Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
Thứ ba, 22/04/2025 10:51 (GMT+7)
Chiều 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua…).
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia - Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao đổi ở cấp kỹ thuật với Bộ Xây dựng để xác định các tồn tại trong việc phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Trước đó, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở trong tình hình mới.
Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg trong đó giao: Bộ Tài chính chủ trì "nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững"; Bộ Xây dựng chủ trì "nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội".
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 8/1/2025 Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo lãnh đạo Chính phủ về Đề án nghiên cứu định chế tài chính phục vụ phát triển nhà ở xã hội. Tại tờ trình này, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát toàn bộ quy định của pháp luật về các cơ chế tài chính phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, hiện nay ở trung ương cũng như địa phương đều đã có các định chế tài chính cũng như cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh các chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy vậy vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp.
Do đó, để đảm bảo triển khai khả thi, nhanh và hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất thay vì thành lập định chế tài chính mới thì sử dụng hệ thống các định chế tài chính hiện có để thực hiện cho vay phát triển nhà ở xã hội và kiến nghị trung ương, địa phương ưu tiên nguồn lực và các cơ chế hỗ trợ cho các định chế này mở rộng hoạt động cho vay nhà ở xã hội.
Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Tại văn bản số 13848-CV/VPTW, ngày 18/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã: Đồng ý về chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2025-2030; chỉ đạo tăng cường huy động các nguồn lực (kể cả ngân sách nhà nước và xã hội hóa) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trước 2030.
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội quốc gia đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến quy định việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia để thực hiện cả 3 nội dung về: (1) Hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; (2) Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Giao Chính phủ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ thực trạng đối với các vướng mắc liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay và kinh nghiệm quốc tế: Về hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đối với hoạt động cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; kinh nghiệm quốc tế phát triển nhà ở xã hội…
Trên cơ sở rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật và các định chế tài chính ở trung ương, địa phương, Bộ Tài chính trình phương án về cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và định hướng thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc thành lập quỹ; chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy mô, đối tượng phục vụ, cơ quan chủ quản, nguồn thành lập quỹ…. để quỹ hoạt động hiệu quả, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Ảnh: VGP/Trần Mạnh
Sau khi nghe ý kiến của các bộ ngành, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi thuê mua, mua nhà ở… là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia".
Qũy phát triển nhà ở quốc gia là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước).
Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; Huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.
Về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, mô hình quản lý của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia,... Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chức năng chính của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi… Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp. Cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; ở địa phương, UBND cấp tỉnh quản lý.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo Nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hà Nội đối mặt nghịch lý hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang trong khi nhu cầu nhà ở giá rẻ tăng cao. Chuyên gia đề xuất rà soát quy hoạch, chuyển đổi công năng, ưu tiên nhà ở xã hội để tránh lãng phí.
Nhiều đối tượng giả danh chủ đầu tư, môi giới bất động sản, lừa đảo người dân muốn mua nhà ở xã hội. Luật sư khuyến cáo người dân cần lưu giữ chứng cứ và tố giác kịp thời để đòi lại quyền lợi hợp pháp.
Từ ngày 1/6, hơn 13.000 hộ kinh doanh tại TP HCM có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm sẽ chính thức không còn nộp thuế khoán. Thay vào đó, họ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Chi cục Thuế khu vực II (TP HCM) vừa công bố kết quả rà soát, kiểm tra công tác thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Đơn vị này cho biết đã mời 17 cá nhân là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên nền tảng số (KOL) lên làm việc do chưa kê khai, quyết toán thuế và nộp thuế đầy đủ theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Xây dựng) yêu cầu các hãng bay tăng tần suất chuyến bay, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của các đoàn công tác, người dân tham gia hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quý 1/2025, thị trường bất động sản (BĐS) sơ cấp tại Hà Nội có sự đối lập rõ rệt giữa loại hình cao tầng và thấp tầng. Trong khi đó, Các CĐT tại TP HCM chuẩn bị triển khai mở bán hàng loạt các dự án trong Q2/2025, sau khi các vấn đề về pháp lý được tháo gỡ, dự báo giá bán có thể vượt mức 100 triệu đồng/m2.
Mùa đại hội cổ đông 2025 chứng kiến làn sóng tái cấu trúc, tăng tốc chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả hoạt động trong khối ngân hàng, tài chính-chứng khoán. Các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) không chỉ công bố kết quả khả quan mà còn đưa ra chiến lược cụ thể, đồng thời thể hiện quyết tâm vượt qua thách thức, đón đầu cơ hội từ nền kinh tế hồi phục.