Nếu sắp sinh con, hãy sang 10 nước sau để hưởng chế độ thai sản cao nhất thế giới
Phụ nữ tại Canada được nghỉ tới 17 tuần khi sinh nở, ngoài ra có thêm 35 tuần nữa được chia cho cả bố và mẹ. Tất cả các chế độ này đều được trợ cấp bởi chính phủ.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Trước đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản từ 6 lên 7 tháng đối với lao động nữ sinh con thứ hai, khi người lao động hoan nghênh, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về gánh nặng nhân sự và chi phí.
Bộ Y tế vừa đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng cho lao động nữ sinh con thứ hai, trong khi các trường hợp khác vẫn giữ nguyên 6 tháng. Đồng thời, phụ nữ sinh đủ hai con tại khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh có mức sinh thấp sẽ được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức sinh tại Việt Nam đang giảm nhanh, từ 1,96 con/phụ nữ năm 2023 xuống còn 1,91 con/phụ nữ năm 2024, mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Hiện nay, theo Bộ luật Lao động, lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng, trong đó nghỉ trước sinh tối đa 2 tháng. Nếu sinh đôi trở lên, từ con thứ hai trở đi, mỗi bé sẽ được thêm một tháng nghỉ.
Chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, công nhân tại KCN Thăng Long) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này. "Khi sinh con đầu lòng, tôi thấy 6 tháng nghỉ thai sản là vừa đủ. Nhưng nếu có con thứ hai, trách nhiệm gia đình nặng hơn, sức khỏe phục hồi lâu hơn, tôi nghĩ thêm một tháng nghỉ sẽ giúp mẹ và bé có điều kiện tốt hơn để thích nghi", chị chia sẻ.
Giống như chị Lan, chị Thu Hương (46 tuổi, quê Hải Phòng, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long) cũng đồng tình tăng thời gian nghỉ thai sản.
“Nhiều em bé sinh ra khỏe mạnh, nhưng cũng có những bé sức khỏe yếu, cần được chăm sóc nhiều hơn. Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản giúp mẹ có thêm thời gian chăm con, đảm bảo con cứng cáp trước khi mẹ quay lại làm việc”, chị Hương bày tỏ.
Chia sẻ về vấn đề mất thu nhập khi nghỉ thai sản dài hơn, chị Thu Hương thừa nhận đây là điều đáng cân nhắc. Tuy nhiên, theo chị, điều quan trọng là lao động nữ có thêm thời gian hồi phục sức khỏe và chăm sóc con. “Nếu vừa đi làm vừa chăm con, mọi thứ sẽ rất vất vả”, chị nói.
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản cũng làm dấy lên lo ngại về cơ hội nghề nghiệp của lao động nữ.
Chị Thanh Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) bày tỏ quan ngại rằng, thời gian nghỉ dài có thể khiến chị khó bắt kịp tiến độ công việc, thậm chí mất cơ hội thăng tiến hoặc bị thay thế.
“Dù có bảo hiểm thai sản, nhưng với thu nhập của tôi, nghỉ thêm một tháng đồng nghĩa với chi phí tăng lên. Quan trọng hơn, tôi lo lắng về cơ hội phát triển sự nghiệp khi vắng mặt quá lâu”, chị Trang chia sẻ.
Nỗi lo này không chỉ của riêng chị mà còn là mối bận tâm chung của nhiều lao động nữ. Trong bối cảnh nền kinh tế số và chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ, doanh nghiệp ngày càng yêu cầu cao về năng suất và tính liên tục trong công việc. Điều này có thể khiến những người nghỉ thai sản dài đối mặt với nguy cơ bị thay thế hoặc mất cơ hội thăng tiến.
Theo đại diện khách sạn Lake Side cho rằng, tăng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng sẽ giúp lao động nữ có thêm thời gian phục hồi sức khỏe và chăm sóc con tốt hơn.
“Con cái là điều quan trọng nhất. Việc nghỉ thêm một tháng sẽ giúp các bà mẹ yên tâm hơn”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận rằng với doanh nghiệp, đặc biệt là ngành khách sạn luôn cần nhân lực, thời gian nghỉ thai sản dài hơn có thể bị ảnh hưởng nhất định.
