nền, căn hộ và nhà phố/biệt thự.
Sự ổn định của thị trường còn được củng cố nhờ nhu cầu ở thực vẫn duy trì mạnh mẽ. Cụ thể, phân khúc căn hộ ghi nhận hơn 20.500 căn mở bán, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng tiêu thụ đạt trên 11.000 căn.
Đối với phân khúc đất nền, thanh khoản thị trường ghi nhận mức cải thiện đáng kể, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ nhờ sự quan tâm trở lại của nhóm nhà đầu tư trung và dài hạn. Phân khúc nhà phố/biệt thự cũng cho thấy tín hiệu phục hồi khi nguồn cung tăng 64% và lượng tiêu thụ tăng gần gấp 6 lần so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở các dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, vị trí kết nối thuận lợi.
Bên cạnh đó, những bước tiến trong công tác tháo gỡ pháp lý tiếp tục đóng vai trò là trợ lực then chốt, tạo niềm tin cho cả chủ đầu tư lẫn người mua, góp phần khơi thông dòng chảy thị trường và hướng đến tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Phóng viên: Việc sáp nhập các tỉnh như Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM có phải là “liều doping” thúc đẩy thị trường không, thưa ông?
Ông Võ Hồng Thắng: Theo tôi, việc sáp nhập, tinh gọn đơn vị hành chính từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, mở ra dư địa phát triển các dự án quy mô và bài bản hơn, đặc biệt là cơ hội hình thành các đô thị vệ tinh, khu dân cư mới để đón đầu “làn sóng” dân cư trẻ và lực lượng lao động dịch chuyển đến sinh sống và làm việc. Việc tinh gọn này cũng góp phần nâng cao hiệu quả phát triển và giảm cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương tương đồng.
Những khu vực vốn đã là “điểm nóng” thu hút đầu tư khi được hợp nhất sẽ bổ trợ lẫn nhau về hạ tầng, nguồn lao động và quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bất động sản phát triển những sản phẩm chất lượng, quy hoạch đồng bộ, phù hợp nhu cầu ở thực và xu hướng đô thị hoá.
Nhìn chung, về dài hạn tôi cho rằng việc sáp nhập sẽ mang lại nhiều động lực tích cực, từ hiệu quả quản lý hành chính, chính sách tài khóa đến quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ… tạo nền tảng cho thị trường bất động sản có sự ổn định và phát triển bền vững, gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cấp hệ thống hạ tầng.
Tuy nhiên, đi kèm cơ hội, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là quỹ đất sạch vẫn còn hạn chế, thủ tục pháp lý phức tạp, áp lực vốn đầu tư ban đầu khá lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực tài chính đủ mạnh, chiến lược dài hạn và khả năng thích ứng linh hoạt để tận dụng những cơ hội từ việc sáp nhập.
Phóng viên: Ông kỳ vọng gì về diễn biến thị trường những tháng cuối năm?
Ông Võ Hồng Thắng: Tôi cho rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm, với nhịp tăng trưởng chính vẫn tập trung ở các phân khúc đáp ứng đúng nhu cầu ở thực, đặc biệt là căn hộ vừa túi tiền, nhà phố, đất nền có pháp lý minh bạch và vị trí kết nối hạ tầng thuận lợi.
Mặc dù sức mua thực tế chưa thể hồi phục mạnh do thu nhập của người dân chưa tăng kịp với tốc độ tăng giá nhà, song đà phục hồi sẽ duy trì ổn định nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như mặt bằng lãi suất cho vay còn ở mức thấp, việc tháo gỡ pháp lý dự án được đẩy nhanh, các chính sách hỗ trợ thị trường vẫn được duy trì và quan trọng nhất là tâm lý người mua đang dần ổn định trở lại.
Riêng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ cần thêm thời gian để phục hồi, do phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi bền vững của du lịch quốc tế và sức chi tiêu của nhóm khách hàng có thu nhập cao.
Về trung và dài hạn, tôi cho rằng bất động sản vẫn đang đi theo quỹ đạo phát triển bền vững, gắn liền với tốc độ phục hồi kinh tế, giải ngân đầu tư công và các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, xu hướng giãn dân ra các đô thị vệ tinh, vùng ven và việc tinh gọn đơn vị hành chính cũng sẽ mở ra dư địa phát triển mới, tạo lực đẩy cho các chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Tuy nhiên, thị trường sẽ bước vào giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ hơn, chỉ những dự án có pháp lý minh bạch, sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thực và phát triển theo hướng bền vững mới thực sự là điểm sáng thu hút dòng tiền và mang lại giá trị ổn định trong thời gian tới.
Phóng viên:Theo ông, chúng ta nên tháo gỡ những điểm nghẽn nào cho thị trường bất động sản trong thời điểm hiện nay, cụ thể như tín dụng, nguồn đất sạch hay khung pháp lý? Thời gian tới, với những chính sách mới sẽ có tác động tích cực gì đến thị trường bất động sản và các các doanh nghiệp thị trường bất động sản của TP.HCM, thưa ông?
