Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Telegram bị chặn: Cẩn trọng khi tải VPN để 'vượt rào'

Thứ ba, 27/05/2025 19:05 (GMT+7)

Trên App Store, ứng dụng VPN 1.1.1.1 đang đứng đầu bảng xếp hạng được tải nhiều nhất trong những ngày qua sau khi Telegram bị chặn.

Đua nhau tải phần mềm "vượt rào" sau khi Telegram bị chặn

Ngay sau khi Telegram không thể truy cập tại Việt Nam từ ngày 25/5, mạng xã hội lập tức xuất hiện hàng loạt bài viết hướng dẫn người dùng cách “vượt rào” để tiếp tục sử dụng ứng dụng này. Trên nhiều hội nhóm Facebook liên quan đến tiền mã hóa, tài chính và công nghệ, xuất hiện nhiều bài viết hướng dẫn chi tiết để đi "cửa sau" vào Telegram.

“Mọi người tải ứng dụng VPN 1.1.1.1 về máy và làm theo hướng dẫn để tiếp tục truy cập kênh, cập nhật thông tin”, quản trị viên một nhóm Facebook hơn 30.000 thành viên liên quan đến tiền số chia sẻ.

Các bài viết tương tự cũng lan truyền trên Twitter, Thread, TikTok, với nội dung phổ biến là dùng phần mềm VPN để đổi IP và truy cập lại nền tảng.

Theo ghi nhận, hiện có hai cách được sử dụng phổ biến: cài đặt proxy thủ công trong Telegram hoặc dùng các ứng dụng VPN. Trong đó, VPN được ưa chuộng hơn nhờ khả năng kết nối tự động, không yêu cầu thao tác phức tạp.

Trên App Store, ứng dụng 1.1.1.1 của Cloudflare đã nhanh chóng vươn lên vị trí số một trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí tại Việt Nam, vượt qua cả ứng dụng định danh số quốc gia VNeID. Trên Google Play, 1.1.1.1 đứng thứ 3 về số lượt tải xuống.

1.1.1.1 đứng đầu về lượt tải trên App Store. Ảnh chụp màn hình 

Các nền tảng nhắn tin thay thế như WhatsApp, Signal, Discord cũng ghi nhận lượt tải tăng mạnh, phản ánh xu hướng dịch chuyển khi Telegram không thể truy cập theo cách thông thường.

Việc Telegram bị chặn được xác nhận sau khi một số người dùng phản ánh không thể gửi hoặc nhận tin nhắn trên ứng dụng, dù thiết bị vẫn có kết nối mạng bình thường. Kiểm tra kỹ thuật cho thấy các dải IP của Telegram bị chặn ở cấp độ DNS và IP routing. Một số người dùng vẫn có thể truy cập nếu dùng mạng riêng hoặc hệ thống DNS quốc tế, điều này củng cố khả năng có sự can thiệp từ nhà mạng theo yêu cầu quản lý.

Cẩn trọng với phần mềm VPN

Trước đó, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương triển khai biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoạt động của ứng dụng Telegram. Các đơn vị phải báo cáo phương án và kết quả thực hiện trước ngày 2/6.

Tuy nhiên, không ít người dùng vẫn chọn sử dụng VPN – mạng riêng ảo – để vượt qua rào cản kỹ thuật này. VPN hoạt động bằng cách mã hóa lưu lượng truy cập internet và định tuyến thông qua một máy chủ đặt ở quốc gia khác. Điều này giúp người dùng ẩn địa chỉ IP thật, giả lập vị trí và truy cập các dịch vụ bị giới hạn khu vực, trong đó có các nền tảng bị chặn tại Việt Nam.

Về lý thuyết, VPN giúp tăng cường bảo mật khi truy cập mạng công cộng, tránh bị theo dõi và bảo vệ quyền riêng tư. Nhưng thực tế, nhiều ứng dụng VPN – đặc biệt là loại miễn phí – lại tiềm ẩn rủi ro bảo mật lớn. Không ít phần mềm giả mạo VPN được phát hiện cài mã độc để đánh cắp dữ liệu, nghe lén thiết bị, thu thập thông tin cá nhân hoặc thậm chí biến thiết bị thành công cụ phát tán thư rác và thực hiện tấn công mạng.