Thực tế tại công ty có hơn 65% lao động nữ này, một số công nhân sẵn sàng đi làm sớm hơn 6 tháng nghỉ thai sản. Để hỗ trợ họ, công ty đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ tài chính, tăng thời gian nghỉ trưa, cho về sớm hơn vào buổi chiều và đầu tư phòng vắt trữ sữa, giúp người mẹ đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho con.
Đại diện công ty TNHH Bao Bì Công Nghiệp Nam Anh, nhận định rằng mặc dù chính sách tăng thêm 1 tháng nghỉ thai sản mang lại lợi ích cho lao động nữ, nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực.
“Nghỉ thai sản dài có thể khiến lao động nữ lo ngại về cơ hội thăng tiến, bị thay thế hoặc mất kỹ năng công việc”, ông chia sẻ. Thực tế, một số doanh nghiệp có thể ngần ngại tuyển dụng lao động nữ vì lo sợ chi phí và thời gian nghỉ dài hơn.
Dù trợ cấp thai sản được chi trả từ quỹ bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp vẫn chịu áp lực lớn về tái sắp xếp nhân sự để bù đắp cho người nghỉ dài. Điều này càng khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ với ít nhân sự dự phòng. Nếu không có kế hoạch tuyển dụng hoặc đào tạo người thay thế tạm thời, công việc có thể bị đình trệ, ảnh hưởng đến năng suất chung của công ty.
GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân, ủng hộ đề xuất nâng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ, cho rằng điều này sẽ giúp các bà mẹ có thêm thời gian chăm sóc trẻ sơ sinh và hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng nhiều lao động nữ hiện nay phải quay lại làm việc sớm hơn do lý do kinh tế.
Theo ông Long, yếu tố quan trọng quyết định việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng là kinh tế. Khi thu nhập ổn định, họ sẽ cân nhắc sinh thêm con, ngược lại, bất ổn thị trường lao động và khủng hoảng kinh tế khiến thu nhập không ổn định, tăng áp lực chi phí nhà ở, giáo dục, y tế và chăm sóc con cái, khiến nhiều gia đình trì hoãn hoặc không sinh thêm con.
Ở các thành phố lớn, nhiều gia đình chỉ muốn tập trung thời gian và tiền bạc cho 1-2 con thay vì sinh nhiều. Thêm vào đó, thế hệ "bánh kẹp" vừa phải nuôi dạy con cái, vừa chăm sóc cha mẹ già lương hưu thấp hoặc không có hưu trí, sức khỏe yếu, khiến họ mệt mỏi khi nghĩ tới việc có thêm con.
Ông Long khẳng định rằng mặc dù việc nâng thời gian nghỉ thai sản là một bước đi hợp lý, nhưng chưa đủ. Cần có một chính sách tổng thể trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, và văn hóa để thực sự thay đổi mức sinh, vì yếu tố quyết định không chỉ là thời gian nghỉ thai sản mà còn là điều kiện sống của gia đình.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Tâm lý Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng ủng hộ việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản, cho rằng chính sách này sẽ khuyến khích sinh con và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, việc nghỉ quá lâu có thể khiến lao động nữ gặp khó khăn khi trở lại làm việc.
Ông Nam nhấn mạnh rằng mỗi gia đình cần có sự phân bổ công việc hợp lý giữa vợ và chồng để giảm bớt áp lực cho phụ nữ. “Người chồng cần chủ động hỗ trợ vợ trong công việc nhà và chăm sóc con để người phụ nữ có thời gian bổ sung kiến thức và cập nhật xu hướng ngành nghề, giúp họ dễ dàng tái hòa nhập công việc mà không cảm thấy tụt hậu so với đồng nghiệp”, ông nói.
Để chính sách này thực sự hiệu quả, ông Nam đề xuất các biện pháp bổ sung như tăng cường chế độ làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc trẻ nhỏ tại nơi làm việc, hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng để phụ nữ có thể dễ dàng quay lại công việc sau thời gian nghỉ sinh.
Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng được xem là một đề xuất mang tính nhân văn, giúp bảo vệ sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy ngoài mong muốn, cần có các biện pháp hỗ trợ đi kèm để đảm bảo quyền lợi của lao động nữ mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường lao động. Dư luận hiện đang chờ đợi các bước đi cụ thể từ Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan để chính sách này có thể sớm được áp dụng một cách hợp lý và hiệu quả.