Ông Võ Hồng Thắng: Theo tôi, việc tháo gỡ các điểm nghẽn mang tính then chốt như nguồn vốn tín dụng, quỹ đất sạch và khung pháp lý vẫn là yếu tố quyết định. Trong đó, vấn đề tín dụng hiện vẫn là áp lực lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi điều kiện tiếp cận vốn vay vẫn còn khá chặt chẽ, lãi suất tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn là “gánh nặng” khi phải “cộng thêm” chi phí đầu vào tăng cao.
Bên cạnh đó, quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm tại các đô thị lớn như TP.HCM cũng là một trong những nguyên nhân làm nguồn cung dự án mới ra thị trường bị hạn chế, đẩy giá bất động sản tăng cao, trong khi khả năng chi trả của người mua lại có giới hạn.
Đặc biệt, vấn đề pháp lý vẫn là “điểm nghẽn” cốt lõi mà toàn thị trường mong muốn sớm được tháo gỡ triệt để. Thủ tục kéo dài không chỉ làm tăng chi phí mà còn trì hoãn tốc độ triển khai. Việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, rút ngắn quy trình phê duyệt sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp thị trường phục hồi, nguồn cung được khơi thông.
Sau khi sáp nhập Bình Dương (cũ) và Bà Rịa- Vũng Tàu (cũ), tôi cho rằng TP.HCM (mới) sẽ có lợi thế đột phá trong việc hình thành và phát triển các siêu đô thị đa trung tâm, kết nối chặt chẽ giữa các trục phát triển đô thị – công nghiệp – logistics – cảng biển.
Sự hợp nhất này sẽ giúp quy hoạch tổng thể vùng được đồng bộ, giảm tình trạng phát triển manh mún, chồng chéo, cũng như hạn chế cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương lân cận, từ đó tối ưu hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội và các khu công nghiệp trọng điểm.
TP.HCM (mới) sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế – xã hội của khu vực phía Nam. Thành phố sẽ có dư địa lớn để phát triển các dự án bất động sản quy mô, đa dạng về loại hình, từ nhà ở, khu đô thị hiện đại, đến bất động sản công nghiệp, thương mại, dịch vụ và logistics.
Đây sẽ là lực hút mạnh mẽ thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra thêm nhiều việc làm, kích thích nhu cầu nhà ở thực và dịch chuyển dân cư và chuyên gia về các đô thị mới.
Thị trường căn hộ tại Đà Nẵng và vùng phụ cận bất ngờ bùng nổ giao dịch trong quý 2/2025, khi hơn 2.600 sản phẩm ra mắt thì gần 1.500 căn đã có chủ. Tỷ lệ tiêu thụ tăng tới 30% so với cùng kỳ, khiến giới đầu tư bắt đầu nhìn nhận lại tiềm năng của khu vực này.
Hàng loạt dự án bất động sản đình đám tại TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng vừa chính thức được miễn giấy phép xây dựng. Thông tin khiến không ít người dân và nhà đầu tư bất ngờ, nhưng lại hoàn toàn có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Dự án chung cư Galia tọa lạc trên đường Đỗ Mười, phường Yên Sở (mới), quận Hoàng Mai (cũ), do Tập đoàn Tân Á Đại Thành làm chủ đầu tư, hiện đang bắt đầu thi công phần móng, song đã được các sàn giao dịch bất động sản “rầm rộ” nhận đặt chỗ và ký thỏa thuận
Khánh Hòa vừa chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái núi Sông Cầu với tổng vốn hơn 5.800 tỷ đồng. Động thái này khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của địa phương.
Hàng loạt dự án bất động sản đình đám tại TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng vừa chính thức được miễn giấy phép xây dựng. Thông tin khiến không ít người dân và nhà đầu tư bất ngờ, nhưng lại hoàn toàn có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Hàng loạt shophouse, liền kề triệu USD tại Hà Nội đóng cửa im lìm, không có giao dịch. Tuy nhiên, nguồn cung nhà thấp tầng vẫn tăng mạnh 6 tháng đầu năm 2025, gây lo ngại về thị trường bất động sản.
Một căn hộ hai phòng ngủ giá lên tới 52 tỷ đồng vừa xuất hiện tại Grand Marina Saigon, gây "choáng" cho thị trường. Giữa lúc nhà ở bình dân vắng bóng, vì sao bất động sản siêu sang vẫn có đất sống?
Ngày 12/6/2025, Quốc hội chính thức thông qua đề án sáp nhập tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP HCM, hình thành một "siêu đô thị Đông Nam Bộ" có quy mô hơn 6.000 km² và dân số gần 13 triệu người.
Mức độ quan tâm loại hình chung cư tăng trở lại ở hầu hết các địa phương trong tháng 5 phản ánh xu hướng lựa chọn phân khúc có tính an toàn của nhà đầu tư và người mua.