Google từng phát đi cảnh báo về chiến dịch phát tán mã độc “Playfulghost”, nhắm vào các ứng dụng VPN được tải nhiều trên App Store và Google Play. Mã độc này có khả năng chiếm quyền điều khiển thiết bị từ xa, ghi lại thao tác người dùng, chụp ảnh màn hình, thu thập tệp tin, âm thanh và vị trí GPS. Người dùng thường không nhận ra thiết bị đã bị xâm nhập cho đến khi bị mất tài khoản ngân hàng, bị rút tiền từ ví điện tử, hoặc tài khoản mạng xã hội bị chiếm quyền kiểm soát.

Anh Nguyễn Hoàng Thành, trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty chuyên về dịch vụ bảo mật tại Hà Nội, cho biết nhiều người sử dụng VPN thường xuyên nhưng không hiểu về cách ứng dụng này hoạt động.

“Người dùng thường chọn theo lượt đánh giá hoặc nghe người khác giới thiệu, mà không biết ứng dụng đó hoạt động ra sao, có sao lưu dữ liệu hay không, chính sách bảo mật gì hay ai là đơn vị đứng sau phát triển?”.

Theo anh Thành, nếu vẫn cần dùng VPN, nên chọn các nhà cung cấp có thương hiệu rõ ràng, đã được kiểm chứng về bảo mật, minh bạch về chính sách quyền riêng tư và không lưu nhật ký hoạt động.

Để sử dụng VPN an toàn, người dùng nên bật xác thực hai lớp, không dùng VPN để đăng nhập các dịch vụ nhạy cảm như ngân hàng, ví điện tử, hệ thống công việc. Trong trường hợp có dấu hiệu thiết bị bị xâm nhập như chạy chậm bất thường, xuất hiện ứng dụng lạ, trình duyệt tự động chuyển hướng, người dùng cần ngay lập tức ngắt kết nối internet, quét mã độc, và khóa toàn bộ các tài khoản tài chính.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), ứng dụng Telegram vi phạm nhiều vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định tại Việt Nam.

Các vi phạm gồm: phát tán tài liệu chống phá Nhà nước, lừa đảo trực tuyến, rao bán dữ liệu cá nhân, mua bán ma túy, môi giới mại dâm, và thậm chí có dấu hiệu liên quan đến khủng bố. Một số hội nhóm có hàng chục nghìn người tham gia, phần lớn hoạt động ẩn danh và khó kiểm soát.

Telegram từ lâu đã trở thành "hang ổ" của môi giới mại dâm. Ảnh: Công an cung cấp

Thống kê cho thấy, có tới 68% trong số khoảng 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam bị đánh giá là có nội dung xấu độc.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Telegram phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, bao gồm việc thông báo thông tin liên hệ với cơ quan quản lý, phối hợp xử lý nội dung vi phạm, và có trách nhiệm ngăn chặn khi có yêu cầu từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Telegram đã không chấp hành các quy định này.

Trong bối cảnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chuyển sang các nền tảng hợp pháp và có khả năng phối hợp điều tra khi có yêu cầu từ phía cơ quan bảo vệ pháp luật, thay vì tiếp tục tìm cách truy cập Telegram thông qua các biện pháp kỹ thuật.

Việc cố tìm cách "vượt rào" nếu thiếu hiểu biết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với những ai đang quản lý tài sản số, tài khoản định danh hoặc vận hành doanh nghiệp trực tuyến. Khi một ứng dụng bị hạn chế vì lý do an ninh, giải pháp an toàn nhất không phải là cố tìm đường quay lại, mà là chuyển sang nền tảng thay thế, minh bạch và hợp pháp hơn.

Thái Sơn
Nguồn: sohuutritue.net.vn