Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị bắt: Khi các KOLs tận dụng hình ảnh đạo đức để trục lợi

Chủ nhật, 06/04/2025 09:49 (GMT+7)

Đây không phải lần đầu 'người nổi tiếng' vướng vòng lao lý. Nhưng tính chất vụ việc lần này liên quan Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đặc biệt nghiêm trọng.

Cộng đồng mạng rúng động khi Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng.

Từng là hình mẫu của thế hệ sáng tạo nội dung số, Quang Linh Vlogs gây ấn tượng với hình ảnh chàng trai giản dị, làm thiện nguyện tại châu Phi, thu hút hàng triệu người theo dõi trong và ngoài nước.

Nhưng sau ánh hào quang là sự thật cay đắng: hàng loạt sản phẩm được thổi phồng công dụng qua những phiên livestream triệu view, mang về doanh thu hàng tỷ đồng. Người hâm mộ choáng váng khi nhận ra mình bị chính thần tượng dắt mũi mua phải hàng kém chất lượng.

Cơ quan điều tra khởi tố và bắt giam Hằng Du mục và Quang Linh Vlogs.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học nhận định, người nổi tiếng, đặc biệt là các KOLs, youTubers hay tiktokers, sở hữu thứ “quyền lực mềm” mang tên thương hiệu cá nhân. Với hàng triệu người theo dõi, hình ảnh họ xây dựng thường tạo ra cảm giác tin tưởng gần như tuyệt đối – không cần kiểm chứng. Và chính niềm tin đó, khi bị phản bội, để lại cú sốc sâu sắc không chỉ cho cá nhân người hâm mộ, mà cho cả cộng đồng.

Khác với các tội phạm thông thường, hành vi vi phạm của KOLs thường được ngụy trang tinh vi bằng các nội dung nhân văn, thiện nguyện. Họ không hành động bộc phát, mà tính toán kỹ lưỡng, tận dụng hình ảnh “đạo đức” để che đậy mục đích trục lợi phía sau.

Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho rằng, nhiều người lấy 'mác' người nổi tiếng để lừa dối khách hàng. Ảnh: NVCC

Khi bị phát hiện, nhiều KOLs không ngần ngại sử dụng chính mạng xã hội để điều hướng dư luận: phản bác, đổ lỗi, thậm chí kêu gọi sự thương hại để né tránh trách nhiệm. Họ không chỉ phạm sai lầm, mà còn khiến hàng triệu người bị kéo vào vòng xoáy cảm xúc và thông tin sai lệch.

Ở đỉnh cao lưu lượng truy cập, KOLs đối mặt với áp lực duy trì sức nóng, tạo ra nội dung “ăn khách”, kiếm tiền nhanh chóng. Sự kết hợp giữa kỳ vọng danh tiếng, nhu cầu tài chính và lỗ hổng giám sát pháp lý khiến nhiều người lựa chọn con đường sai trái – sản xuất, quảng bá hoặc bán hàng không kiểm soát, thậm chí hàng giả.

Hiện nay, không ít sản phẩm do KOLs giới thiệu vẫn xuất hiện tràn lan mà không được kiểm định, không rõ nguồn gốc, nhưng lại được tung hô bằng ngôn từ hoa mỹ và niềm tin mù quáng của người theo dõi.

Một vụ án có thể ảnh hưởng đến vài cá nhân, nhưng khi thần tượng sụp đổ, hậu quả lan rộng đến cả thế hệ. Giới trẻ – nhóm hâm mộ chính – dễ rơi vào tâm lý vỡ mộng, hoài nghi, thậm chí mất phương hướng. Từ đó, niềm tin xã hội bị xói mòn, đạo đức bị hoài nghi, và các chuẩn mực bắt đầu lệch chuẩn.

Trong khi người bán hàng nhỏ lẻ phải kê khai, đăng ký kinh doanh, thì nhiều KOLs lại được "ưu ái" bởi thuật toán – chỉ vì họ tạo ra tương tác. Cơ chế kiểm duyệt hiện nay vẫn lỏng lẻo, chưa đủ sức ngăn chặn các “thần tượng ảo” thao túng thị trường và công chúng.

Hằng Du Mục và Quang Linh cùng Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bất kỳ ai cũng có thể trở thành KOLs hoặc KOC, quảng bá sản phẩm chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bán hàng giả đã lợi dụng sức ảnh hưởng của các KOLs để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng với thù lao lớn, nhờ vào lượng người hâm mộ đông đảo và khả năng chuyển niềm tin từ sự yêu thích sang việc tin tưởng sản phẩm.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh một thực tế đau lòng: nhiều KOLs không có kiến thức về sản phẩm họ quảng bá, giống như những người không qua đào tạo y tế nhưng vẫn tự xưng là bác sĩ để tư vấn thuốc hoặc thực phẩm chức năng giả. Mặc dù pháp luật không thể ngăn cấm hoàn toàn các cá nhân này quảng cáo trên mạng, nhưng họ sẽ bị xử lý nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Về phía người tiêu dùng, ông Sơn cho rằng sự dễ dãi trong việc chấp nhận quảng cáo sai sự thật đã góp phần khiến hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Ông dẫn chứng vụ việc kẹo rau Kera, khi người tiêu dùng không đòi quyền lợi dù sản phẩm không đúng như quảng cáo. Ông khuyến khích người tiêu dùng thay đổi tư duy và mạnh dạn kiện khi mua phải sản phẩm không đúng chất lượng.

Bên cạnh đó, ông Sơn cho rằng việc xử lý các quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Tiktok, Youtube hiện gặp nhiều thách thức, và chỉ có thể trông chờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi sắp tới sẽ yêu cầu các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tạo ra cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn